Nguồn vốn ‘tắc nghẽn’ vì doanh nghiệp không có tài sản thế chấp

Tài chínhThứ Sáu, 05/04/2024 22:23:51 +07:00
(VTC News) -

Theo các chuyên gia, nguồn vốn dồi dào nhưng doanh nghiệp, người dân khó tiếp cận được, nguyên nhân một phần vì doanh nghiệp không có tài sản thế chấp.

Không có tài sản thế chấp thì khó vay

Tại hội thảo "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường" tổ chức ở TP.HCM ngày 5/4, các chuyên gia, nhà quản lý đều thừa nhận, việc khơi thông nguồn vốn như mở “mạch máu” cho nền kinh tế quốc gia.

Hội thảo Khơi thông nguồn vốn ra thị trường do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM. (Ảnh: Q.Đ)

Hội thảo Khơi thông nguồn vốn ra thị trường do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM. (Ảnh: Q.Đ)

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến cuối năm 2023 có khoảng 40% doanh nghiệp thủy sản không còn tài sản để thế chấp. Điều này khiến việc tiếp cận vốn trở nên vô cùng khó khăn.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang vay ngân hàng với mức lãi suất phổ biến từ 6 --7%/năm, riêng doanh nghiệp không có tài sản thế chấp thì lãi suất từ 8 - 8,5%, mức lãi suất này là khá cao.

“Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản mong muốn lãi suất cho vay được kéo giảm hơn nữa, riêng mức lãi suất vay tiền USD ở mức dưới 4%, đây là mức lãi suất phù hợp để doanh nghiệp vươn lên”, bà Lan nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. (Ảnh: Q.Đ)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. (Ảnh: Q.Đ)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ, hiện nay, người mua nhà cũng chưa tiếp cận được gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Chính vì thiếu người vay nên ngân hàng cũng không thể giải ngân.

Theo ông Châu, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội cũng chưa đủ hấp dẫn khi lãi suất 6 tháng tăng một lần.

Về phía doanh nghiệp bất động sản, hiện nay các doanh nghiệp cũng không còn tài sản thế chấp để vay vốn nên các ngân hàng cũng không thể cho vay. Để dòng vốn trong kinh doanh bất động sản được lưu thông thì giải pháp hữu hiệu nhất chính là “phi tín dụng”, tức là tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý cho doanh nghiệp. Các dự án được triển khai thì dòng vốn từ các ngân hàng mới “chảy”.

“Khi có sản phẩm bất động sản thì người dân mới mua nhà, vay tiền, dòng chảy tín dụng mới xuyên suốt”, ông Châu nói.

Nhiều giải pháp khơi thông nguồn vốn

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc, du lịch và một số ngành tăng trưởng khá, cùng với lãi suất ngân hàng đã hạ sẽ kéo theo nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng lên.

Khi đi khảo sát, ông Tuệ nhận thấy doanh nghiệp thường kêu khát vốn, khó tiếp cận vốn, trong khi các ngân hàng thừa nhận họ rất cần doanh nghiệp để cho vay.

Ông Tuệ cho rằng, lý do khiến nhiều doanh nghiệp chưa dễ tiếp cận được nguồn tín dụng vì khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch và quản trị yếu kém.

Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là chưa nâng được khả năng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Để khắc phục tình trạng này, ông Tuệ đề xuất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Cụ thể, Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng tiếp tục được kéo dài thay vì kết thúc vào ngày 30/6 tới.

Về phía ngân hàng, ông Tuệ đề nghị hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, các ngân hàng cũng nên đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp. 

Về phía người vay vốn, ông Tuệ cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: A.L)

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: A.L)

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ, bản thân NHNN và các ngân hàng thương mại cũng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi để khuyến khích, tạo động lực cũng như tập trung các lĩnh vực ưu tiên. Điển hình như gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở nhà xã hội, nhà ở công nhân hay gói 30.000 tỷ đồng cho ngành lâm thủy sản...

Theo ông Tú, hiện nay, các ngân hàng cũng đã áp dụng công nghệ để hỗ trợ tối đa cho hoạt động tín dụng, đặc biệt là thủ tục cho vay. Thời gian cho vay chỉ rút ngắn xuống còn vài ngày, việc này giúp doanh nghiệp, người dân vay vốn thuận tiện hơn.

"Ngân hàng Nhà nước cũng tập trung tháo gỡ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã để các mô hình này tiếp cận nguồn vốn tốt hơn. Đây là những mô hình chiếm số lượng đông đảo trong nền kinh tế”, ông Tú nói.

Cũng theo Phó Thống đốc NHNN, việc cung ứng vốn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế là rất quan trọng, nhất là trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì vấn đề vốn càng "nóng" hơn.

Hiện nay, huy động vốn của nền kinh tế đạt khoảng 13,73 triệu tỷ đồng. Thanh khoản hệ thống sẵn sàng đảm bảo nguồn vốn cho bất cứ dự án nào đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện tín dụng. Tổng dư nợ toàn nền kinh tế hiện đạt 13,76 triệu tỷ dồng. Số dư tiền gửi của các ngân hàng thương mại tương đối dồi dào. Với con số huy động và dư nợ cho thấy huy động bao nhiêu thì gần như cho vay bấy nhiêu.

Về tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,9%, trong khi âm vào tháng 1 và 2. Đến nay, tín dụng tăng khoảng 1%. Với dấu hiệu khởi sắc này, nền kinh tế bắt đầu ngấm vốn. Ông Tú hi vọng, trong quý 2, quý 3 và nhất là quý 4, nguồn vốn tín dụng đạt mức kỳ vọng dự kiến cả năm là 14-15%.

Bình luận
vtcnews.vn