Người Việt kể về New York sau ngày 11/9

Thời sựChủ Nhật, 11/09/2011 12:04:00 +07:00

(VTC News) – Sau 11/9, người ta bắt đầu chào hỏi, thăm nom nhau, nhường nhịn trong siêu thị, lên xe bus. Tai họa đã giúp người Mỹ xích gần nhau...

(VTC News) – Sau 11/9, người ta bắt đầu chào hỏi và thăm nom nhau, nhường nhịn trong siêu thị, lên xe bus hay chỗ ngã tư. Tai họa đã giúp người Mỹ xích gần nhau hơn.

Lời Tòa soạn: Mỹ là nước có nhiều Việt kiều sinh sống. Và họ cũng là những người chứng kiến thảm họa khủng bố 11/9 cách đây 10 năm. Những cảm xúc trong ngày xưa và thay đổi của New York ngày nay đã được Hiệu Minh, một chuyên gia về công nghệ thông tin đang làm việc tại Mỹ ghi lại. VTC News xin giới thiệu cùng bạn đọc.

New York ngày 11/9 năm 2001

New York như Sài Gòn của Việt Nam, một trung tâm kinh tế và thương mại của Hoa Kỳ. Vào đó bạn như bị nuốt với những building chọc trời. Rất ít cây xanh, thừa bê tông, sắt thép và kính nhôm.

Anh chị Mẫn Hà hẹn sẽ đi cùng nhà Cua tới hai nơi. High Line và World Trade Center (WTC). Một nơi bỗng mọc cây xanh trên cao, một nơi chiều cao bị đốn nhưng đang được dựng lại “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Đường sắt “Babilon”

High Line (đường sắt trên cao) là dự án biến 2.3km đường sắt thành một công viên treo theo kiểu Babilon.

Vào năm 1847, thành phố NY cho phép xây dựng một đoạn đường sắt trên cùng mặt bằng với phố, đi qua phần tây của Manhattan. Tầu hỏa mang hàng hóa, nhu yếu phẩm cho Manhattan nên được gọi Life Line of New York City – con đường mang sự sống.

Để đảm bảo giao thông an toàn, mấy anh cao bồi của miền Tây hoang dã được thuê về làm người chỉ đường và hướng dẫn giao thông khi có tàu chạy qua.

High Line năm 1936. Ảnh: Wiki 

Dẫu vậy, giống như đường tàu vào ga Nam Bộ của ta đi qua cửa Nam, đường Lê Duẩn, toàn dân cư đông đúc, rất hay bị tai nạn. Nhất là phần đi qua đại lộ số 10. Người ta gọi là đường chết chóc (Death Avenue).

Sau nhiều năm tranh cãi, năm 1929, họ đã quyết định nâng cao đường sắt cho khỏi bị nguy hiểm. Và thế là dự án High Line (đường sắt trên cao) ra đời, kéo dài 21km, với số tiền đầu tư khoảng 150 triệu đô la Mỹ (2 tỷ giá hiện thời).

Thế rồi chính quyền thành phố thấy để tầu hỏa chạy qua thành phố gây ô nhiễm, nhất là tiếng ồn, người ra đã thu ngắn dần. Và cuối cùng thì dừng hẳn. Chuyến tầu cuối cùng chạy vào năm 1980 chở ba toa tầu gà tây đông lạnh đã kết thúc sứ mệnh của High Line sau nửa thế kỷ hoạt động.

Kể từ đó, High Line bị bỏ hoang phế. Người ta dự định phá đi lấy sắt vụn bán như một số người Hà Nội ta định “xử” cầu Long Biên. Nhưng có hai ông Robert Hammond và Joshua David sống ở cạnh High Line đã vận động dân trong vùng nhằm tìm kiếm tiền, để biến High Line thành một công viên trên cao.

Hàng chục ngàn người tham gia góp công, tiền của và dự án đã thành công ngoài sự mong đợi. Bây giờ High Line là điểm thu hút khá đông khách du lịch tới New York.

High Line ngày nay. Ảnh: Wiki 

Dạo chơi trên High Line, hai bên là cỏ cây, hoa lá, thảm cỏ xanh tự nhiên, du khách như đang dạo đâu đó ở vườn treo Babylon giữa Manhattan chỉ có sắt thép, bê tông. Gần đó là sông Hudson tầu thuyền tấp nập, ngắm cảnh hoàng hôn đẹp vô cùng.

Thật không ngờ, từ khi mở cửa đến nay, trên công viên không xảy ra trộm cắp, cướp giật như ở Central Park. Một phần do luật lệ rất chặt, không cho phép chó mèo dạo chơi, ván trượt hay cả xe đạp. Đường đi lại sạch như được lau chùi thường xuyên.

Công viên này đã giúp cho hàng chục dự án về bất động sản ra đời nhằm chiếm vị trí đẹp cạnh High Line. Giá nhà xung quanh lên cao vút.

Hà Nội mình có cầu Long Biên, rồi mấy nhà ga đi qua cửa Nam, cửa Bắc, nhiều chỗ cũng đi trên cao. Giá mà ta làm được như New York. Van các bác, đừng bán cầu Long Biên lấy sắt vụn.

New York, ngày Thảm họa

Cả hội rủ nhau đi xem tòa tháp đôi (World Trade Center – WTC). Mười năm trước, 19 kẻ không tặc cướp 4 máy bay vừa cất cánh, đầy xăng, hành khách và dùng đó làm một quả bom sống tấn công nước Mỹ.

Hai chiếc lao vào tòa tháp đôi ở New York, biểu tượng của kinh tế Mỹ. Chiếc khác phá tung một góc của Ngũ Giác Đài – biểu tượng sức mạnh quân sự. Chiếc thứ 4 do sự chống trả quyết liệt của hành khách đã không tới mục tiêu. Người ta đồn rằng, nó sẽ bay đến tòa nhà Quốc hội hoặc Nhà Trắng.

Một bức tượng bằng đồng về một người đàn ông với chiếc cặp trong tay bị phủ đầy khói bụi sau cuộc tấn công hôm 11/9. 

Biết có tin cưỡng đoạt máy bay trên bầu trời New York, 9 phút sau một phản lực F-15 đã cất cánh nhưng không có lệnh nên đã không bắn hạ chiếc American 11 đâm vào Tháp Bắc với tốc độ 700km/giờ. Rồi chính viên phi công F-15 cũng chứng kiến chiếc United 175 đâm vào Tháp Nam trước hàng vạn ống kính đang truyền hình trực tiếp tòa Bắc đang cháy do cú đâm thứ nhất.

Tháng 9, trời New York trong xanh. 9 giờ sáng là thời điểm khá bận rộn của thành phố nhộn nhịp suốt ngày đêm. Thứ 3 ngày ít khách đi lại. Máy bay vừa cất cánh, xăng còn đầy bình. Chiếc  sau đâm tòa Nam chậm 15 phút đủ để cho ống kính sẵn sàng.

Chọn ngày 11-9 mà người Mỹ dùng là 9-11 tương đương với số điện thoại gọi cảnh sát và cứu hỏa. Bây giờ cứ nhấc máy gọi 911 thì ai cũng nhớ lại trận khủng bố kinh hoàng 10 năm trước.

Bin Laden là tác giả của vụ tấn công hoàn hảo tới mức mà các đạo diễn Hollywood khó ai nghĩ ra được.

Ngày 11-9-2001, cu Luck mới được 4 tháng, hắn sinh 11-5-2001. Bố Cua đang giặt tã trên tầng ba thì nghe điện thoại reo. Tin nước Mỹ bị tấn công đã lan đến cả làng Sài ở Hà Nội.

Với gia đình anh Mẫn Hà tại New York những ngày đó, sự kiện 11-9 không thể nào quên, dù đã trải qua một thập kỷ.

Hôm 11-9-2001, anh vừa đến văn phòng trong tòa nhà UN, cách tòa tháp đôi không xa. Bắt đầu làm việc, được tin tòa tháp 1 bị máy bay đâm vào. Chưa biết phản ứng ra sao thì tòa thứ hai bị tấn công.

Thành phố New York 9 triệu người hoàn toàn hoảng loạn. Những vẻ mặt thất thần, bàng hoảng, khóc không thành tiếng và quan trọng, người dân không hiểu chuyện gì đã xảy ra và sẽ xảy ra với Hoa Kỳ. Còi rú khắp nơi, đường xá hoàn toàn tắc nghẽn.

Anh nhớ Hà Linh, con gái thứ hai, đang học cách nơi bị tấn công có vài dãy phố. Nhưng bốn bề đã thấy khói lửa tràn ngập. Cellphone, điện thoại cố định tắc tị hoàn toàn, mất hết liên lạc.

Không còn cách nào, anh Mẫn đành chọn đường đi bộ về nhà. Theo đoàn người trong vô định về phía Queens, một khu khác cạnh New York khoảng 1 tiếng đi metro. Khi tới gần cầu vượt thì thấy một taxi đang chờ khách, mấy người không quen nhau vội nhảy lên. Chiếc taxi nhích dần qua cầu.

Đúng lúc ấy anh chứng kiến tòa tháp đầu tiên tan chảy như que kem. Và 30 phút sau tòa thứ hai biến mất ngay trước mắt mình.

Tới nhà đã thấy cu Duy 13 tuổi đã từ trường trở về. Thanh Hà lo lắng, không hiểu Hà Linh thế nào, đành mặc cho số phận. NY lúc đó như một hoang đảo.

Nhưng rồi 4 giờ chiều ngày 9-11, cháu cũng được một phụ huynh đưa về nhà. Thật may mắn cho cả nhà. Nếu không, giấc mơ Mỹ sẽ thành ác mộng.

Mấy ngày liền anh không đi làm. Dạo quanh phố phường để lấy lại bình tĩnh, anh thấy nước Mỹ bắt đầu thay đổi. Người Mỹ vốn sống ích kỷ, chỉ biết bản thân, không thèm để ý đến ai. Đôi lúc nhà bên cạnh có người chết hàng tuần cũng chả ai để ý.

Nhưng sau ngày đó, ngay trong khu Forest Hills, dân chúng bắt đầu chào hỏi và thăm nom nhau, nhường nhịn trong siêu thị, lên xe bus hay chỗ ngã tư. Người ta nhận ra, tình người vô cùng quan trọng. Tiền bạc, danh vọng, giầu có chỉ là thứ phù du. Tai họa đã giúp người Mỹ xích lại gần nhau.

New York ngày nay: Vết thương đang lành

Khỏi phải nói về thế giới thay đổi sau 11- 9 . Vị trí siêu cường lung lay. Trong lúc đó người Trung Hoa lặng lẽ tiến lên nhằm chiếm ngôi bá chủ. Cán cân quyền lực đã khác xưa. Không còn quốc gia nào giữ vị trí độc tôn.

Anh Mẫn bảo, chết một lúc mấy ngàn người cũng sợ. Nhưng đáng sợ hơn cả là thế giới không còn an toàn. Nhớ thời xưa đi máy bay không có kiểm tra, không camera an ninh, ra vào tòa nhà UN kiểm soát rất nhẹ nhàng. Thế mà bây giờ chỗ nào cũng như sắp có chiến tranh.

Freedom Tower tương lai. 

Vết thương lòng của người New York cũng đã lành. Phố xá lại đông đúc như xưa. Những chuyến tầu điện ngầm cũ kỹ chạy suốt ngày đêm chở đầy khách lao đi trong bóng tối. Tòa tháp Empire cao nhất thành phố vẫn lung linh trong đêm. Hình như New York không bao giờ ngủ.

Nơi bị khủng bố đã mọc lên một tòa tháp khác (Freedom Tower) đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ngoài ra còn có Tower 2, 3, 4, 5 và 7. Cạnh đó là đài tưởng niệm đúng bằng hai cái móng do tòa tháp đôi để lại. Rồi đây khu WTC sẽ hồi sinh và phát triển rực rỡ.

Hơn một năm nay, anh chị Mẫn Hà có thú vui chơi golf vào cuối tuần. Tivi chỉ bật mỗi kênh thể thao này. Hà My đã lấy chồng. Duy Anh đã là chàng trai 23 tuổi, thâm trầm, ít nói nhưng ngồi vào xe là phóng kịch kim. Hà Linh trưởng thành và đẹp mộng mơ.

Gia đình nhỏ ấy bên Queens bước sang một cuộc sống khác so với 10 trước, trầm lắng và đằm thắm hơn xưa, ngôi nhà của anh chị cũng là nơi tụ họp thân thương của bạn bè khắp bốn phương trời.

Hiệu Minh


Bình luận
vtcnews.vn