Người tiêu dùng vẫn chưa biết cách bảo vệ quyền lợi khi bị xâm phạm

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Hai, 20/11/2023 11:57:00 +07:00
(VTC News) -

Dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được phổ biến từ lâu, người dân vẫn than phiền về việc bị xâm phạm quyền lợi khi mua sắm mà không biết cách khiếu nại.

Bà Phạm Thanh H. (Linh Đàm, Hà Nội) bức xúc vì mua một chiếc loa bluetooth trên một trang thương mại điện tử uy tín của Việt Nam, nhưng khi hàng không đúng mô tả, chất lượng kém, bà phản ánh trên sàn không được phản hồi. Bà không biết phải khiếu nại với Hội Bảo vệ người tiêu dùng thế nào. 

Tương tự, chị Linh ở Dương Nội, Hà Đông chia sẻ, mới đây, chị mua hàng tại một siêu thị trên đường Tố Hữu với tin tưởng là hàng hóa ở đây yên tâm về chất lượng. Thế nhưng khi mua sản phẩm thịt lợn tại siêu thị này, chị đã vô cùng thất vọng vì mua phải sản phẩm hàng đông lạnh quá hạn sử dụng nhưng không được siêu thị đền bù.

Người tiêu dùng có đủ quyền để đảm bảo quyền lợi của mình khi mua sắm.

Người tiêu dùng có đủ quyền để đảm bảo quyền lợi của mình khi mua sắm.

Khi được hỏi tại sao không khiếu kiện lên cơ quan chức năng như Cục Cạnh tranh & Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) hoặc Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đa phần người tiêu dùng có chung ý kiến, ngại gõ cửa cơ quan công quyền bởi thiệt hại không nhiều về tài chính nên chờ đến khi cơ quan chức năng giải quyết xong thì tốn nhiều thời gian...

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thực thi nhiều năm qua, song số vụ việc người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi vẫn gia tăng do chưa nắm rõ luật. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh thông tin Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới người dân, doanh nghiệp. 

Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung, đa số người tiêu dùng vẫn chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình. Đáng nói, ngay cả khi phát hiện mình bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng cũng ngại khiếu kiện, chấp nhận thua thiệt.

“Thống kê của Cục Cạnh tranh & Bảo vệ Người tiêu dùng cho thấy có đến 44% số người từng bị xâm phạm quyền lợi chọn phương án im lặng hoặc bỏ qua vụ việc”, ông Trung cho hay.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, với phần lớn người tiêu dùng, khi gặp phải tình thế mua hàng không đúng như chất lượng công bố, thì thường họ không biết làm gì ngoài việc tỏ thái độ bức xúc. Điều đó càng khiến cho nhà sản xuất, kinh doanh bất chính lợi dụng để trục lợi.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, mặc dù Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời nhiều năm nhưng người Việt Nam ngại khiếu kiện vì chưa nắm rõ luật, chưa hiểu các quyền của mình.

Điều này dẫn đến thái độ thờ ơ và không biết cách tự bảo vệ khi cho rằng chi phí khiếu kiện còn nhiều hơn so với số tiền mua sản phẩm, nên hầu hết họ bỏ qua quyền lợi của mình”, ông Hùng nói.

Nhiều người người tiêu dùng khi được hỏi về 8 quyền mà mình được hưởng đều hiểu lơ mơ, thậm chí không biết đến những quyền lợi này.

“Thậm chí, có nhiều trường hợp dù quyền lợi bị xâm phạm nhưng lại chưa biết sẽ khiếu nại ở đâu, làm như thế nào để bảo vệ mình. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp”, ông Hùng nhấn mạnh.

Để người tiêu dùng hiểu được quyền của mình, các chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, thực thi các văn bản pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội liên quan trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá

Với các quy định mới, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bền vững để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến là việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là những người tiêu dùng dễ bị tổn thương, khái niệm "người tiêu dùng", tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức xã hội, việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cá nhân, tổ chức kinh doanh, việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng…

Đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đề nghị, Luật này là để cụ thể hóa về một nhóm đối tượng nên cần quy định rõ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, trước hết phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh đảm bảo không bị xâm hại, không chỉ từ tổ chức, cá nhân khác mà từ cả người tiêu dùng khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, cần quy định rõ ràng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá.

Theo đại biểu, để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa dối, dự thảo luật đã có quy định rõ ràng các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, các biện pháp bồi thường, xử lý cho người tiêu dùng khi có sự cố, sản phẩm, hàng hóa khuyết tật.

“Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện xử lý các hành vi lừa dối người tiêu dùng còn bất cập, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể tiêu chí đánh giá xem hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có lừa dối người tiêu dùng hay không, dựa trên khả năng nhận thức, nhận dạng của người tiêu dùng thông thường.

Do vậy, cần quy định rõ phương pháp xác định dựa trên thời gian, phương thức cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, mức độ sai lệch, thiếu sót của thông tin so với thực tế, mức độ ảnh hưởng của thông tin sai lệch hoặc thiếu sót dẫn đến quyết định của người tiêu dùng”, Đại biểu Phước nhấn mạnh.

Mi Vi
Bình luận
vtcnews.vn