NGƯỜI GIẢM CÂN VĨ ĐẠI HAY KẺ THUA CUỘC THẢM HẠI?

Tổng hợpThứ Bảy, 25/09/2010 11:28:00 +07:00

The Biggest Loser – cuộc thi giảm cân giữa những thí sinh béo phì – là một trong những chương trình truyền hình thực tế thành công nhất thế giới

The Biggest Loser – cuộc thi giảm cân giữa những thí sinh béo phì – là một trong những chương trình truyền hình thực tế thành công nhất thế giới với lượng khán giả lên tới 10 triệu người xem tại Mỹ mỗi kỳ. Đến nay nó đã được sản xuất ở 25 nước và phát sóng tại hơn 90 quốc gia trên khắp các châu lục. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó thì nó vẫn bị coi là thất bại.

 

 

Trong bối cảnh tỷ lệ béo phì gia tăng đến mức nguy hại tại các nước phát triển, The Biggest Loser ra mắt lần đầu trên kênh NBC của Mỹ vào năm 2004 nhằm vận động mọi người thay đổi lối sống để trở nên khỏe mạnh thông qua các cuộc thi giảm cân giữa những người béo phì. Thí sinh được tuyển từ khắp các bang để tham gia các hoạt động thể lực trong nhà và ngoài trời, dưới sự hướng dẫn của các hướng dẫn viên. Đến cuối cuộc thi, ai giảm được nhiều cân nhất sẽ chiến thắng và được trao giải thưởng trị giá 250.000 USD; đồng thời, hướng dẫn viên của họ cũng được nhận 100.000 USD.

Có mục đích tốt đẹp và thu hút được đông đảo khán giả, tuy nhiên chương trình này lại gây nhiều tranh cãi và phản ứng của công chúng cũng chia làm hai thái cực: một là hâm mộ đến cuồng nhiệt, sẵn sàng bảo vệ cho chương trình tới cùng trước những lời chỉ trích và hai là phản đối kịch liệt đến mức phẫn nộ, ghét cay ghét đắng. Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng, các huấn luyện viên thể dục thể thao đều thuộc thái cực thứ hai. Họ cho rằng chế độ luyện tập thể lực trong chương trình là không phù hợp, là thái quá và nó hủy hoại cơ thể thay vì khiến cơ thể khỏe mạnh lên. Những lời bình luận đa chiều dành cho chương trình là lẽ dĩ nhiên bởi cái gì cũng có hai mặt và The Biggest Loser không ngoại lệ.

Dấu cộng cho The Biggest Loser

Tính cạnh tranh và trách nhiệm giải trình trước công chúng

Điểm đáng khen ngợi đầu tiên của chương trình này là nó biết khơi dậy tính cạnh tranh và trách nhiệm giải trình của các thí sinh trước công chúng. Dưới sự trợ giúp của hướng dẫn viên, mỗi thí sinh đều phải đặt ra mục tiêu cho chính mình, cân đo bản thân, chụp ảnh, xây dựng chế độ ăn uống, lịch trình tập luyện, thậm chí là thói quen sinh hoạt... dưới dạng văn bản cam kết, được công khai trên các phương tiện truyền thông (báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội...).

Sau đó, mọi hoạt động luyện tập của các thí sinh đều được ghi chép lại một cách tỉ mỉ, từ việc ăn những gì, bao nhiêu ca-lo cho đến ngủ bao nhiêu tiếng, chất lượng giấc ngủ như thế nào... Sự tiến bộ của từng thí sinh được công khai và cập nhật liên tục trước công chúng nên từ đó, mỗi người có thể so sánh được kết quả luyện tập của mình và của các thí sinh khác. Sự cam kết của bản thân đặt trong sự theo dõi của đối thủ và của công chúng khiến cho mọi thí sinh không thể không giảm cân.

Tràn ngập tình cảm

   Điểm đáng khen ngợi thứ hai của The Biggest Loser là nó không chỉ tạo động lực cho người chơi bằng phần thưởng, sự hiếu thắng hay trách nhiệm với lời cam kết mà nó còn khích lệ họ bằng tình cảm. Đã là một chương trình truyền hình thì dẫu sao cũng cần phải có cốt truyện và phải khuấy động được cảm xúc của người xem. Thế nên các nhà sản xuất đã bí mật tìm hiểu đời tư của những thí sinh, lựa chọn ra những câu chuyện cảm động nhất từng diễn ra trong cuộc sống của họ, từ đó chủ ý tạo ra những tình tiết “kịch tính” trong chương trình, ví dụ như: sau một hoạt động mệt mỏi nào đó, các thí sinh sẽ nhận được một món quà, trong đó có thể là vài tấm ảnh kỷ niệm ngày thơ ấu với những lời động viên, mong ước chân thành của những người thân yêu, hoặc có khi lại là những lời nói xấu, dè bỉu sau lưng của một người bạn nhằm khơi dậy sự cay cú của thí sinh... Những tình tiết này khuấy động được cảm xúc của người xem và làm họ rất thích thú. May chăng họ cũng tìm được cảm hứng để luyện tập ở nhà. Con người có xu hướng bị thúc đẩy hành động bởi cảm xúc hơn là bởi sự logic và sau đó họ mới nhận ra rằng quyết định cũng như hành động của họ là logic.

Hy vọng và sự truyền cảm hứng

Hầu hết mọi người đều không đạt mục tiêu đề ra khi tự luyện tập ở nhà hoặc ở các trung tâm thể dục thẩm mỹ. Tuy nhiên, khi tham gia chương trình, người tập sẽ gặp rất nhiều hình mẫu ngay bên cạnh. Nếu một đồng đội 65 tuổi có thể chạy marathon được 216 km thì 20, 30 người còn lại sẽ tự chất vấn mình rằng “tại sao mình lại không thể chạy 50 km?”. Hơn nữa, The Biggest Loser không đưa ra những lời hứa hẹn “giảm cân không tốn sức” như quảng cáo của các chương trình giảm cân khác. Nó cho người tham dự hiểu rõ đây là một quá trình vô cùng gian khổ, đầy mồ hôi, nước mắt, đôi khi là cả sự gục ngã (và đây cũng là điều mà khán giả truyền hình muốn thấy). Tuy nhiên, nếu họ thực sự nỗ lực thì sự biến hình kỳ diệu sẽ xảy ra. Không có gì là không thể, không có gì là vô vọng.

 

Luyện tập quá sức

Dấu trừ cho The Biggest Loser

Cách đánh giá chưa chuẩn xác

Không thể phủ nhận là các thí sinh đã giảm cân một cách ngoạn mục, khoảng 5kg/tuần, thậm chí là 9-11kg/tuần. Thậm chí, những người chiến thắng trong các kỳ thi còn giảm được tới 50% trọng lượng cơ thể (tương đương 45-60kg/2 tháng). Điều này quả thực vượt xa mức tưởng tượng. Các fan cổ vũ nồng nhiệt và trầm trồ thán phục trong khi các chuyên gia dinh dưỡng và thể dục thể thao thì lo lắng và giận dữ. Bởi lẽ, giảm cân chưa hẳn là giảm mỡ. Trọng lượng cơ thể bao gồm cả cơ, xương, nội tạng, nước, glycogen, và thức ăn trong bộ máy tiêu hóa. Tuy nhiên, điều đáng báo động là hầu hết thí sinh giảm được nhiều kg đều là do bị mất nước và cơ, thay vì tiêu mỡ. Điều này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe.

Ryan Benson, người chiến thắng trong kỳ thi thứ 1 năm 2004 đã viết trên blog MySpace của anh như sau: “Tôi muốn chiến thắng trong vòng chung kết nên 10 ngày cuối tôi không hề ăn thức ăn rắn, chỉ uống nước chanh, si-rô, ớt. Luật của cuộc thi là không được dùng thuốc nên tôi chỉ còn cách nhịn đói. Trong 24 giờ trước vòng chung kết, tôi không ăn, không uống, mặc quần áo bằng cao su chạy bộ và hầu hết thời gian tôi tắm xông hơi. Kết quả là sau 24 giờ tôi giảm 5-6kg, phần lớn là nước.

Nếu chiến thắng cuộc thi này thì gia đình chúng tôi sẽ được một khoản tiền khá lớn nên tôi sẵn sàng làm những việc điên rồ để có nó. Tôi biết việc hành hạ bản thân như thế sẽ có hại cho sức khỏe, mà thực tế thì 5 ngày sau cuộc thi tôi đã bắt đầu tăng 15kg, không phải vì ăn bù mà chỉ đơn giản là cơ thể tôi đã lấy lại được nước”.

Không chỉ Ryan mà Kai Hibbard (kỳ thi thứ 3) và nhiều người khác cũng phải gánh chịu hậu quả tương tự. “2 tuần sau đó tôi đã tăng 15kg và trong một thời gian dài, tôi đã phải vật lộn hàng ngày để lấy lại được trạng thái cân bằng cho cơ thể như trước đây” – Kai hồi ký trên blog cá nhân.

Theo nghiên cứu của trường Đại học Oxford, 80% những người giảm cân nhanh chóng sẽ tăng cân trở lại như ban đầu trong vòng 3-5 năm. Vì thế câu hỏi đặt ra cho những người sản xuất chương trình là: “Đâu là chiến lược duy trì cơ thể cho thí sinh sau khi họ giảm cân và trở về với đời sống thực?”

Cấu trúc bài tập phản khoa học

The Biggest Loser bị chỉ trích là đưa ra những bài luyện tập quá sức đối với các thí sinh. Đơn cử như những người béo hàng trăm kg phải chạy 1,5 km trên bãi biển, sau đó tiếp tục leo thang, nâng tạ, chống đẩy, xúc đất... Nhiều người gần như ngất xỉu hoặc phát ốm. Theo các chuyên gia thể dục thể thao, việc họ mang trên mình trọng lượng lớn như vậy, kết hợp với việc họ chưa hề trải qua quá trình luyện tập cơ bản nào trước đây sẽ dẫn tới nguy cơ đột quỵ và chấn thương là rất lớn.

Phi thực tế và ít tính giáo dục cộng đồng

Bên cạnh đó, người ta cũng cho rằng chương trình không thực tế và ít tính giáo dục đối với cộng đồng. Không khán giả truyền hình nào dám tập ở nhà theo chế độ giống như trong chương trình kể cả khi họ có khả năng. Hơn nữa, hoàn cảnh tập luyện của các thí sinh cũng khác xa với thực tế. Tất cả các thí sinh được luyện tập trong môi trường biệt lập, không vướng bận công việc, gia đình, con cái, không phải lo về tài chính, có hướng dẫn viên, người giám hộ bên cạnh và quan trọng là có phần thưởng 250.000 USD vẫy gọi trước mắt. Như vậy, những gì mà The Biggest Loser đang trình diễn cho mọi người thấy là xa rời thực tiễn.

Nó cũng không thể thuyết phục mọi người rằng nỗ lực tập luyện sẽ đem lại một cuộc sống cân bằng, mạnh khỏe. Bởi lẽ, ngay chính các thí sinh đến với chương trình chưa hẳn vì mục tiêu cải thiện sức khỏe và sau khi giảm được rất nhiều trọng lượng cơ thể thì họ cũng không hề khỏe lên, nếu không muốn nói là tệ đi. Có thể nhận thấy chương trình cũng không hướng dẫn được cho cả thí sinh lẫn người xem truyền hình về dinh dưỡng và cách ăn uống hợp lý.

Với tầm phủ sóng rộng lớn như thế, The Biggest Loser đáng nhẽ sẽ là một chương trình tuyệt vời để cảnh báo về vấn nạn béo phì đồng thời khuyến khích mọi người hành động để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, còn quá nhiều điều mà chương trình chưa thể thực hiện được như mục tiêu ban đầu đã đặt ra. Vì thế, The Biggest Loser chỉ thành công với tư cách là một chương trình truyền hình giải trí thuần túy, chưa thể coi là một chương trình mang tính giáo dục cộng đồng.

Hồng Đào

Bình luận
vtcnews.vn