Người đàn bà bất hạnh vì… “không biết đẻ”

Thời sựChủ Nhật, 14/03/2010 08:19:00 +07:00

Những trận đòn bắt đầu xuất hiện, nhưng phần lớn lại trút lên đầu đứa con gái lớn của chị vì cái tội: “Tại mẹ mi hư không biết đẻ”!

Có lẽ cái số chị nó khổ khi gặp phải người chồng mang quá nặng tư tưởng phải “có nếp, có tẻ”, mà quên đi trách nhiệm người đàn ông là phải chăm lo, bảo bọc gia đình. Những trận đòn bắt đầu xuất hiện, nhưng phần lớn lại trút lên đầu đứa con gái lớn của chị vì cái tội: “Tại mẹ mi hư không biết đẻ”!


Người phụ nữ gầy còm, đôi mắt thâm quầng, trũng sâu, mệt mỏi, nước da xanh xao mang dấu hiệu của sự lo toan quá sức. Nước mắt chị ngắn dài khi tiếp chuyện chúng tôi, bởi trước mắt chị lúc này là nỗi lo quá sức của người phụ nữ: làm sao chăm lo chu toàn cho 4 đứa con thơ, nhà cửa không có, nghề nghiệp cũng không. Tất cả gia đình bé nhỏ của chị đang sống nhờ vào sự cưu mang, bảo bọc của bà con lối xóm…

Sinh không được con trai thì bị hành hạ!

Giọng chị nấc nghẹn, đứt quãng nhường cho những giọt nước mắt cứ chực rơi, dù chúng tôi biết chị đang cố gắng kiềm giữ. Chị kể: Tên chị là Võ Thị Phượng (1971, xã Quế Trung, H. Quế Sơn - nay là H. Nông Sơn, Quảng Nam), gia cảnh nghèo, quanh năm gia đình chị chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng khoán, nên cuộc sống lúc nào cũng khó khăn.

Chị không được học hành nhiều, chỉ học được nghề làm bánh tráng. Rồi như bao cô gái làng khác, chị đến tuổi lấy chồng, người chị chọn làm chồng là anh Lê Văn Dũng (1971, Phong Thử 3, Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam). Không bao lâu sau ngày gặp anh, hai người đã được gia đình đồng ý và nên vợ nên chồng vào năm 1992. Cuộc sống của anh chị thật sự hạnh phúc, với bao dự định cho tương lai và cái thai đang tượng hình trong bụng chị.

Một thời gian sau, chị sinh cháu gái đầu, điều đó khiến anh không vui, mặc dù vậy hai người vẫn chăm lo cho tổ ấm của mình. Rồi chị sinh đứa con thứ hai, lại là gái. Chồng chị lúc này thật sự không vui, ghét chị ra mặt, bảo rằng chị không biết đẻ. Trong anh mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, anh bảo chỉ cần có con trai để sau này lo hương khói. Anh thường xuyên uống rượu, và theo đó là những cuộc cãi vã, mâu thuẫn vợ chồng ngày một  tăng.

Mẹ con chị Phượng tá túc nhờ nhà của mẹ VNAH Nguyễn Thị Đối. 

Để chiều lòng chồng và bảo vệ hạnh phúc gia đình, chị tiếp tục sinh đứa con thứ ba mong có con trai, bỏ qua những lời tư vấn, khuyên bảo của chị em Hội PHụ nữ địa phương vì kinh tế gia đình chị đang rất khó khăn (anh làm nghề chở cát thuê, chị vừa chăm con, vừa làm bánh tráng kiếm sống - P.V). Thế nhưng lần này vẫn là con gái! Có lẽ cái số chị nó khổ khi gặp phải người chồng mang quá nặng tư tưởng phải “có nếp, có tẻ”, mà quên đi trách nhiệm người đàn ông là phải chăm lo, bảo bọc gia đình. Những trận đòn bắt đầu xuất hiện, nhưng phần lớn lại trút lên đầu đứa con gái lớn của chị vì cái tội: “Tại mẹ mi hư không biết đẻ”!

Ly hôn trong sự cùng quẫn

Theo ước nguyện của anh phải có con trai, thế nên muốn chị tiếp tục sinh. Và tiếp đến, đứa con thứ tư ra đời vào năm 2005 cũng là con gái, cuộc sống gia đình chị lúc này xung đột, mâu thuẫn đến quẫn bách, hạnh phúc chực đổ vỡ. Chồng chị ngày càng say sưa, làm được bao nhiêu anh đều đem uống rượu để rồi sau mỗi cuộc say bí tỉ anh về nhà hành vợ, đánh con. Chị nói: “Nhìn con bị đánh đến thâm tím mình mẩy, tôi không cầm lòng được, mà nó có tội tình chi cho cam”.

Sau bao đêm khóc thầm, đấu tranh tư tưởng, càng khó khăn vạn lần khi ở làng quê nghèo khó này chưa có tiền lệ “vợ để chồng”, người phụ nữ yếu đuối này đã quyết định viết đơn gửi ra tòa xin được ly hôn. Ai cũng ngỡ ngàng, mọi người khuyên nhủ, chính quyền, đoàn thể ra sức tư vấn, hòa giải nhưng vẫn không có kết quả, ý chị đã quyết ly hôn. Gạt nước mắt sang một bên, chị mạnh mẽ đâm đơn ly hôn.

Vào tháng 7-2007, TAND H. Điện Bàn đưa ra xét xử vụ ly hôn theo đơn của chị. Theo đó tòa giao cho chị nuôi hai con, chồng chị nuôi hai con. Ngôi nhà là tài sản lớn nhất của vợ chồng chị tính đến thời điểm ly hôn, nên tòa tuyên xử Dũng (chồng chị Phượng) được sở hữu ngôi nhà và buộc Dũng phải đưa cho chị 15 triệu đồng trị giá 1/2 ngôi nhà theo định giá của HĐXX. Thế rồi vài ngày sau, Dũng đuổi vợ con chị ra khỏi nhà. Ba mẹ con chị ra đi, không nhà cửa, phải sống nhờ nhà hàng xóm, vật vạ khắp nơi, sống nhờ vào sự cưu mang, bảo bọc của bà con lối xóm. Tài sản duy nhất khi ba mẹ con chị ra đi là một số quần áo cũ và vài cái liếp làm bánh tráng cũ kỹ!

Chúng tôi tìm gặp chị khi chị vừa chuyển về ở nhờ nhà mẹ VNAH Nguyễn Thị Đối (thôn Châu Thủy, Điện Thọ) từ sau Tết Canh Dần đến nay. Mẹ Đối đã mất nên hiện tại ngôi nhà không có người ở, anh Nguyễn Quang Thơ (cháu gọi mẹ Đối bằng thím) thương cảm hoàn cảnh mẹ con chị nên cho ở nhờ. Hai đứa con ở với Dũng cũng về ở với chị,  chúng rất sợ cha, bởi sau khi uống rượu say là những trận đòn vô cớ.

Nói về cha, với chúng như là một thế lực gì đó đáng sợ hơn là tình yêu thương, chúng buồn và khóc thét lên khi nghe ai đó nói con phải về ở với cha. Chị Phượng cho biết, 2 đứa nhỏ về ở với anh Dũng được mấy ngày thì bị ổng đánh đuổi ra khỏi nhà, buộc lòng tôi phải đưa về chăm sóc. Bên cạnh đó, bản án ly hôn đã có hiệu lực cách đây gần 3 năm, thế nhưng anh Dũng mới chỉ đưa cho chị 1 triệu đồng trong tổng số 15 triệu đồng mà anh phải đưa để chị ổn định đời sống.

Nhiều lần chị đến Đội Thi hành án huyện để hỏi nhưng họ nói: “Giờ anh Dũng chưa có khả năng chu cấp số tiền đó cho chị, khi nào có ổng sẽ trả”(?).  Chị Võ Thị Tình, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Điện Thọ cho biết: Không có nhà ở, năm mẹ con chị Phượng phải dắt díu nhau, xin ở nhờ khắp nơi hơn 2 năm nay thấy mà cám cảnh, chạnh lòng quá. Địa phương đang cố gắng tìm cách hỗ trợ chị có nhà ở, ổn định cuộc sống, giúp các con chị có điều kiện học hành đàng hoàng.

Về phía Hội Phụ nữ xã, chị Tình vận động chị em chung tay chăm lo cuộc sống hằng ngày cho năm mẹ con chị, không để bị đói. Hiện tại cuộc sống của năm mẹ con chị Phượng đang gặp rất nhiều khó khăn, đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ của xã hội để mong sớm có chỗ ở ổn định.

Theo Công an Đà Nẵng

Bình luận
vtcnews.vn