Ngôn ngữ ký hiệu “Tình yêu trong đôi tay bạn”

Tổng hợpThứ Bảy, 04/09/2010 04:45:00 +07:00

người thầy giáo khuyết tật say sưa giảng bài cho những học viên khỏe mạnh bình thường, hông tiếng nói, không vỗ tay nhưng hơi ấm của tình yêu đang lan tỏa ấm áp

Đó là Slogan của CLB ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội trong căn phòng chỉ gần 20m2, người thầy giáo khuyết tật say sưa giảng bài cho những học viên khỏe mạnh bình thường, không ồn ào, không tiếng nói, không vỗ tay nhưng hơi ấm của tình yêu đang lan tỏa ấm áp, át cả tiếng mưa ngâu dai dẳng lòng người.

 

 

1001 lý do đi học…

Một buổi tối  thứ 6, tôi theo chân mấy bạn sinh viên trường KHXH&NV Hà Nội đến tham gia một buổi học của CLB Ngôn ngữ ký hiệu tổ chức tại trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Nội). Mặc dù trời mưa, nhưng căn phòng nhỏ vẫn như mọi ngày, kín chỗ học viên. Tiếng nói, tiếng cười, chào hỏi nhau ríu rít. Tôi ngạc nhiên vì trong gần 30 học viên, không hề có ai khuyết tật mà hoàn toàn là những bạn trẻ sinh viên khỏe mạnh đến từ các trường đại học.

Thầy giáo Đỗ Hoàng Thái Anh (Chi hội Người điếc Hà Nội) bước vào, chào cả lớp bằng một cử chỉ ký hiệu. Lớp học bỗng nhiên im phăng phắc. Mở đầu là phần kiểm tra bài cũ. Thầy giáo viết lên bảng những từ đã học từ bài trước và học viên lần lượt trả bài. Cứ thế, thầy và trò liên tục múa tay, gương mặt đầy cảm xúc cố gắng diễn giải từng từ. Thỉnh thoảng, cả phòng học lại ồ lên tiếng cười nói xôn xao vì một cử chỉ không hiểu nhau.

Có rất nhiều lý do để các bạn trẻ tình nguyện tới đây tham gia nhiệt tình. Ngồi cạnh tôi, Thùy Chi (ĐH Luật Hà Nội) cho biết: “Ban đầu nghe nói đến lớp học này, em rất tò mò rồi rủ bạn bè đi học thử, càng học càng thấy thích và say mê lúc nào không hay, em đã học xong khóa cơ bản và giờ đang hoàn thành phần nâng cao. Ngôn ngữ ký hiệu thật sự thú vị, em như được biết thêm một ngoại ngữ mới và hiểu hơn thế giới của những người khuyết tật”.

Anh Văn Đức (Công ty Thủy sản Hạ Long) lại đến lớp học với mục đích khác: “Em trai mình hồi nhỏ bị ốm, rồi bỗng dưng không nói được nữa. Vì thế, khi biết có lớp học này, mình đã tham gia ngay. Mình muốn học cho được ngôn ngữ ký hiệu và truyền lại cho cả nhà để có thể nói chuyện, chia sẻ với em dễ dàng hơn”.

Nguyễn Minh Tú, lớp 11 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) ví thế giới phi ngôn ngữ là thế giới tư duy. Lúc đầu Tú tò mò lớp học không âm thanh sẽ như thế nào, khiến cậu tìm đến và bị cuốn hút. Rồi Tú khám phá ra, những người khiếm thính có trí tưởng tượng rất tốt. Chưa một lần nhìn thấy đồi núi, nhưng trong đầu họ khi nghĩ đến núi là liên tưởng đến độ cao, đồi là thấp, biển mênh mông nước, cá sẽ bơi theo hình sóng lượn… Vì thế, Tú nghiệm ra, người học ngôn ngữ khiếm thính cũng giàu trí tưởng tượng và tăng tính tư duy. Từ ngày học ngôn ngữ này, Tú học tốt hơn các môn toán, lý, hóa...

“Trước đây, khi tiếp xúc với người khuyết tật, mình rất ngại và run vì họ thường nhạy cảm, mình lại không hiểu ngôn ngữ của họ nên sợ làm họ tổn thương. Bây giờ thì khác, cứ có đợt tình nguyện nào của khoa, của trường đến những nơi học sinh khuyết tật là mình lại tích cực tham gia. Giờ mình đã tự tin và chủ động trò chuyện với họ”- Tuyết Mai (khoa Tâm lý học- Trường ĐH KHXH&NV) chia sẻ.

Hai bạn trẻ Phương Loan và Tuấn Duy đến từ Học viện Ngân hàng thì lại có một lý do khác rất đáng yêu. “Chúng tớ cũng mới yêu nhau, Loan lại rất lãng mạn nên tớ quyết định đăng ký tham gia lớp học này để hai đứa có một ngôn ngữ riêng tư với nhau” – Duy bẽn lẽn tâm sự.

Lê Thanh Hoa, Phó Chủ nhiệm CLB được xem là người có duyên với ngôn ngữ dành cho người khiếm thính. Chỉ sau hai tháng theo học, Hoa đã có thể trò chuyện thông thạo với anh chị ở Chi hội người Điếc Hà Nội. Hoa trở thành thông dịch viên cho nhiều khách đến thăm. Từ trợ giảng, Hoa trở thành giảng viên chính lớp cơ bản mỗi tối thứ tư và thứ sáu hằng tuần. Hoa là giáo viên duy nhất không thuộc Chi hội người Điếc Hà Nội giảng dạy ngôn ngữ này.

 

 

Từ ánh mắt, đôi tay, đến trái tim

 

CLB Ngôn ngữ ký hiệu được thành lập năm 2006 tại Hà Nội với mục đích quảng bá ngôn ngữ ký hiệu đến cộng đồng, giúp người khiếm thính giao tiếp với người bình thường. Câu lạc bộ hiện tại có 3 mảng hoạt động chính là dạy ngôn ngữ ký hiệu, tổ chức các hoạt động tình nguyện giúp đỡ người khiếm thính và tổ chức các hoạt động giao lưu. Đến nay, CLB thu hút được hơn 100 tình nguyện viên hoạt động chuyên nghiệp ở các trường học khiếm thính, trường dạy trẻ câm điếc ở Nhân Chính (Hà Nội), dạy nghề cho trẻ khuyết tật Hoa sữa... Ngoài các buổi học thú vị trên lớp, hàng tuần, các tình nguyện viên của CLB đến chăm sóc, trò chuyện, dạy các em học bài, hướng dẫn các em học nghề.

Tính đến tháng 6 - 2010, đã có 26 lớp được mở với hơn 500 học viên đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng, THPT được đào tạo, chưa kể nhiều người dân cũng tự tìm đến lớp học. Chủ nhiệm CLB Lã Thúy Quỳnh cho biết: “Để học được bộ môn này đòi hỏi người học phải vận dụng nhiều yếu tố cảm xúc, cử chỉ, nét mặt, tư duy. Có nhiều từ, cử chỉ giống nhau nhưng nét mặt biểu hiện cảm xúc khác nhau thì có nghĩa khác”

Nhiều bạn ở lớp học cũng chia sẻ với tôi rằng, học ngôn ngữ ký hiệu còn khó hơn học ngoại ngữ. Đặc trưng của loại ngôn ngữ này là dùng động tác ký hiệu của bàn tay truyền đạt ý của mình đến người khác. Tất cả những chữ cái, từ ngữ đều được quy ước với một dụng ý truyền đạt riêng. Tuy nhiên, nhiều động tác khi thực hiện lại có nhiều nét tương đồng; thậm chí giống nhau nên chỉ sai một chút là thông điệp truyền tới người nghe đã bị lệch theo hướng khác. Sau khi học trên lớp nhiều bạn đã tìm đến các trung tâm của người câm điếc để giao lưu, học hỏi.

Bạn muốn rủ ai đó đi chơi, chỉ cần để ngón cái và ngón út xoè ra, các ngón còn lại cụp vào, đưa hai tay sát lên má, gần cằm, lắc lắc. Miêu tả đất nước Việt Nam, ngón trỏ và ngón giữa xoè ra như chữ V, vẽ từ trên xuống dưới, như chữ S. Các bạn trẻ vẫn say sưa nhất học từ “I love U”, chỉ cần đưa ngón tay chỉ vào mình, hai ngón tay lồng lên nhau, lòng bàn tay úp vào nhau. Thế là bạn đã thổ lộ xong tình cảm rồi đấy. Các bạn trẻ thường gọi đùa đây là ngôn ngữ “nói bằng cả trái tim”.

Để “nói” những câu dài, hoặc hát một bài chỉ bằng cử chỉ hành động, bạn phải rèn luyện rất nhiều. Trí tưởng tượng của người học phải phong phú, con người thật linh hoạt, chân tay luôn “khua khoắng” để tìm cách biểu đạt suy nghĩ. Sự liên tưởng giữa hình ảnh và từ ngữ khiến bạn luôn phải vận động để giao tiếp với người cùng ngôn ngữ

Cũng như ngôn ngữ nói, ngôn ngữ ký hiệu của từng quốc gia, thậm chí là từng khu vực trong một quốc gia rất khác nhau. Chẳng hạn, cùng chỉ tính từ màu hồng thì ở Hà Nội người ta xoa vào má (má hồng), còn tại Thành phố Hồ Chí Minh lại chỉ vào môi (môi hồng).

Sau khi hướng dẫn cho một học viên cách diễn tả món ăn shushi của Nhật Bản, Thanh Hoa quay sang tôi: “Thực ra, ngôn ngữ ký hiệu chính là cuộc sống, vì nó bắt nguồn từ cuộc sống. Khoa học đã chứng minh chúng ta truyền tải ngôn ngữ 70% thông qua các biện pháp không lời, tức là cử chỉ, điệu bộ, nét mặt…  Ngôn ngữ ký hiệu tràn ngập trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta có thể không nhận thức, nhưng nó vẫn tồn tại, phát triển và giúp cho cuộc sống tiện lợi, thoải mái hơn. Nói cách khác, chính những người bình thường “phát minh” ra ngôn ngữ ký hiệu, người câm điếc làm một việc là mô phỏng và hệ thống hóa tất cả lại thành một thứ ngôn ngữ của riêng họ”.

 “Tôi hy vọng mọi người có thể nắm bắt được ngôn ngữ ký hiệu rồi người bình thường phiên dịch cho người khiếm thính, xa hơn nữa, chúng ta có thể đào tạo nhiều phiên dịch viên hơn nữa để có thể giúp đỡ người khiếm thính ở các trường ĐH, toà án, công an, các dịch vụ xã hội, giúp họ hoà nhập với cộng đồng hơn”- chủ nhiệm Thúy Quỳnh chia sẻ trước lúc tiễn chân tôi.

Phía trên bảng, thầy Thái Anh đang vận dụng toàn bộ cơ thể mình, từ tay, chân đến mắt, miệng... để diễn tả một từ mới- cũng là bài tập về nhà. Hai chân thầy chụm lại, đầu gối hạ thấp, hai tay đưa lên song song với mặt đất, vẫy vẫy liên tục... Các học viên làm theo nhưng vẫn ngơ ngác, có tiếng cười khúc khích vì chưa hiểu thầy đang “nói” điều gì…

 Thanh Hương

 

Bình luận
vtcnews.vn