Ngôi chùa san hô với câu chuyện tượng Phật trăm năm trôi trên biển

Đời sốngChủ Nhật, 03/09/2023 09:39:00 +07:00
(VTC News) -

Ngôi chùa nằm ở vùng ven biển tại Phú Yên được xây dựng bằng san hô càng trở nên nổi tiếng khi thờ một pho tượng Phật tìm thấy trên biển.

Kỳ bí tượng Phật trôi trên biển

Chùa Thanh Lương tọa lạc ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cách biển khoảng 500m, không gian yên tĩnh, khí hậu mát mẻ. Khu vực quanh chùa có dân cư đông đúc, quanh năm sinh nhai bằng nghề chài lưới.

Ngôi chùa luôn mang trong mình vẻ thanh thoát và yên tịnh.

Ngôi chùa luôn mang trong mình vẻ thanh thoát và yên tịnh.

Theo các bậc cao niên ở thôn Mỹ Quang Nam, chùa Thanh Lương là do những người Việt xưa xây dựng  từ năm 1956. Xưa kia, vùng đất này có tên Ma Linh Ma Liên, đến thập niên 60 của thế kỷ XX đổi thành Mỹ Quang và đến năm 2003 được chia làm 2 thôn Mỹ Quang Nam và Mỹ Quang Bắc.

Đại đức Thích Quảng Ngộ là trụ trì chùa Thanh Lương từ năm 2003 đến nay. Trước đây, chùa không có gì đặc biệt, chỉ có người dân địa phương hay lui tới. Thế nhưng từ năm 2004 đến nay, ngôi chùa này trở nên nổi tiếng bởi một bức tượng Quan Thế Âm kỳ lạ được ngư dân vớt lên từ biển.

Thầy trụ trì nhớ lại, vào sáng sớm ngày 24/12/2004, khi đang đánh cá ngoài biển Hòn Dứa, ngư dân của thôn Mỹ Quang Nam đã phát hiện một pho tượng Phật bằng gỗ đang trôi dập dềnh cách chùa Thanh Lương không xa. Mặc dù lúc này có sóng lớn nhưng pho tượng không bị sóng cuốn ra xa, cũng không dạt vào bờ như những cây gỗ khác. Thấy kỳ lạ, ngư dân liền đến thông báo cho trụ trì chùa Thanh Lương.

Ngay sau đó, trụ trì chùa và phật tử cùng ra xem. Họ phát hiện đó là một pho tượng Quan Thế Âm bám nhiều san hô với chiều cao hơn 2m. Sau đó, nhà chùa thông báo đến chính quyền địa phương và tổ chức cho phật tử làm lễ rước tượng Phật về chùa. 

Tượng Phật Quan Âm trôi dạt vào bờ được người dân thỉnh lên chùa thờ tự.

Tượng Phật Quan Âm trôi dạt vào bờ được người dân thỉnh lên chùa thờ tự.

Theo Đại đức Thích Quảng Ngộ, tượng Phật làm bằng gỗ quý, tạc dáng đứng trên một con rồng, cao 2,2m, nặng 74kg, bề ngang 0,6m. Vì chịu tác động của sóng gió nên tượng không còn nguyên vẹn, nhiều chỗ bị bào mòn, 2 cánh tay bị gãy. Tuy nhiên nhìn thoáng qua cũng dễ dàng nhận ra nguyên bản dáng đứng của Phật Quan Thế Âm. Nhiều phật tử có tâm đã ngỏ ý được phục chế pho tượng nhưng nhà chùa kiên định giữ nguyên hiện trạng.

Sau khi đưa tượng Phật về chùa thờ tự, không ai xác định được xuất xứ cũng như niên đại của tượng mà chỉ đoán khoảng trên 100 năm.

Từ ngày chùa Thanh Lương có tượng Phật Quan Thế Âm, rất nhiều cá nhân và đoàn thể trong và ngoài nước đã đến tham quan, tìm hiểu pho tượng này. Nhiều người dân sinh sống bằng nghề biển cũng thường đến đây cầu nguyện bình an, ra khơi thuận lợi.

Ngoài tượng Phật trôi dạt từ biển, trong chùa còn có bức tượng Phật nửa chìm nửa nổi trong hồ nước được dựng ở khuôn viên.

Ngoài tượng Phật trôi dạt từ biển, trong chùa còn có bức tượng Phật nửa chìm nửa nổi trong hồ nước được dựng ở khuôn viên.

Độc đáo ngôi chùa làm bằng san hô

Từ ngày đón tượng Phật Quan Thế Âm về thờ, chùa Thanh Lương cũng dần được biết đến và tôn tạo lại nhiều hạng mục như: cổng Tam quan, hồ Long Thủy, thiền đường, điện Quan Âm...

Ngôi chính điện cùng gian thờ Tổ với tổng diện tích xấp xỉ 1.000m2 được ốp mái, trang trí toàn bộ bằng san hô biển và gáo dừa. Đó là những chất liệu tiêu biểu đặc trưng nơi vùng đất ven biển này.

Kiến trúc độc đáo ở ngôi chùa Thanh Lương.

Kiến trúc độc đáo ở ngôi chùa Thanh Lương.

Từng khối san hô bao đời bỏ phế nơi đầu bờ cuối bãi được nhặt nhạnh mang về phân loại, kỳ công đẽo gọt và mài nhẵn. Sau đó được ốp trang trí mái, lam, đầu rường, mặt tiền theo hình chữ vạn hoặc hình kỷ hà, ngọn sóng. Nội thất bên trong sử dụng muôn vạn mảnh gáo dừa lắp ghép ốp tường tạo hình thay gỗ, với các sắc màu nâu, đen, trắng xen lẫn hài hòa.

Kiến trúc tâm linh của ngôi chùa còn thể hiện ngay ở con đường dẫn. Đi qua cổng chùa, du khách sẽ bắt gặp ngay trước mắt pho tượng Phật Di Lặc với nụ cười an nhiên tự tại của một người như đã hiểu hết lẽ đời. Kế đến là không gian của đá, những hòn đá được đặt cạnh nhau tạo nên một thế giới riêng. Toàn bộ cảnh chùa như ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ, tạo một cảm giác yên bình.

Những mảng san hô nhấp nhô tạo nên hang động đặc sắc.

Những mảng san hô nhấp nhô tạo nên hang động đặc sắc.

Theo Đại đức Thích Quảng Ngộ, cái riêng của cảnh chùa là sự giao thoa giữa tâm và cảnh. Tâm cảnh viên dung thì thế giới mới tròn đầy và mùa xuân thường tại khắp cả thế gian. Cảnh quan ở đây kín đáo, không lộng lẫy tân thời mà uy nghi trầm mặc như tính cách bình dị của người Phú Yên. 

Thanh Lương nghĩa là thanh thản và bình yên. Trong nhịp sống xã hội bộn bề này, đôi khi người ta muốn sống chậm lại và sẽ tìm đến vãng cảnh chùa để tâm được an lạc, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Tất cả cảnh trí nơi đây đều được bố trí theo ý nghĩa ấy để những thông điệp bình dị này có thể len lỏi vào tâm hồn phật tử đến vãng cảnh chùa”, Đại đức Thích Quảng Ngộ cho biết.

Đại đức Thích Quảng Ngộ chia sẻ thêm, nhà chùa hiện đang xây dựng khu tăng xá dành cho người dân về trú bão và học những khóa tu ngắn hạn.

“Sắp tới, nhà chùa sẽ tổ chức những khóa tu ngắn hạn theo khuôn khổ lắng nghe bồ tác quan âm. Với tâm nguyện của phật tử nơi đây, chùa Thanh Lương đang hướng đến là điểm hành hương mang giá trị tâm linh độc đáo của tỉnh Phú Yên”, Đại đức Thích Quảng Ngộ nói.

MINH MINH
Bình luận
vtcnews.vn