Nghiên cứu sinh tại Australia: 5 lý do nên giữ kỳ thi THPT Quốc gia

Giáo dụcThứ Tư, 08/08/2018 14:40:00 +07:00

VTC News xin gửi đến độc giả bài viết của một nghiên cứu sinh tại Australia chia sẻ những quan điểm sau kỳ thi THPT Quốc gia và chỉ ra những lý do nên giữ kỳ thi này.

Một số giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia giáo dục… đưa ra ý kiến cho rằng, kết quả kỳ thi không tuyển được những sinh viên đáp ứng yêu cầu của các trường, việc thi tốt nghiệp THPT nên giao về các địa phương, việc tuyển sinh đại học Bộ GD-ĐT nên để các trường tự chủ. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhiều ý kiến thể hiện cái nhìn chưa toàn diện và chưa sát với thực tế.

Theo Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ hiện nay do các trường tự chủ. Các trường tự xây dựng phương án tuyển sinh dựa trên các điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giảng viên…(các trường có thể chọn xét tuyển, hay tự tổ chức thi tuyển). Vì vậy việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh.

de-thi-thpt-quoc-gia-2018_2304160906

Bộ GD-ĐT nên tiếp tục duy trì tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng nên có một số điều chỉnh để công tác tổ chức thi được tốt hơn. 

Chúng ta nên giữ kỳ thi THPT Quốc gia với một số lý do sau:

1. Nếu giao về các địa phương, sẽ có sự khác nhau giữa các địa phương trong việc ra đề, tổ chức thi, dẫn đến kết quả khác nhau, mất đi sự công bằng giữa các thí sinh ở các địa phương.

2. Học sinh được đánh giá bởi các địa phương sẽ dẫn đến một số địa phương buông lỏng kỳ thi như đã từng xảy ra trong các giai đoạn trước. Việc này có thể dẫn đến học sinh có tâm lý chủ quan, ý thức học tập giảm sút. Quá trình học tập ở trường được đánh giá bởi các thầy cô trong khi đó với tâm lý dễ dãi, cả nể, thương học trò của một bộ phận thầy cô giáo sẽ dẫn đến tiêu cực trong kiểm tra đánh giá, thi cử. Hiện tượng chạy điểm có thể sẽ trở nên phổ biến. 

3. Công tác tổ chức thi hiện tại được tổ chức tại các địa phương với sự tham gia của các cấp chính quyền, từ tổ chức thi tới chấm thi, chỉ có khâu ra đề được thực hiện ở Bộ GD-ĐT, điều này đảm bảo cung cấp một thước đo chung trong toàn quốc.

Đồng thời cách tổ chức hiện tại đề cao yêu cầu trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi và chấm thi.

Vừa qua xuất hiện hiện tượng tiêu cực tại một số địa phương, tuy nhiên nếu nhìn trên diện rộng, kỳ thi đã được tổ chức rất tốt, nếu lãnh đạo tại các địa phương sâu sát chỉ đạo trong việc thực hiện nghiêm túc quy chế thi thì các tiêu cực có thể đã không xảy ra.

Việc điều chỉnh quy chế trong các kỳ thi tiếp theo sẽ hạn chế được các tiêu cực đã phát sinh.

4. Cá nhân tôi đã công tác tại trường đại học và tham gia công tác khảo thí và một số công tác khác, tôi biết là có tiêu cực tại kỳ thi ĐH, CĐ trước đây, nhưng mỗi ĐH, CĐ có thể coi là một “ốc đảo” nên những tiêu cực trong tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây rất ít báo chí và dư luận nắm được. Do vậy, việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ giúp các trường có một kết quả công bằng và chính xác hơn.

Ngoài ra, nếu các trường ĐH, CĐ tự tổ chức một kỳ thi riêng, việc có kết quả từ Kỳ thi THPT Quốc gia với một thang đo chung sẽ giúp giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra tại các trường ĐH,CĐ do sẽ rất dễ bị phát hiện (như một số thí sinh có kết quả thi thử và thi THPT Quốc gia cao bất thường đã được báo chí và dư luận phát hiện).  

XEM THÊM BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ TẠI ĐÂY

Đề xuất hướng nâng cao chất lượng Kỳ thi THPT quốc gia

1. Kỳ thi THPT Quốc gia vẫn do các tỉnh chủ trì. Tuy nhiên sẽ có một số thay đổi trong việc bố trí đội ngũ cán bộ. Trưởng điểm và trưởng ban thư ký các điểm thi sẽ là cán bộ ĐH, CĐ. Chủ tịch hội đồng chấm thi, trưởng ban thư ký hội đồng chấm thi là cán bộ ĐH, CĐ. Phó trưởng điểm thi, phó ban chấm thi và một số cán bộ khác tham gia công tác tổ chức thi và chấm thi do địa phương cử nhằm sắp xếp các công tác hậu cần cho kỳ thi.

2. Thí sinh thi tự do được sắp xếp trộn cùng với nhau, không phân theo đối tượng dự thi.

3. Lắp camera tại phòng họp các hội đồng thi để kiểm soát quá trình sắp xếp giám thị phòng thi, giám thị hành lang đảm bảo bốc thăm bố trí cán bộ là ngẫu nhiên vì trong quá trình bốc thăm giám thị có thể xảy ra tình trạng sắp xếp cán bộ coi thi.

4. Việc chấm thi các môn trắc nghiệm thì vẫn sẽ thực hiện tại các tỉnh, trưởng ban chấm thi, trưởng ban thư ký là cán bộ ĐH, CĐ, phó trưởng ban chấm thi, và một số thành viên khác của ban chấm thi là cán bộ địa phương. Khu vực chấm thi được bố trí bởi các địa phương.

Video: Công bố Phó GĐ Sở GD-ĐT Sơn La và 4 cán bộ liên quan sai phạm điểm thi

Địa điểm này là khu vực cách ly như khu vực làm đề với tính bảo mật cao. Ngoài ra, để tăng cường công tác giám sát, khu vực này được bố trí một số camera giám sát tại mỗi phòng chấm trắc nghiệm (ít nhất 5 camera: 4 ở các góc phòng và 1 ở giữa phòng), đồng thời sắp xếp cán bộ giám sát quá trình chấm thi qua camera từ các địa phương khác hoặc các trường ĐH, CĐ. Riêng đối với môn Ngữ văn, nên tổ chức chấm thi theo cụm.

5. Túi đựng bài thi ngay sau khi bóc sẽ đưa vào máy quét, dữ liệu quét ngay lập tức được lưu trữ tại một thư mục online có lưu vết mọi hành động ghi, xóa, sửa file, đảm bảo việc truy vết (Có thể quy định không được phép sửa file tại thư mục quét này, việc hiệu chỉnh sẽ được diễn ra tại một thư mục sao với biên bản kèm theo).

Tóm lại, hình thức tổ chức thi hiện tại phù hợp với điều kiện thực tiễn của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy Bộ GD-ĐT nên tiếp tục duy trì tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, nên có một số điều chỉnh để công tác tổ chức thi được tốt hơn.

Đầu tiên, cần hoàn thiện các khâu kỹ thuật để kỳ thi tốt hơn; tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn, đảm bảo chất lượng để xây dựng đề thi đpá ứng yêu cầu của Kỳ thi THPT Quốc gia.

Thứ hai, hoàn thiện phần mềm chấm thi, tăng cường công tác bảo mật.

Thứ ba, thực hiện các thay đổi trong khâu chấm thi nhất là với các bài thi tự luận, có thể tiến hành chấm thi theo cụm.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra ở các địa phương.

Thứ năm, lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi phải là những cá nhân có tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, tập huấn đầy đủ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ. Về mặt lâu dài, nên thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, các trung tâm này sẽ tổ chức thi thành nhiều đợt trong năm bằng hình thức thi trên máy tính.

Hoàng Anh
Bình luận
vtcnews.vn