Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong của người Mông trở thành Di sản Văn hóa

Thời trangThứ Ba, 12/12/2023 20:15:00 +07:00
(VTC News) -

Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông ở Yên Bái được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian.

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục là một chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên. Kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải là công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục truyền thống phụ nữ người Mông tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái).

Theo quan niệm của người Mông, đã là con gái thì phải biết trồng lanh, dệt vải, vẽ hoa văn, làm trang phục. Bởi vậy, vẽ họa tiết lên vải lanh bằng sáp ong là nét đẹp văn hóa được người Mông lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Họa tiết vẽ bằng sáp ong trên vải tạo nên nét đặc trưng trong trang phục của người Mông. (Ảnh: VOV)

Họa tiết vẽ bằng sáp ong trên vải tạo nên nét đặc trưng trong trang phục của người Mông. (Ảnh: VOV)

Để thực hiện việc vẽ họa tiết bằng sáp ong lên vải, đầu tiên người Mông sẽ phải chuẩn bị sáp ong. Họ lựa chọn sáp ong non có màu vàng và sáp ong già có màu đen chia thành 2 nồi khác nhau rồi đun chảy.

Khi đun sáp, người phụ nữ phải chú ý luôn giữ lửa đều ở nhiệt độ phù hợp để sáp không bị khô. Khi tiến hành vẽ, mỗi người phụ nữ sẽ sử dụng cây bút vẽ sáp ong được thiết kế bởi một thanh tre và hai lá đồng. Ở giữa hai lá đồng này có một ô trống nhỏ để chứa sáp ong.

Phụ nữ người Mông sẽ đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên trên nền vải, từ đó tạo nên những hoa văn đẹp, ý nghĩa, mang theo thông điệp về tình yêu, cuộc sống.

Những tấm vải được vẽ xong phải nhanh chóng bỏ vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong hết. Lúc này, những họa tiết, hoa văn còn bám lại trên nền vải mới chính thức hiện ra. Những tấm vải này sau đó sẽ được nhuộm chàm, phơi nắng.

Quá trình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cùng độ nhẫn nại đặc biệt của người phụ nữ Mông. Toàn bộ các khâu đều được thực hiện thủ công, mỗi tấm vải cũng sẽ có hoa văn tùy ý theo sức sáng tạo, sở thích riêng của người vẽ.

Chính vì thế, hoa văn sáp trên vải của người Mông không chỉ là những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng núi mà còn mang tính nghệ thuật cao và có tính chất độc bản.

Qua mỗi thế hệ truyền tiếp nhau, nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông giống như những trang sử ký tỉ mỉ, lãng mạn, đầy tính nghệ thuật và mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống của người Mông.

Mỗi mẫu vẽ họa tiết bằng sáp ong trên vải đều thể hiện ước mơ, cá tính, văn hóa riêng biệt của từng người phụ nữ dân tộc Mông.

Mỗi mẫu vẽ họa tiết bằng sáp ong trên vải đều thể hiện ước mơ, cá tính, văn hóa riêng biệt của từng người phụ nữ dân tộc Mông.

Vì đồng bào dân tộc Mông quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, giúp họ mời được các thần linh tới nhà để ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ nên nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong lên vải luôn được chú trọng đặc biệt.

Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người, đó là vốn tri thức dân gian quý giá phản ánh trình độ kinh tế, văn hoá, xã hội, lịch sử, dấu ấn thời đại, bản sắc văn hoá của những người Mông.

Việc đưa nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông mà còn giúp các địa phương này có thêm động lực quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của dân tộc, địa phương mình tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch cho địa phương.

An Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn