Nghệ nhân phố núi biến đầu lân giấy cử động như thật

Thời sựThứ Tư, 23/09/2015 05:16:00 +07:00

Làm đầu lân truyền thống là công việc lâu đời của gia đình ông Quang.Ông Quang còn tổ chức các lớp dạy làm đầu lân truyền thống miễn phí cho các bạn trẻ

(VTC News) - Người nghệ nhân đã biến những chiếc vảy, tai và mắt của những chiếc đầu lân bằng giấy có thể cử động như thật khiến nhiều người thích thú.

Là một người con xứ Huế đất Thần Kinh, nơi có truyền thống nghề làm đầu lân, ông Nguyễn Duy Quang (54 tuổi, ngụ thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) sau khi di cư vào miền đất Tây Nguyên đã mang theo nghề làm đầu lânvào nơi tràn ngập nắng, gió sáng tạo thêm nhiều chi tiết độc đáo, chiếm được tình cảm của đồng bào vùng cao nguyên.
  Ông Quang bên cạnh đầu Lân Sư Dương có giá hàng triệu đồng

Hằng năm cứ từ tháng 6 âm lịch trở đi là gia đình ông Quang lại tạm gác mọi công việc lại để tập trung làm đầu lân truyền thống phục vụ Tết trung thu

Mỗi người phụ trách một việc, từ tạo hình đầu lân, đến tìm kiếm nguyên vật liệu, làm mặt nạ ông địa, quần áo cho người chơi lân hay cả tìm nguồn hàng tiêu thụ… Cả gia đình lúc nào cũng bận rộn, tấp nập.

Ông Quang cho biết: "Từ khi tôi từ Huế vào nơi đây sinh sống, thường ngày đi làm những công việc khác để có tiền sinh hoạt, vào thời điểm sắp đến mùa Trung thu là tôi phải lo đi tìm kiếm đơn đặt hàng và chuẩn bị những vật dụng để tạo ra những con lân theo đúng ý khách“.


 Công đoạn sơn đầu lân bằng tay thủ công

Nhờ vốn có năng khiếu cộng với sự tìm tòi, sáng tạo về kiểu cách nên những con lân ông Quang làm ra không những nhận được sự yêu quý, tín nhiệm của các đại lý buôn bán lân mà cả những người chuyên chơi đầu lân ở các vùng xung quanh cũng tìm đến.


Đầu lân ở mỗi vùng miền và qua mỗi mùa đều có sự khác nhau, luôn luôn thay đổi để phù hợp với sở thích  của các khách hàng nhỏ tuổi và thích ứng với thị hiếu của khách hàng chơi lân.

Điểm đặc biệt nhất là những chiếc vảy, tai và mắt của những chiếc đầu lân này có thể cử động như thật nên rất nhiều người yêu thích.

Thông thường để hoàn thiện một chiếc đầu lân phải mất 4 ngày với nhiều công đoạn khác nhau: đúc khuôn giấy hình đầu lân, dán giấy, chọn lông vũ, trang trí các chi tiết như mắt lân, đường viền và cuối cùng trang trí sao cho phù hợp với thị hiếu khách.


 Đầu lân được phơi khô

Giá đầu lân dao động khoảng 600.000 – 1.500.000 ngàn đồng/cái, tùy vào kích cỡ. Nhiều loại đâu lân cho các em nhỏ chỉ 200.000 đồng/cái. Có loại lân đặc biệt giá lên đến hơn hai triệu đồng.

Vào mùa Trung thu, gia đình nghệ nhân Quang sản xuất ra khoảng trên 600 đầu lân và các phụ kiện khác liên quan cung ứng cho các khu vực lân cận.


Theo ông Quang, nghề làm đầu lân truyền thống cần rất nhiều nhân công bởi phải thực hiện nhiều công đoạn làm bằng tay.
Để làm ra một đầu lân, mỗi người phải đảm nhận từng công đoạn tỉ mỉ, trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ để những con lân đầy màu sắc vừa giữ được “cái hồn” của lân vừa giữ được sự cứng cáp, vững chãi của đầu lân sau bài múa.


"Thời điểm này, ở Tây Nguyên thường xuyên mưa nên công đoạn phơi khô đầu lân rất khó khăn, nếu không thường xuyên quan tâm thì có thể hư hỏng, ảnh hưởng đến mặt nạ, nó trở thành cái khung trống rỗng vì giấy bị sũng ướt, hồ keo không dính" - ông Quang cho biết.

 Hoàn thành đầu lân phải trải qua nhiều giai đoạn thủ công bằng tay

Ngoài việc làm kinh tế, ông Quang còn tổ chức các lớp học làm đầu lân truyền thống miễn phí cho các bạn trẻ có đam mê và yêu thích với nghề này, với ông đó không chỉ đơn giản là một nghề để kiếm sống mà còn là một môn nghệ thuật lâu đời của gia đình và dân tộc mà ông muốn gìn giữ cho thế hệ mai sau.

"Bắt đầu chuyển lên Đắk Lắk sinh sống cách đây 20 năm, tôi lập gia đình tại thị xã Buôn Hồ, có những lúc cuộc sống khó khăn, cả nhà cũng phải lăn lộn với đủ loại công việc, nhưng đến cuối cùng tôi cũng không bỏ cái nghề làm đầu lân này được" - ông Quang tâm sự.

Video: Cách nhuộm bánh Trung thu an toàn  

Thanh Hải - Tử Long
Bình luận
vtcnews.vn