Ngày thơ Việt Nam: Hụt hẫng vì sơ sài

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 05/02/2012 12:54:00 +07:00

(VTC News) - Sự bài trí quá giản đơn trên sân khấu cũng như sự sơ sài ở không gian thơ của 10 tỉnh thành trong Ngày thơ Việt Nam khiến nhiều người hụt hẫng.

(VTC News) - Sáng nay( 05/02), Ngày thơ Việt Nam lần thứ X đã diễn ra tại khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám với sự tham gia của hàng trăm nhà thơ Việt Nam và quốc tế, hàng nghìn người yêu thơ trên khắp cả nước và bạn bè thế giới. 

Lần đầu tiên trong vài năm trở lại đây, sân thơ trẻ phải nhường ngôi cho sân thơ truyền thống.


Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ X 

Cái lạnh và những cơn mưa phùn rả rích đầu xuân khiến số lượng người  yêu thơ đến với Văn Miếu không nhộn nhịp như những năm trước, nhưng bù lại, là sự có mặt của rất đông du khách yêu thơ nước ngoài  đến với sân thơ Quốc tế lần đầu tiên có mặt trong ngày thơ Việt Nam.

Bạn bè yêu thơ quốc tế 

Số lượng người đến với ngày thơ ít hơn mọi năm 
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và dịch giả Đoàn Tử Huyến, giám đốc trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây tới ngày hội thơ
Nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải cũng có mặt trong ngày thơ Việt Nam

Được tổ chức thành hai sân thơ chính là sân thơ truyền thống và sân thơ quốc tế, nhằm mở rộng sự giao lưu thơ Việt Nam với bạn bè quốc tế sau Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương, ngày thơ Việt Nam năm nay gần như hoàn toàn vắng bóng những cây viết trẻ và thơ trẻ.

Nếu như mọi năm, sân thơ trẻ luôn thu hút đông đảo sự yêu mến của quan tâm của những người yêu thơ vào một thế hệ cầm bút giàu sức sáng tạo, phá cách và luôn tìm tòi thể nghiệm những cái mới, nhưng cũng không ít những trở trăn và âu lo trước cuộc sống nhiều bất ổn thì năm nay, thơ trẻ gần như biến mất, nhường lại ngôi vị cho thơ truyền thống và thơ quốc tế.

Tiết mục trình diễn thơ 

Không còn những cây thơ, những chiếu thơ, những tập thơ và những phong cách trình diễn thơ độc đáo của những người cầm bút 7X, 8X thậm chí là 9X. Bước vào ngày thơ Việt Nam lần thứ 10, người yêu thơ thấy thiếu đi một phần rất lớn của đời sống nghệ thuật đương đại, đó là thơ trẻ.


Sự bài trí quá giản đơn trên sân khấu cũng như sự sơ sài trong những không gian thơ của đại diện 10 tỉnh thành trong cả nước đến với ngày hội thơ đã làm người yêu thơ ít nhiều thấy ‘hụt hẫng’. Phần lớn khán giả có mặt tập trung tại sân thơ Quốc tế để nghe thơ của những nhà thơ đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điểm mới này gần như là điểm nhấn duy nhất thu hút sự chú ý của người yêu thơ trong ngày thơ Việt Nam năm nay.

Phần lớn khán giả tập trung ở sân thơ Quốc tế 
Dịch giả Thúy Toàn bên cạnh một nhà thơ Nga 

Nhà thơ Singapore bên cạnh MC, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai 

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 cũng là dấu mốc kỉ niệm 80 năm phong trào Thơ mới. ‘Nửa đầu thế kỉ XX, chúng ta nhận được hai món quà rất lớn. Đó là chiếc áo dài Lơ Muya Cát Tường và Thơ Mới. Chiếc áo dài ấy đã song hành với dung nhan Việt Nam bao năm nay. Thơ Mới, nói một cách hình ảnh, lại là ‘chiếc áo dài’ đặc biệt trong thi ca Việt Nam từ bấy đến giờ. Ở đó có sự hòa hợp đẹp đẽ giữa thi ca phương đông với chủ nghĩa lãng mạn phương tây.

Thơ Mới có công đầu trong việc đưa chữ quốc ngữ thành ngôn ngữ nghệ thuật của thi ca hiện đại, phần nào đó, giống như thơ quốc âm Nguyễn Trãi, Cung oán ngâm khúc, bản dịch Chinh phụ ngâm khúc, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Bà Huyện Thanh Quan... đã đưa chữ Nôm thành một ngôn ngữ nghệ thuật đáng kinh ngạc vậy. Có mười mấy năm mà làm được thế, Thơ Mới thật đáng trân trọng...’, sự đóng góp của Thơ Mới vào nền văn học Việt Nam được ghi nhận bằng sự trân trọng và tôn vinh của những thế hệ cầm bút đương đại.


Dàn cồng chiêng đến từ Hòa Bình biểu diễn tại sân khấu thơ quốc tế 

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có cuộc trao đổi ngắn với PV VTC News những chia sẻ của ông trong ngày thơ Việt Nam lần thứ X:

- Xin chào ông, ông có đánh giá như thế nào về ngày thơ Việt Nam lần thứ X?


- Ngày thơ Việt Nam năm nay là ngày thơ lần thứ X, đã 10 năm đi qua chúng ta tổ chức, số lượng bạn đọc đến với văn thơ ngày càng đông hơn, yêu cầu nghe thơ ngày một kĩ lưỡng hơn. Và đến lần thứ 10 này chúng ta có thể tự hào nói nó đã trở thành một lễ hội đương đại nhưng đầy tính truyền thống, đầy những phẩm chất thiêng liêng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Năm nay chúng ta vui mừng khi có sự tham gia của hơn 80 nhà thơ đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á, Thái Bình Dương, và từ Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất những ngày qua tới ngày thơ Việt Nam lần thứ X này đều có chung một thông điệp, đó là vì một nền hòa bình, hữu nghị và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới. Năm nay có một cái mới là chúng tôi đã mời đại diện của 10 tỉnh thành, những nơi có những vùng văn hóa đặc trưng và có sự phát triển thơ ca trong thời kì đổi mới rất tốt.

Chúng ta mở ra những cơ hội giao lưu thơ ca với bạn bè quốc tết rất nhiều, đặc biệt là sau khi hòa bình lập lại và khi chúng ta bắt đầu bước vào đổi mới, nhưng đến bây giờ tính chiến lược và tính rộng lớn của nó mới bắt đầu, và việc hơn 80 nhà thơ của các nước đã đến với Việt Nam lần này đã cho thấy nền văn hóa và tình yêu thơ ca của chúng ta đã được bạn bè quốc tế biết đến. Những tham luận trong liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương đã gây xúc động và sẽ là những bước mới trong hướng đi của nền thơ ca đương đại.

- Ông có nhận xét như thế nào về thế hệ cầm bút ngày hôm nay khi ở ngày thơ Việt Nam lần thứ X thiếu vắng những cây viết trẻ?

- Tôi thấy một điều đáng mừng là lực lượng những người viết trẻ ngày hôm nay rất đông đảo, họ có thể không trở thành hội viên Hội nhà văn, họ có thể không trở thành người làm thơ chuyên nghiệp nhưng họ vẫn viết thơ đều đặn, họ đưa lên blog, lên facebook, lên các trang mạng xã hội, họ chia sẻ trong các câu lạc bộ, trong nhà trường, trên báo chí...sự yêu thơ, sự sang tạo của họ khiến tôi tin tưởng.

Lòng nhân ái của họ bộc lộ ra không khác gì những thế hệ đi trước, chỉ là nó được thể hiện trong một cách thức khác, trong một ngôn ngữ khác đi phù hợp với đời sống đương đại này. Họ cũng đầy những trắc ẩn, những chia sẻ, những nhân văn, những giày vò, đầy cao vọng, bạn có thể đọc những tập thơ được trao giải trong năm 2010, 2011 của Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương..,và những cây viết trẻ khác.

Những nhà thơ trẻ họ đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống này đang là cái gì, họ sẽ phải chọn lựa cái gì, điều gì sẽ mang lại những ý nghĩa tích cực cho đời sống mà họ đang sống? ngay khi câu hỏi ấy bật ra, nghĩa là chủ nghĩa nhân văn đã hiển lộ và điều đó khiến tôi hoàn toàn tin tưởng vào những người cầm bút trẻ ngày hôm nay.



T.L



Bình luận
vtcnews.vn