Ngành GTVT đạt mức giải ngân kỷ lục, 100 nghìn tỷ đồng

Thời sựThứ Tư, 10/12/2014 07:44:00 +07:00

Bộ GTVT cho biết, dự kiến năm 2014, ngành GTVT sẽ đạt mức giải ngân kỷ lục lên đến 100 nghìn tỷ đồng.

(VTC News) - Theo Bộ GTVT, dự kiến năm 2014, ngành GTVT sẽ đạt mức giải ngân kỷ lục lên đến 100 nghìn tỷ đồng.

Trong những năm qua, việc thu hút nguồn vốn cho hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào vốn ODA và ngân sách nhà nước. Ngân sách và trái phiếu Chính phủ hàng năm cấp cho ngành GTVT chỉ khoảng 20 nghìn tỷ đồng, đáp ứng chưa được một nửa nhu cầu. Chính vì vậy, hàng năm ngành GTVT cũng chỉ giải ngân ở mức rất khiêm tốn, chỉ khoảng 50 nghìn tỷ đồng.

Trước thực tế đó, ngày 12/12 tới, Bộ GTVT sẽ tổ chức hội thảo: “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” để tìm giải pháp khai thông cơ chế và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thu hút vốn ngoài ngân sách cho hạ tầng giao thông.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, ngành GTVT đã có sự đột phá lớn trong việc kêu gọi vốn xã hội hóa vào hạ tầng giao thông. Tính đến nay đã huy động tới khoảng 160 nghìn tỷ đồng để triển khai 65 dự án, công trình từ nguồn vốn ngoài ngân sách. 

Theo Bộ GTVT, dự kiến năm 2014, ngành GTVT sẽ đạt mức giải ngân kỷ lục lên đến 100 nghìn tỷ đồng.

Bô giao thông vân tải giải ngân
 Nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông liên tục tăng trong những năm vừa qua

Theo ông Nguyễn Viết Huy - Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT), từ năm 2012 trở về trước, chỉ có vỏn vẹn 22 dự án, với tổng mức đầu tư khiêm tốn khoảng 49.605 tỷ đồng. Nhưng riêng năm 2013 ngành GTVT đã huy động được 24 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 68.563 tỷ đồng. Năm 2014, số vốn thu hút cũng được 42.572 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2015 con số này sẽ còn cao hơn, ở mức 45 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020 dự kiến sẽ có một nguồn vốn lớn, lên đến khoảng 235 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào giao thông. 

Không chỉ tập trung ở đường bộ, ngành GTVT sẽ tập trung kêu gọi vốn xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực khác như: tuyến đường sắt Bắc Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cảng biển, đường thủy nội địa…

Cũng theo ông Huy, nguồn vốn cần để đầu tư vào hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2014-2020 là 965 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khoảng 47% huy động ODA và vốn ngân sách, số còn lại chắc chắn sẽ phải kêu gọi đầu tư xã hội hóa.

Trong hội thảo sắp tới, Bộ GTVT sẽ đưa ra danh mục dự kiến các dự án sẽ kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. “Bộ GTVT xây dựng các danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên cơ sở nhu cầu của nhiều lĩnh vực, tuy nhiên đây chỉ mới là các dự án dự kiến, cần trình các cấp xem xét trước khi kêu gọi đầu tư chính thức”.

Ông Huy cũng thông tin thêm, hiện ở Việt Nam có một số dự án nhận được sự quan tâm cùng lúc của nhiều nhà đầu tư. “Việc được nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm đến một dự án, sẽ là điều kiện tốt để Bộ GTVT chọn được nhà đầu tư tốt, đảm bảo yêu cầu và nâng cao hiệu quả dự án” ông Huy nói.

Trước câu hỏi của PV về việc kêu gọi nhà đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, cụ thể về mức phí khi các dự án đưa vào khai thác, ông Nguyễn Viết Huy cho hay, khi kêu gọi đầu tư một dự án nào đó đều đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. 

“Nếu nhà đầu tư tăng mức phí thì cũng chỉ tăng trong khuôn khổ cho phép. Quy định của Bộ Tài Chính mức trần phí như vậy, không thể tăng hơn. Chúng ta sẽ thoả thuận trước với nhà đầu tư, không thể thích tăng bao nhiêu thì tăng" ông Huy khẳng định.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn