Nên đẩy nhanh tiến độ chuyển sang TH số mặt đất

Tổng hợpThứ Tư, 23/03/2011 01:45:00 +07:00

Thời gian gần đây, Truyền hình số mặt đất được nhắc đến nhiều, dù sự phát triển của nó có phần chững lại.

Thời gian gần đây, Truyền hình số mặt đất được nhắc đến nhiều, dù sự phát triển của nó có phần chững lại. Trước hết là trong quy hoạch Truyền hình đến năm 2020 của Chính phủ, việc các Đài Truyền hình phát sóng mặt đất trên toàn quốc chuyển sang Truyền hình số là điều bắt buộc. Thêm vào đó là chuyện Hoa Kỳ cắt hoàn toàn sóng Truyền hình analog vào giữa tháng 6/2009 và chuyển hoàn toàn sang Truyền hình kỹ thuật số mặt đất. Vấn đề Truyền hình số mặt đất lại được đặt ra khi có đến 7 kênh Truyền hình analog bị cắt chỉ trong vòng một tháng vì thiếu giấy phép tần số vô tuyến điện….

Trước những sự kiện như vậy, để rộng đường dư luận, phóng viên chúng tôi tìm đến phỏng vấn nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, nguyên Giám Đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương, đơn vị cùng với Đài truyền hình kĩ thuật số VTC triển khai phát sóng chính thức Truyền hình số mặt đất đầu tiên tại Việt Nam. Dưới đây là cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trung Hiếu.

 

Hiện nay, Truyền hình số vệ tinh phát triển mạnh mẽ với vệ tinh Vinasat – 1 hoạt động gần 4 năm và các cấp lãnh đạo đang tạo điều kiện để các Đài Truyền hình địa phương phát sóng vệ tinh. Vậy Truyền hình số mặt đất có còn cần thiết ?

Đây là chiến lược phát triển Truyền hình không chỉ ở nước ta mà trên phạm vi toàn thế giới. Mỹ là nước có vài chục vệ tinh truyền thông, nhưng vẫn tập trung phát triển Truyền hình kỹ thuật số mặt đất.

Mỗi phương thức Truyền hình có chức năng đặc điểm, hoạt động riêng biệt. Truyền hình vệ tinh hoạt động chính ở lĩnh vực cố định, cung cấp các chương trình HDTV cho TV màn hình lớn nhờ sự dồi dào của quỹ tần số vệ tinh. Kỹ thuật phát cho đối tượng thu di động của Truyền hình vệ tinh, tuy đã được nghiên cứu, nhưng còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, kỹ thuật lắp đặt Truyền hình vệ tinh cũng khá phức tạp, còn nhiều bất tiện, ví dụ như muốn mang một chiếc TV nhỏ ra vườn xem với angten rời trong tivi là chuyện hoàn toàn bất khả thi.Vì vậy tôi cho rằng, cũng như các nước trên thế giới, Truyền hình số vệ tinh và Truyền hình số mặt đất tồn tại và phát triển song song như ở Việt Nam là điều dễ hiểu.

Chính phủ đã quyết định chuyển toàn bộ hệ thống Truyền hình mặt đất tại Việt Nam sang kỹ thuật số và lộ trình ấn định là khoảng 10 năm. Với tư cách là người có kinh nghiệm trong quá trình thử nghiệm Truyền hình số mặt đất, theo ông, cần làm gì để thúc nhanh tiến trình này ?

Quyết định của Thủ Tướng Chính phủ là đúng đắn. Đó cũng là việc ắt phải làm, như chuyển từ Truyền hình đen trắng sang Truyền hình màu vậy.

Tôi cho rằng, việc mở đầu phát sóng chính thức Truyền hình kỹ thuật số mặt đất với kết quả khả quan, thành công của BTV và VTC đã góp phần dẫn đến quyết định của Chính phủ, vì các kết quả thử nghiệm bước đầu luôn luôn là cơ sở cho những quyết định tiếp theo ở tầm vĩ mô.

Tuy nhiên, theo ý kiến của riêng tôi, thời gian hơn 10 năm là quá trình thận trọng và quá dài. Có thể nói như vậy là vì:

- Hiện nay, giá thành phẩm đầu thu Truyền hình số mặt đất (loại thu miễn phí, không mã hoá) đã rẻ hơn đầu thu DVD, chỉ còn mấy trăm ngàn. Các máy phát sóng sản xuất trong thời gian gần đây đều có khả năng phát sóng kỹ thuật số. Thiết bị sản xuất chương trình Truyền hình ở các Đài đã số hoá gần hết. Như vậy, điều kiện đã chín muồi để chúng ta bắt đầu ngay từ bây giờ và hoàn thành sớm mục tiêu đề ra.

- Truyền hình số analog chiếm một quỹ tần số rất lớn, làm lãng phí tài nguyên quý giá và có hạn này của quốc gia. Nếu chúng ta giải quyết mục tiêu số hoá hệ thống Truyền hình mặt đất trong vòng 3-4 năm chẳng hạn, thì lợi ích kinh tế sẽ hết sức lớn lao. Quỹ tần số tiết kiệm được có thể đưa ra đấu thầu để sử dụng cho nhiều hoạt động khác, tăng thu ngân sách và mở rộng dịch vụ công ích cho xã hội, vì một tần số có thể phát ra 8 kênh Truyền hình.

 

- Kinh nghiệm riêng của chúng tôi cho thấy việc phát sóng số không khó khăn và không tốn nhiều thời gian. Chúng tôi chỉ mất vài tuần lễ chuẩn bị về mặt kỹ thuật để lên sóng Truyền hình số. Đó là trong hoàn cảnh đội ngũ cán bộ kỹ thuật của BTV chúng tôi lần đầu tiên tại Việt Nam làm quen với kỹ thuật phát sóng số. Còn bây giờ thì sẽ sễ dàng hơn rất nhiều.

Tôi kiến nghị với Thủ Tướng chính phủ, các ông Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành chỉ đạo các Đài Truyền hình trong cả nước đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sang Truyền hình kỹ thuật số. Đồng thời có biện pháp động viên khen thưởng đối với các Đài đi đầu, đi nhanh trong việc thực hiện mục tiêu trên.

Nhưng trong thời gian qua, thực tế cho thấy việc phát triển truyền hình kỹ thuật số, ngay cả đối với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, đã có phần chững lại, nhiều Đài tập trung phát triển các kênh Analog. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này?

Đúng là thực tế đáng tiếc như vậy. Theo tôi, nó do các nguyên nhân như sau:

- Một số lãnh đạo các Đài truyền hình chưa ý thức được tầm quan trọng, ý nghĩa chính trị và kinh tế của việc chuyển đổi sang truyền hình kỹ thuật số mặt đất. Nay chủ trương của cấp trên đã rõ ràng, quy định bằng văn bản pháp lý. Do đó, không thể có việc làm khác đi được.

- Nguyên nhân lợi ích cục bộ do quảng cáo mang lại cũng là điều đáng chú ý. Truyền hình Analog có lợi thế là sẵn có hàng vài chục triệu tivi đang sử dụng ở nước ta. Phát sóng Analog đem lại lợi ích trước mắt và cục bộ, nhưng không có lợi cho tiến trình phát triển lâu dài và toàn cục.

- Trong ngành Truyền hình, vẫn có kiểu suy nghĩ sai lầm là Truyền hình kỹ thuật số mặt đất là kiểu Truyền hình trả tiền như Truyền hình cáp. Thực ra không phải vậy. Kỹ thuật số cho phép khai thác truyền hình số như một phương tiện trả tiền (như VTC với đầu thu D- 901), nhưng điều mà chúng ta đang nói ở đây là Truyền hình số phát quảng bá ( Free to air), thay thế Truyền hình Analog. Do đó phát triển Truyền hình số không phải " làm giàu" cho các hãng sản xuất đầu thu như có người vẫn nghĩ. Khi phát triển màn hình màu, có bao giờ chúng ta nghĩ là đang làm giàu cho các hãng sản xuất tivi màu đâu?

- Thời gian qua, cấp trên cũng chưa có chủ trương rõ ràng về việc chuyển đổi sang Truyền hình số, do đó một số cán bộ trong ngành vẫn còn mơ hồ với định hướng phát triển truyền hình số, dẫn đến có những hoạt động trái chiều nhau, làm chững lại cả tiến trình phát triển Truyền hình số ở Việt Nam.

Ông có đề xuất gì để thúc đầy quá trình chuyển đổi sang truyền hình kỹ thuật số ở nước ta?

Tôi xin có một số đề xuất như sau:

1. Chính phủ nên có văn bản bắt buộc các nhà sản xuất và nhập khẩu TV ở Việt Nam ngay bây giờ phải lắp ráp vào TV bán ở thị trường bộ thu sóng Truyền hình kỹ thuật số mặt đất DVB-T, cả các TV LED, LCD, PLASMA lẫn các TV dùng đèn CTR. Quy hoạch chuyển sang Truyền hình số mặt đất đã có mà chưa chuẩn bị ở khâu TV là điều không thể chấp nhận được và tạo ra nhiều khó khăn về sau cho khán giả Truyền hình. Chính phủ Hoa Kỳ đã buộc các nhà sản xuất TV phải có bộ thu sóng số từ nhiều năm trước đây.

2. Đối với các Đài địa phương chưa có hệ thống phát hình số nhưng đã có kênh phát thứ hai thì cấp lãnh đạo nên động viên, chỉ đạo sử dụng kênh phát thứ hai phát sóng kỹ thuật số. Có nghĩa là nên bắt đầu sự chuyển đổi ngay từ bây giờ và song song. Phải dứt khoát chứ đừng có tư tưởng "bỏ thì thương vương thì tội".

3. Nhà nước nên nghiên cứu kế hoạch tài trợ đầu thu kỹ thuật số cho khán giả truyền hình vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ, vùng nông thôn khó khăn, vùng biên giới hải đảo.

4. Kiến nghị Thủ Tướng điều chỉnh thời hạn chuyển đổi hoàn toàn sang Truyền hình kỹ thuật số mặt đất theo hướng sớm hơn, vì để Truyền hình analog càng kéo dài càng lãng phí tài nguyên của đất nước. Chuyển hẳn sang phát Truyền hình số mặt đất DVB-T cả nhà Đài lẫn người xem không ai mất gì cả mà chỉ có được mà thôi. Cái được rất lớn và toàn diện.

5. Để tiến trình được nhanh hơn Chính phủ nên có cơ chế chính sách đầu tư cho các tỉnh thành và coi đó là mục tiêu đầu tư trong kế hoạch hàng năm. Đặc biệt cho phép các Đài sử dụng tiền thu quảng cáo và có thể cho vay vốn đầu tư phát triển lãi suất thấp hoặc không cần có lãi suất vì nó là thông tin đại chúng và lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.

Xin cảm ơn ông!

H.H

Bình luận
vtcnews.vn