Nấu ăn bằng lò vi sóng và những điều không phải ai cũng biết

Tin tứcThứ Hai, 17/10/2022 07:33:00 +07:00
(VTC News) -

Có rất nhiều tranh cãi xung quanh lò vi sóng, từ cơ chế làm nóng thức ăn nhanh chóng của thiết bị này, đến các ảnh hưởng của nó đến giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

Lò vi sóng hiện vẫn đang là thiết bị cực kỳ phổ biến trong các gian bếp khắp nơi trên toàn thế giới. Dù tiện dụng là vậy, lò vi sóng vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi về tác động của nó lên thực phẩm cũng như sức khỏe con người và dưới đây là 2 tranh cãi phổ biến nhất.

Lò vi sóng có khả năng phá hủy các cấu trúc dinh dưỡng trong thức ăn?

Câu trả lời là có và không.

Để hiểu được kết luận này, trước hết chúng ta cần hiểu cơ chế làm nóng (chín) thức ăn của lò vi sóng. Theo đó, sóng vi ba (vi sóng) sẽ làm sôi các phân tử nước bên trong thực phẩm và thông qua quá trình truyền nhiệt để làm nóng (làm chín) thịt, cá, rau củ... Về mặt lý thuyết thì quá trình này hoàn toàn không gây ra bất kỳ thay đổi nào về thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn.

Nấu ăn bằng lò vi sóng và những điều không phải ai cũng biết - 1

Việc hâm hay nấu thức ăn bằng lò vi sóng luôn diễn ra rất nhanh và tiện lợi

Tuy nhiên, thực phẩm nói chung là tổng hợp của nhiều thành phần hóa học khác nhau và một trong số chúng rất nhạy cảm với nhiệt độ, đặc biệt là các loại vitamin trong rau củ.

Việc sử dụng nhiệt để làm chín thực phẩm nói chung đều phần nào gây thất thoát các vi chất có lợi bên trong, còn quá trình nấu nướng bằng lò vi sóng lại diễn ra rất nhanh nên đây vô tình lại được xem là một trong những phương pháp tốt nhất để “bảo lưu” các chất dinh dưỡng trong thực phẩm.

Theo một bài viết được đăng tải trên chuyên trang sức khỏe Healthline (link tại đây), việc nấu chín rau củ bằng lò vi sóng sẽ làm “bốc hơi” 20-30% hàm lượng vitamin C. Trong khi đó, một phương pháp phổ biến khác là luộc lại làm thất thoát đến tận 50%.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý đây chỉ là một ví dụ để cho thấy việc làm chín thức ăn theo cách truyền thống vốn không hề “an toàn” hơn việc sử dụng lò vi sóng. Mọi phương pháp nấu ăn đều có những ưu và nhược điểm riêng, nhưng vấn đề cần làm rõ ở đây là nấu nướng bằng lò vi sóng không hề khiến thực phẩm mất đi giá trị dinh dưỡng như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Tin đồn về việc lò vi sóng làm con người phơi nhiễm bức xạ?

Theo lý thuyết là có, nhưng nó không hề đáng lo ngại. Bản chất của vi sóng là một dạng bức xạ điện từ với tần số gần như tương tự với sóng Wi-Fi, thứ mà chúng ta đang tiếp xúc hàng ngày. Rất nhiều người khi nghe đến 2 chữ “bức xạ” đều ngay lập tức hoảng sợ, tuy nhiên, thứ mà chúng ta cần lo lắng là các loại bức xạ ion hóa.

Nấu ăn bằng lò vi sóng và những điều không phải ai cũng biết - 2

Nhiều người còn lo lắng việc sử dụng lò vi sóng còn khiến bản thân phơi nhiễm bức xạ

Vậy bức xạ ion hóa là gì? Hiểu đơn giản, đây là loại bức xạ mang năng lượng đủ lớn để tách hạt electron ra khỏi một nguyên tử ổn định, hay thậm chí có thể tách cả hạt proton và neutron, nói cách khác là phá vỡ hạt nhân của nguyên tử đó. Vì lý do này, các loại bức xạ ion hóa có tác hại rất lớn đến sức khỏe con người cũng như các loài sinh vật sống khác.

Tuy nhiên, vi sóng lại là một loại bức xạ không ion hóa.

Nấu ăn bằng lò vi sóng và những điều không phải ai cũng biết - 3

Sơ đồ đơn giản tác động của các dạng bức xạ

Nhìn vào hình ảnh bên trên có thể thấy, vi sóng (hay sóng vi ba) nằm trong vùng bức xạ không ion hóa và sở hữu nhiệt lượng, từ đó có thể hâm nóng thức ăn. Ở chiều ngược lại, các loại bức xạ ion hóa lại ở phía bên kia của vùng ánh sáng khả kiến như tia X hay tia gamma, và chúng sở hữu năng lượng lớn có thể gây tổn thương đến ADN của sinh vật sống.

Như vậy, việc sử dụng lò vi sóng có thể khiến con người phơi nhiễm bức xạ là có thật, nhưng nó không hề gây bất kỳ nguy cơ nào cho sức khỏe của mỗi chúng ta hay ít nhất là đến hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa chỉ ra bất kỳ tác hại nào của loại bức xạ này đến các sinh vật sống.

Vì những lý do trên, người dùng không nên quá lo lắng khi sử dụng loại thiết bị tiện lợi này.

H.P
Bình luận
vtcnews.vn