Năm 2024, thị trường xe điện bước sang giai đoạn phát triển mới

Kinh tế xanhThứ Tư, 10/01/2024 06:00:00 +07:00
(VTC News) -

Thị trường xe điện (EV) bước vào giai đoạn phát triển mới trong năm 2024, sau khi đạt kỷ lục doanh số một năm trước đó.

Dữ liệu từ nhà cung cấp nguyên liệu pin Syrah Resources cho thấy, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh số xe điện toàn cầu đã tăng 43,66% và vượt 1,5 triệu chiếc trong cùng tháng.

Còn theo thống kê từ Cox Automotive, hãng kinh doanh xe hơi lớn nhất Mỹ - doanh số xe điện trong quý III/2023 tại Mỹ tăng 50% so với cùng kỳ, đạt mức cao kỷ lục hơn 300.000 chiếc, đưa quốc gia này vượt qua cột mốc doanh số một triệu chiếc trong cả năm.

Trong khi đó, tại Brazil, một trong những nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS), tập đoàn công nghiệp xe hơi ABVE dự báo doanh số bán xe chạy hoàn toàn điện và xe hybrid ở nước này sẽ tăng 60% trong năm 2024, với hơn 150.000 xe xuất xưởng, sau khi doanh số bán hàng tăng 91%, lên hơn 93.000 chiếc vào năm 2023.

Thị trường xe điện sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới trong năm 2024.

Thị trường xe điện sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới trong năm 2024.

ABVE nhận định thị trường ô tô điện tại quốc gia Nam Mỹ, vốn chủ yếu dựa vào nhập khẩu, vẫn duy trì “nhịp điệu mãnh liệt” ngay cả sau khi chính phủ quay trở lại áp dụng thuế nhập khẩu với xe điện và tăng thuế với xe hybrid.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Các nhà sản xuất ô tô truyền thống như Volkswagen, Toyota Motor, Stellantis, Mercedes Benz và Ford đang tung ra các mẫu xe điện để duy trì tính cạnh tranh khi thị phần xe điện ngày càng tăng. Tuy nhiên, họ kém nhanh nhẹn hơn các nhà sản xuất chỉ chạy bằng xe điện như Tesla, BYD, Nio và XPeng.

Các nhà sản xuất truyền thống phải đối mặt với những thách thức trong quá trình chuyển đổi xe điện khi họ phải đối mặt với áp lực chi phí và các cuộc đình công của các công nhân thuộc công đoàn ở Mỹ - một phần được thúc đẩy bởi những lo ngại về quy trình sản xuất xe điện có thể đe dọa việc làm của công nhân ô tô.

Ford, GM và Mercedes đều giảm dự báo về doanh số bán xe điện trong năm 2023 và thu hẹp lại kế hoạch sản xuất. Trong khi đó, Tesla vẫn dẫn đầu về doanh số xe thuần điện với doanh số 1,809 triệu chiếc, vượt xa doanh số năm 2022 tới 38%.

Các hãng sản xuất thuần xe điện đang linh hoạt hơn so với những thương hiệu xe hơi truyền thống.

Các hãng sản xuất thuần xe điện đang linh hoạt hơn so với những thương hiệu xe hơi truyền thống.

BYD của Trung Quốc chuyển sang chỉ sản xuất xe điện vào năm 2021 và năm nay đã vượt qua Volkswagen để trở thành thương hiệu ô tô bán chạy nhất Trung Quốc, bám đuổi quyết liệt Tesla với 1,6 triệu xe ô tô chạy pin được bán ra trong cả năm.

Theo World Resources Institute, Trung Quốc có thị phần bán xe điện lớn thứ năm thế giới, xếp sau Na Uy (80%), Iceland (41%), Thuỵ Điển (32%) và Hà Lan (24%), song với quy mô là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, quốc gia này dẫn đầu về doanh số xe điện.

Trong năm 2022, Trung Quốc đã đạt doanh số 4,4 triệu chiếc xe điện, vượt xa 3 triệu chiếc được bán ở toàn bộ các thị trường khác. Theo nhà cung cấp phụ tùng ô tô Trung Quốc SuperAlloy Industrial, doanh số xe điện, xe hybrid và pin nhiên liệu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 32%, lên tổng số 17 triệu chiếc trong năm 2024.

Theo chiến lược công nghiệp Made in China 2025 của Bắc Kinh, họ đặt mục tiêu hai nhà sản xuất EV lớn nhất đất nước sẽ tạo ra 10% doanh số bán hàng ở nước ngoài vào năm 2025.

BYD, hãng xe điện Trung Quốc, xếp thứ hai toàn cầu về doanh số (sau Tesla).

BYD, hãng xe điện Trung Quốc, xếp thứ hai toàn cầu về doanh số (sau Tesla).

Là một trong hai công ty dẫn đầu về doanh số toàn cầu, BYD - hãng xe điện chỉ xếp sau Tesla - cho biết “đang tích cực khai thác thị trường nước ngoài, đẩy nhanh tốc độ mở rộng toàn cầu”.

Vào tháng 11, BYD bắt đầu cung cấp phiên bản sedan tại châu Âu và dự kiến ra mắt mẫu SUV cỡ trung cho thị trường này trong năm nay. XPeng, một công ty xe điện khác, đang bán xe tại bốn thị trường chây Âu, thông báo kế hoạch gia nhập thị trường Đức.

Trong khi đó, startup Leapmotor vừa bán 20% cổ phần cho công ty sản xuất xe hơi Stellantis của Hà Lan, để thành lập liên doanh giúp công ty khởi nghiệp này có thể mở rộng sang lãnh địa truyền thống của xe hơi.

Sôi động phân khúc bán tải điện

Những tiến bộ trong công nghệ pin có thể cung cấp năng lượng cho các phương tiện lớn hơn trên quãng đường dài hơn cho phép các nhà sản xuất ô tô hướng đến phát triển các loại xe tải chạy điện.

Tesla sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt chiếc Cybertruck đã bị trì hoãn từ lâu. Thiết kế bên ngoài góc cạnh, hệ truyền động kép, ba động cơ cho phép tăng tốc nhanh và sức kéo lớn đã thu hút sự chú ý của những người đam mê ô tô và mang lại lợi thế cạnh tranh.

Cybertruck, R1T, F-150 Lighting,... trong cuộc chiến thị phần bán tải điện

Cybertruck, R1T, F-150 Lighting,... trong cuộc chiến thị phần bán tải điện

Cybertruck sẽ cạnh tranh với các mẫu F-150 Lightnings nâng cấp của Ford, Chevrolet Silverado của GM, có phạm vi di chuyển 450 dặm mỗi lần sạc, xe bán tải Sierra của GMC và Tacoma của Toyota.

Volkswagen đã phát triển chiếc xe tải điện đầu tiên tại thị trường Mỹ với Scout, trong khi Ram đang giới thiệu một mẫu xe bán tải mới với bộ pin tiêu chuẩn 168 kilowatt giờ (kWh) có phạm vi hoạt động 350 dặm và tùy chọn nâng cấp lên bộ pin 229kWh, tương đương khả năng hoạt động 500 dặm - con số dẫn đầu thị trường.

Đua mở rộng trạm sạc và hoán đổi pin

Một trong những trở ngại chính cho việc áp dụng EV rộng rãi hơn là sự chậm trễ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng sạc pin công cộng.

BT, tập đoàn viễn thông lớn nhất nước Anh, vừa thông báo sẽ chuyển đổi các tủ điện đường phố truyền thống thành trạm sạc xe điện (EV), hướng đến xây dựng mạng lưới lên tới 60.000 điểm sạc mới.

Nghiên cứu của tập đoàn cho thấy, tình trạng thiếu bộ sạc trên đường phố ở Anh đang cản trở khách hàng mua xe điện, với 38% tài xế cho biết họ sẽ chọn xe điện nếu sạc pin không còn là vấn đề nhức nhối.

Trong khi các nhà sản xuất ô tô có nhiều sáng kiến ​​nhằm phát triển mạng lưới sạc rộng rãi để phục vụ các khu vực thành thị, đường cao tốc và khu vực nông thôn, thì khái niệm trạm đổi pin đã nổi lên như một cách để lấp đầy khoảng trống trong khi cơ sở hạ tầng được hoàn thiện. Công nghệ hoán đổi pin cho phép người lái xe tháo các mô-đun pin ra khỏi xe để thay thế bằng bộ sạc đầy trong vài phút thay vì phải đợi pin sạc.

Nio của Trung Quốc đã ra mắt dịch vụ đổi pin vào năm 2020 và lắp đặt hơn 2.000 trạm đổi pin trên khắp đại lục, cũng như 30 trạm ở châu Âu. Công ty đã ký thỏa thuận vào tháng 11 với Changan Automobile và Geely để cùng phát triển các tiêu chuẩn cho pin có thể thay thế cũng như mở rộng và chia sẻ mạng lưới trao đổi pin tại các thành phố của Trung Quốc.

BMW và Mercedes-Benz gần đây thành lập một liên doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, để lắp đặt ít nhất 1.000 trạm trong mạng lưới siêu sạc, với dự kiến trạm đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động trong năm 2024.

Tại châu Âu, Nio dự kiến hoạt động mạng lưới tại Vương quốc Anh vào năm 2025 để đảm bảo có đủ công suất thay pin tại chỗ. Trong khi đó, Stellantis thiết lập quan hệ đối tác với Ample trụ sở Mỹ để sử dụng công nghệ hoán đổi pin mô-đun. Chương trình ban đầu dự kiến bắt đầu vào năm 2024 tại Madrid, Tây Ban Nha, với đội xe gồm 100 mẫu Fiat 500e trong dịch vụ chia sẻ xe Free2move của Stellantis.

Sự kết hợp giữa việc cung cấp những chiếc xe điện hấp dẫn có thể sạc đầy trong vòng chưa đầy 5 phút sẽ giúp loại bỏ những trở ngại còn lại đối với việc sử dụng phương tiện này”, Khaled Hassounah, Giám đốc điều hành của Ample, cho biết.

Ngoài việc hoán đổi pin, việc sạc pin hai chiều sẽ được mở rộng vào năm 2024, mở rộng cách chủ sở hữu xe điện có thể sử dụng phương tiện của họ.

Thế Việt(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn