Năm 2011 dự kiến GDP đầu người khoảng 1.300 USD

Thời sựChủ Nhật, 03/10/2010 07:54:00 +07:00

(VTC News) – Theo dự kiến các chỉ tiêu năm 2011 Chính phủ, tăng trưởng GDP khoảng 7-7,5% so với 2010, GDP bình quân đầu người khoảng 1.300 USD.

(VTC News) – Chính phủ vừa cho biết dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2011, trong đó, tăng trưởng GDP năm 2011  dự kiến khoảng 7-7,5% so với năm 2010; GDP bình quân đầu người khoảng 1.290 - 1.300 USD…

Ngày 2/10, tại phiên họp 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (trong đó có kế hoạch đầu tư phát triển) năm 2011.

Bộ trưởng Phúc nhấn mạnh, nền kinh tế phục hồi khá nhanh với tốc độ tăng trưởng càng về cuối năm càng cao và ổn định hơn (GDP quý I tăng 5,83%; quý II tăng 6,4%, Quý III tăng 7,18%; 9 tháng tăng 6,52%), ước cả năm tăng 6,7%; đang lấy lại đà tăng trưởng trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Cùng với đó, các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định. Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch, bảo đảm chủ động các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước; bội chi ngân sách nhà nước giảm xuống 5,95%, (năm 2009 là 6,9%);

Xuất khẩu cũng tăng cao gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch về tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần quan trọng vào việc giảm nhập siêu xuống dưới 20% và giảm bớt thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế;

Trên đà phát triển nêu trên, các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2011 được Chính phủ dự kiến: chỉ tiêu kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2010; GDP theo giá thực tế khoảng 2255,2 - 2275,2 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 112,8 - 113,8 tỷ USD; GDP bình quân đầu người khoảng 1290 - 1.300 USD;

Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 là 74,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010; Tổng thu NSNN  588,5 nghìn tỷ đồng; Tổng chi NSNN 723,6 nghìn tỷ đồng; Tỷ lệ bội chi so với GDP 5,5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 40% GDP; Chỉ số tăng giá tiêu dùng dưới 7%...

Về các chỉ tiêu xã hội, Bộ trưởng Phúc cũng nhấn mạnh, tuyển mới đại học, cao đẳng năm 2011 tăng  6,1%; trung cấp chuyên nghiệp tăng 11,1%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,5%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Nhất trí cao với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 là 7 - 7,5%

Đại diện cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền cho biết, qua thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng về tốc độ tăng trưởng kinh tế, mặc dù năm 2010 có những khó khăn lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức 6,7%, tạo tiền đề khá tốt cho năm 2011, do vậy nhất trí với đề nghị của Chính phủ: GDP năm 2011 tăng khoảng 7-7,5%.

Năm 2011, dự kiến thu nhập bình quân đầu người lên tới 1300 USD (Ảnh: VNE) 

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, kinh tế thế giới trong năm 2011 vẫn chưa ổn định, trong khi đó các điểm nghẽn của nền kinh tế chưa thể khắc phục ngay trong một vài năm, nên năm 2011 chưa phải là thời kỳ tăng tốc đối với nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế  năm 2011 khoảng 7% là phù hợp với mục tiêu tổng quát nêu trong Báo cáo của Chính phủ và điều kiện thực tiễn hiện nay.

Về chỉ số giá tiêu dùng, Chính phủ dự kiến tăng dưới 7%. Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Hiền, Ủy ban Kinh tế có hai loại ý kiến: Loại thứ nhất cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8, tháng 9 năm 2010 đã có dấu hiệu đổi hướng từ xu hướng giảm tốc sang xu hướng tăng tốc. Mặt bằng giá năm 2011 sẽ tiếp tục chịu áp lực do tăng giá một số mặt hàng trên thị trường thế giới và chi phí đầu vào trong nước cũng có thể chịu tác động của một số nhân tố như điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản (điện, than, nước,...) và tỷ giá. Vì vậy, nhất trí với dự kiến của Chính phủ CPI tăng dưới 7%;

Loại thứ hai cho rằng, mấy năm qua, chỉ số giá tiêu dùng nước ta liên tục tăng cao, trong khi lạm phát trên thế giới nhìn chung đều ở mức thấp. Nếu tiếp tục để lạm phát năm 2011 ở mức cao thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân. Hơn nữa, chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc điều hành kiềm chế lạm phát những năm qua, nên cần đặt mục tiêu giảm lạm phát xuống thấp hơn, khoảng 6,5%.

Về bội chi ngân sách nhà nước, Ủy ban Kinh tế cho rằng năm 2011 cần phấn đấu kiểm soát bội chi ngân sách dưới 5% GDP, theo đó, Chính phủ đề xuất 5,5% GDP, tuy giảm về tỷ lệ tương đối nhưng về lượng lên đến 125.100 tỷ đồng, tăng 5.400 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2010 là mức khá cao, trong khi nợ công đang có xu hướng tăng nhanh, gây ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát lại các khoản thu, chi ngân sách, đồng thời cơ cấu lại đầu tư, tập trung cho những lĩnh vực, những dự án thiết thực, có hiệu quả thì vẫn giảm được bội chi, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao…

Ủy ban Kinh tế cũng tán thành với nhiều giải pháp mà Chính phủ đưa ra, đồng thời nhấn mạnh một số nhóm giải pháp cần quan tâm thực hiện về thay đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.

Trong đó, nhấn mạnh đến việc điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng từng bước giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước, khuyến khích và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác; điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp một cách căn bản nhằm nâng cao hiệu quả của nền kinh tế;

Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để tăng cường ổn định vĩ mô, từng bước khắc phục tình trạng nhập siêu, mất cân bằng cán cân thanh toán và cân đối ngoại tệ; Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách hành chính, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng;

Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí với giải pháp tiếp tục lộ trình điều chỉnh hệ thống giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước đang quản lý (điện, than, dịch vụ y tế, giáo dục...). Cùng với đó, đẩy nhanh thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính; Tăng cường kỷ luật hành chính, kỷ luật công vụ, chế độ trách nhiệm cá nhân; Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng, chống tham nhũng; Tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội, môi trường...

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn