Mỹ tái diễn ‘Chiến tranh vùng vịnh’ ở Syria bằng chiêu bài 'vũ khí hóa học'?

Thế giớiChủ Nhật, 13/12/2015 04:02:00 +07:00

Truyền thông Nga dự đoán về nước cờ hiểm của Mỹ để có cớ đưa quân vào Syria theo cách gần giống như cuộc chiến tranh vùng Vịnh hồi thế kỷ trước.

(VTC News) – Truyền thông Nga dự đoán về nước cờ hiểm của Mỹ để có cớ đưa quân vào Syria theo cách gần giống như cuộc chiến tranh vùng Vịnh hồi thế kỷ trước.
Mỹ và Pháp gần đây tuyên bố IS đang phát triển vũ khí hóa học, loại vũ khí có thể gây ra cái chết kinh hoàng, đau đớn cho con người. 
Mỹ bị cho là có toan tính dùng cái cớ vũ khí hóa học để đưa quân vào Syria - Ảnh minh họa
Mỹ bị cho là có toan tính dùng cái cớ vũ khí hóa học để đưa quân vào Syria - Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, nhà báo điều tra nổi tiếng Janet Phelan nói với Sputnik rằng thông tin này “cần được xem xét một cách thận trọng” bởi chiêu bài ‘vũ khí hóa học’ cũng từng là cái cớ để Mỹ gây ra ‘Chiến tranh vùng Vịnh’ lần thứ hai vào năm 2003.
Cuộc chiến đó đã khiến chính quyền Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ và những hệ lụy của nó vẫn kéo dài đến tận ngày nay với những cuộc xung đột phe phái, đánh bom liều chết v.v. mà nạn nhân đa phần là dân thường.
Theo những nhống kê chưa đầy đủ, trong suốt 9 năm lính Mỹ đóng tại Iraq, hàng chục ngàn thường dân đã thiệt mạng dù trước đó Washington nói cuộc chiến này nhằm giúp người Iraq chống lại chế độ độc tài Saddam Hussein.
Chính quyền Tổng thống George Bush năm 2003 phát động cuộc chiến tranh dựa trên thông tin nói ông Saddam tàng trữ vũ khí hóa học. 
Nhưng sau đó, các cuộc thanh tra có sự tham gia của Mỹ và Liên Hợp quốc đều không phát hiện được bất cứ dấu hiệu nhỏ nào chứng minh cho cáo buộc nói trên. Điều này sau đó được Ngoại trưởng Mỹ thời bấy giờ Colin Powell giải thích rằng “thông tin tình báo bị diễn giải nhầm”.
Trong khi đó, những nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Putin dường như đang ‘làm trật đường ray’ những toan tính của Mỹ. 
Theo đó, ông Putin đề xuất Syria mở cửa cho thanh sát viên Liên Hợp quốc vào kiểm tra và tham gia Công ước Chống phổ biến vũ khí hóa học.
Cuộc không kích IS của liên quân do Mỹ dẫn đầu từ tháng 8 năm ngoái tới nay với lời hứa “tiêu diệt IS” đang bị nghi ngờ là có nhiều mục đích chính trị hơn là thực hiện lời hứa. 
Trả lời phỏng vấn VTC News, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Đăng Phát cho biết, ngay từ đầu, Nga đã kêu gọi các nước chung tay với mình để chống IS, Tổng thống Putin kêu gọi thành lập liên minh quốc tế rộng rãi chống khủng bố nói chung và chống IS nói riêng.
Tàu ngầm Nga ở Địa Trung Hải - Ảnh: Sputnik
Tàu ngầm Nga ở Địa Trung Hải - Ảnh: Sputnik 

Trên thực tế, Nga đã có sự phối hợp nhất định với Syria, Iraq và Iran khi thành lập trung tâm tình báo, chia sẻ thông tin trinh sát về IS. Nga không nói sẽ đánh IS một mình, dù ở Syria hay ở quốc gia khác mà kêu gọi sự phối hợp quốc tế.
Theo ông Phát, Mỹ và các đồng minh bắt đầu can thiệp vào Syria từ tháng 8/2014, chính Washington cũng thừa nhận chưa đạt được nhiều kết quả.
Ngày 17/10 vừa qua, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga, Thượng tướng Andrei Kartapolov phân tích rằng liên quân do Mỹ dẫn đầu 1 năm qua có thực hiện các vụ bắn phá và cho rằng đó là mục tiêu IS, nhưng thực chất lại gây bất lợi cho chính quyền và quân đội của Tổng thống Assad.
Ví dụ như, các cuộc ném bom thường nhằm vào các công trình thiết yếu như cầu cống, đường sá hay trạm điện, trạm bơm. Những yếu tố vô cùng cần thiết cho cuộc sống người dân chứ ít khi hủy diệt các căn cứ của IS.
"Về chính quyền Assad, chính quyền duy nhất được Nga công nhận hiện nay ở Syria, sau khi Matxcơva thực hiện các cuộc tấn công hiệu quả như vừa qua, chắc chắn họ sẽ mạnh mẽ trở lại", ông Phát nói.
Video: Tàu ngầm Nga phóng tên lửa tiêu diệt IS
Những ngày gần đây, quân đội chính phủ Syria, cùng với sự hỗ trợ từ trên không của Nga đã tổ chức nhiều cuộc tấn công mặt đất nhằm vào lực lượng IS. Điều đó cho thấy sự vững mạnh của chính quyền Assad đang được củng cố.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lần đầu tiên các tên lửa hành trình Kalibr được bắn đi từ tàu ngầm ở Địa Trung Hải nhằm vào các mục tiêu IS ở Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu báo cáo với Tổng thống Putin, các tên lửa hành trình 3M-54 Kalibr được phóng đi từ tàu ngầm lớp Kilo Rostov-on-Don, nhằm vào các mục tiêu IS ở Syria.
Tháng 10 vừa qua, các chiến hạm Nga đang làm nhiệm vụ ở biển Caspian và Địa Trung Hải đều đã phóng tên lửa hành trình, bay hàng ngàn km để tấn công IS. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tàu ngầm được sử dụng.
Ông Shoigu nói: "Các tên lửa nhằm vào hang ổ của IS ở tỉnh Raqqa. Chúng tôi có thể tự tin nói rằng các kho đạn, mỏ dầu lậu và nhiều cơ sở hạ tầng của IS đã bị phá hủy".
Ngày 8/12 vừa qua, một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ tàu ngầm lớp Kilo Rostov-on-Don, mang theo các tên lửa hành trình Kalibr hiện đại đã xuất hiện ở gần bờ biển Syria.


Văn Việt Võ (Theo Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn