MU, Man City 'cưỡi cổ' tam trụ London

Thể thaoThứ Ba, 21/05/2013 07:09:00 +07:00

Có một mâu thuẫn trong việc các thế lực Manchester “đè đầu cưỡi cổ” thành London ở Premier League.

Có một mâu thuẫn trong việc các thế lực Manchester “đè đầu cưỡi cổ” thành London ở Premier League xét về các thống kê chuyên môn, thành London là những người chơi bóng hay hơn.

1. Mùa trước, 2 ông lớn Manchester thống trị toàn cục. Họ vượt trội về số bàn thắng và điểm số đã đành, ngay cả những thống kê kỹ thuật cũng khẳng định rằng họ chơi một thứ bóng đá “tầm trên”. Sút bóng nhiều nhất: Man City; Sút trúng đích nhiều nhất: Man City và Man United; Chuyền bóng chính xác nhất: Man City và Man United; Hứng chịu ít cú sút nhất: Man City; Tắc bóng nhiều thứ 2 giải đấu: Man United (chỉ sau Sunderland).
Chelsea-Arsenal
 Arsenal, Chelsea hay Tottenham chỉ khiêm tốn cạnh tranh Top 4.

Mùa này thì mọi thứ lại thay đổi, đặc biệt là những thống kê liên quan đến tấn công. Sút trúng đích nhiều nhất: Tottenham; Cầm bóng nhiều nhất: Arsenal; Chuyền bóng nhiều nhất: Arsenal; Chuyền bóng chính xác nhất: Arsenal; Tắc bóng nhiều nhất trong Top 7: Arsenal và Tottenham…

2. Nói như thế không có nghĩa là BXH không phản ánh đúng thực tế những gì đã diễn ra. Vấn đề rất cơ bản, chỉ nằm ở một chữ: hiệu quả. Ngay cả Man City, đội bóng tưởng như đã phung phí mọi cơ hội trên Trái đất, cuối cũng vẫn chơi một thứ bóng đá hiệu quả hơn Chelsea, Arsenal và Tottenham.
Trong khi cứ mỗi trận Man City hứng chịu 10,4 pha dứt điểm, thì Tottenham chỉ chịu 9,7 lần. Man xanh cũng thủng lưới ít hơn Spurs 13 bàn. Còn nhiều những thống kê như thế nữa. Nhưng trong bối cảnh Man City liên tục nhận chỉ trích vì “thiếu bản lĩnh”, thì rõ ràng có lý do để nghi ngờ bản lĩnh của 3 gã thủ đô xếp phía sau. Đặc biệt là Arsenal và Chelsea, những đội giàu truyền thống.
MU vô địch
 Thành Manchester ngạo nghễ đua vô địch suốt cả mùa.
3. London đã thất bại vì những lý do khác nhau. Tottenham không có vị thế để níu giữ và mời gọi những ngôi sao. Chelsea có ông chủ quá nóng vội. Arsenal có ông chủ quá dửng dưng.
Premier League, cũng như hầu hết các giải VĐQG châu Âu, có một truyền thống: thành công sẽ là tiền đề cho thành công, thất bại sẽ là tiền đề cho thất bại, để rồi cuối cùng 2 nhóm thành công-thất bại sẽ tách xa nhau, trở thành một giải đấu bị phân cực.
Đó là điều đã xảy ra giữa Big Four và 16 CLB còn lại trong những năm trước. Hai nhóm tưởng như vĩnh viễn tách rời. Năm ngoái, Arsenal, Chelsea và Tottenham xếp sau Manchester vì họ thiếu chất lượng chuyên môn. Năm nay, cải thiện được chuyên môn, họ lại thiếu tính hiệu quả và bản lĩnh. Những dấu hiệu rất rõ ràng của một sự tụt lại. Về mặt đẳng cấp.
Hy vọng rằng rằng sẽ không có sự phân cực nào ở đây, 5 CLB ấy sẽ không bị tách thành 2 nhóm rạch ròi. Nếu thế thì Premier League sẽ trở nên chán ngắt.

Đức Hoàng-Bongdaplus
Bình luận
vtcnews.vn