Một phút ngông cuồng của con, cả đời mẹ khóc

Pháp luậtThứ Ba, 14/12/2010 02:15:00 +07:00

Bà Tường (56 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) ngồi co ro trong khán phòng TAND TP.Hà Nội, chăm chú lắng nghe vị công tố luận tội con trai mình...

Sau tất cả những tội lỗi do con cái gây ra, những bà mẹ của các bị cáo là phải gánh chịu tất cả những nỗi đớn đau, bất hạnh…

1. Bà Vũ Thị Tường (56 tuổi, ở tiểu khu Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội) ngồi co ro trong khán phòng TAND TP.Hà Nội, chăm chú lắng nghe vị công tố luận tội con trai mình là Phùng Văn Trình phạm tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Bà mẹ tội nghiệp đưa khăn tay chấm nước mắt, kể rằng Trình là con trai út, cũng là đứa yếu ớt, chậm chạp, không được thông minh lanh lợi như anh chị nó.

Bà Ngữ, mẹ bị cáo Khoa. 

Học chưa hết lớp 7, do nhận thức kém nên Trình phải nghỉ ở nhà. Thương con, bà Tường xin cho Trình vào giúp việc cho một ngôi chùa ở phường Thượng Thanh (quận Long Biên), với mong ước con trai sẽ may mắn vì được nương nhờ cửa Phật. Không ngờ, giúp việc ở chùa chưa lâu Trình đã phạm vào tội ác.
 
Do Trình phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nên bà Tường phải lãnh trách nhiệm giám hộ cho con tại phiên tòa. Trước đó, Trình cũng bị đưa ra trước vành móng ngựa về các tội danh trên nhưng bà Tường đã xin hoãn để đề nghị cho Trình được đi giám định tâm thần.

Vụ án xảy ra từ ngày 26/8/2009, hôm đó chị Tâm (29 tuổi, ở phường Đức Giang, quận Long Biên) cùng bạn tới chùa cúng bái. Trong lúc chị bạn ra đốt vàng mã, chị Tâm đứng đợi và cầm hai chiếc túi xách. Thấy người phụ nữ đứng một mình cầm túi, Trình đã nảy sinh ý định cướp. Để thực hiện ý đồ, Trình giả vờ nhờ chị Tâm lên tầng hai của chùa để bê vàng mã xuống nhà đốt.
 
Tưởng thật, người phụ nữ cầm cả hai chiếc túi xách đi theo gã. Khi chị này bê khay đồ, Trình đứng phía sau siết cổ và vật ngã nạn nhân ra nền nhà. Chị Tâm cố giãy giụa và kêu to “cứu tôi với” liền bị Trình đấm túi bụi vào mặt, ngất xỉu. Sau đó, hắn còn tiếp tục bóp cổ đến khi nạn nhân không động đậy. Lúc này, Trình nảy sinh ý định hiếp dâm nên đã cởi hết quần áo của chị Tâm và vứt vào một góc nhà.
 
Đang lúc sờ soạng khắp người, nạn nhân chợt tỉnh và có những phản kháng. Hoảng hốt, Trình đấm và bóp cổ chị Tâm. Tưởng chị này đã chết, hắn kéo nạn nhân lên tầng ba giấu. Nhưng khi đến giữa cầu thang, sợ có người phát hiện, Trình đành giấu chị này ở khu để vàng mã. Quần áo, guốc và hai chiếc túi xách, gã cho vào túi ni lông, buộc thêm một viên gạch rồi vứt xuống ao gần chùa.
 
Dự định của hắn là sẽ quay lại lấy sau khi bỏ trốn về quê. Chị Tâm được mọi người phát hiện và đưa đi cấp cứu nên thoát chết. Nạn nhân yêu cầu xử lý nghiêm Trình theo pháp luật và đề nghị bị cáo phải bồi thường gần 30 triệu đồng chữa trị, tổn thất tinh thần.
 
Bà Tường ngồi nghe toàn bộ lời con trai khai nhận mà trong lòng quặn thắt nỗi đau. Trình là đứa con trai út, cũng là đứa con mà bà thương nhiều nhất. Chồng có tiền sử bệnh tâm thần, nên một mình bà phải lặn lội nuôi các con ăn học, cáng đáng kinh tế gia đình. Khi Trình gây án và trở về thú nhận với mẹ, bà nghe như chết đứng cả người. Bà khóc ròng suốt một đêm, sau đó một mình đưa con ra đầu thú nhưng vẫn phải giấu diếm chuyện con phạm trọng tội, kẻo người chồng biết bệnh lại thêm trầm trọng.
 
Khi được Hội đồng xét xử cho phát biểu, bà Tường đựơc dịp trình bày về gia cảnh và tâm trạng của mình, mong Tòa mở lượng khoan hồng để Trình có cơ hội làm lại cuộc đời. Giờ nghị án, hai mẹ con được chuyện trò ít phút. Bà dặn con cải tạo tốt để hưởng ân xá của pháp luật. Sở dĩ bà đến một mình vì đến giờ vẫn giấu chồng việc Trình phạm tội. Khi nghe Tòa tuyên án Trình mức án 12 năm tù tội “Giết người”, 2 năm tội “Cướp tài sản”, tổng hợp 14 năm tù, bà sụt sùi nhỏ lệ. Vậy là ngày đoàn tụ của mẹ con bà sẽ rất xa...

2. Hình ảnh bà Tường trong phiên tòa hôm ấy khiến người ta nhớ tới bà Trần Thị Ngữ (60 tuổi, ở xã Ngọc Châu, Tân Yên, Bắc Giang) - mẹ bị cáo Nguyễn Lương Khoa phạm tội giết vợ trong một vụ án đã được TAND TP.Hà Nội xét xử vài tháng trước. Cuộc đời bà Ngữ vốn đã đong đầy nước mắt, giờ lại phải nuôi cháu mồ côi do con trai phạm vào tội ác tày trời.

Mẹ con bà Tường được gặp nhau trong phiên tòa. 

Gia đình bà Ngữ thuộc diện hộ nghèo, ông Ngữ bị nhiễm chất độc da cam trong thời gian đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Đến năm 1990, ông Ngữ qua đời vì di chứng bệnh tật hành hạ. Cũng từ đó, bà Ngữ ở vậy, mẹ con góa bụa rau cháo nuôi nhau.
 
Ông bà sinh được năm người con, hai đứa đầu bị nhiễm chất độc sớm chết yểu, đứa con trai út thì bị bại liệt chỉ nằm một chỗ. Khoa là con thứ ba, nhưng cũng là chỗ dựa, niềm hy vọng duy nhất của bà. Khoa có dáng người nhỏ thó, thể trạng yếu ớt, học kém, nhận thức hạn chế nhưng bản tính hiền lành, cục tính. Năm Khoa 25 tuổi, bà Ngữ cưới hỏi cho Khoa một cô gái cùng thôn - đó là chị Trần Thị Hoa (nạn nhân của vụ án).
 
Cưới đầu năm, cuối năm bà Ngữ có cháu bồng, là bé Bi. Bà khấp khởi hy vọng vợ chồng Khoa - Hoa sẽ hòa thuận, ăn nên làm ra, nuôi dạy bé Bi nên người. Nào ai ngờ, Khoa ghen tuông vô lối, thường xuyên đánh đập vợ khiến chị Hoa đã phải đưa đơn ly hôn nhưng Khoa không ký. Chán nản, chị Hoa bỏ xuống Hà Nội làm thuê cho người quen ở quận Hà Đông.
 
Khi bé Bi ốm sốt, Khoa gọi điện cho vợ về chăm sóc con trai nhưng chị Hoa nhất định không về. Cho rằng vợ mình đã có người đàn ông khác, Khoa rắp tâm thủ dao xuống tìm vợ về. Thấy vợ không chịu về, nhát dao oan nghiệt trên tay Khoa đã vung lên, khiến con trai tội nghiệp mồ côi mẹ khi mới vừa 2 tuổi, còn bản thân Khoa thì phải lãnh án 20 năm tù về tội “Giết người”.
 
Thành án, Khoa vào trại cải tạo thụ án 20 năm tù nhưng với bà Ngữ, nỗi đau đó không dễ nguôi ngoai. Trước đó, quá căm hận trước cái chết oan uổng của con gái, gia đình chị Hoa đã đề nghị tăng án tử hình đối với Khoa. Họ còn xin được giành quyền nuôi cháu trai mồ côi, vì hiện cháu bé vẫn do bà Ngữ đang nuôi dưỡng. Bà Ngữ kể ra tất cả những câu chuyện ấy trong làn nước mắt, những mong nhận được sự cảm thông, được vợi bớt nỗi đau.
 
Rồi bà cảm động bùi ngùi cho hay, rất may Tòa án đã cân nhắc và vẫn để cháu bé tiếp tục ở với bà Ngữ. Quyết định sáng suốt nhân văn, thấu tình đạt lý đó không chỉ tránh những xáo trộn, sang chấn tâm lý cho cháu bé mồ côi mà còn an ủi động viên rất nhiều cho cuộc đời vốn đã phải gánh chịu quá nhiều bất hạnh của người mẹ, người bà bất hạnh.

Theo Pháp luật Việt Nam
Bình luận
vtcnews.vn