Một năm ngày mất thi sĩ Hoàng Cầm: “Mắt thời gian” xanh

Tổng hợpThứ Bảy, 23/04/2011 12:12:00 +07:00

(VTC News) - Đã gần một năm kể từ ngày thi sĩ của Lá diêu bông Hoàng Cầm nhẹ bước vào cõi thiên thu, để lại nỗi buồn nhớ vương vấn chốn nhân gian...

(VCT News) - Đã gần một năm kể từ ngày thi sĩ của Lá diêu bông Hoàng Cầm nhẹ bước vào cõi thiên thu, để lại nỗi buồn nhớ vương vấn chốn nhân gian. Cả một đời chịu nhiều cay đắng, oan khuất, lúc ra đi, liệu một giá trị người – một giá trị thơ đích thực có được trả về đúng nghĩa?

Sự kiện ra mắt tuyển tập tổng hợp thơ và đời Hoàng Cầm có tên Mắt thời gian sáng 22/4 tại Hội Nhà văn Hà Nội đã trả lời cho câu hỏi đó.

Lễ ra mắt tuyển tập thơ Mắt thời gian và cũng là buổi tọa đàm về thơ và đời Hoàng Cầm được tổ chức nhân ngày giỗ đầu của nhà thơ (6/5/2010-6/5/2011).

Mắt thời gian - Tuyển tập vừa ra mắt về thơ và đời Hoàng Cầm 

Tập thơ có độ dày 600 trang là một nén tâm nhang gửi tới người thơ tài hoa Kinh Bắc. Tuyển tập quy tụ những thi phẩm quan trọng nhất, cốt yếu nhất trong sự nghiệp sáng tác của thi sĩ Lá diêu bông, tập hợp nhiều di cảo, thủ bút của cố nhà thơ đa tài.

Bìa cuốnMắt thời gian 
Cũng trong không gian đầy chất thơ, chất nhạc ấy là triển lãm nhiếp ảnh trưng bày 22 bức chân dung cố thi sĩ Hoàng Cầm do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Đình Toán chụp trong vòng 20 năm ở nhiều thời điểm, nhiều địa danh khác nhau. Con số 22 cũng là để kỷ niệm ngày và năm sinh của tác giả Bên kia sông Đuống (22/02/1922). Mỗi bức ảnh là một chân dung hiện thực độc đáo về một tâm hồn, một trí tuệ và một nhân cách thơ bền bỉ. 22 bức ảnh độc là 22 cuộc đối thoại và còn nhiều hơn thế. Người ta ngắm tranh mà nhớ đến "chàng" thơ tài hoa, đa tài của vùng Kinh Bắc ngày nào, đa tình đấy, hào hoa đấy mà lại đầy suy tư, trầm mặc, có cái gì như chênh vênh, có cái gì như khờ dại…

Một bức ảnh chân dung Hoàng Cầm hút thuốc lào do nghệ sỹ nhiếp ảnh
 Nguyễn Đình Toán chụp.
 

Tham dự buổi lễ công bố tuyển tập Mắt thời gian còn có nhiều tên tuổi trong giới văn nghệ như: nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Dương Tường, Hoàng Hưng, NSƯT, đạo diễn Anh Tú - người dàn dựng thành công vở kịch thơ kinh điển Kiều Loan do cố thi sĩ Hoàng Cầm viết. Và đông đảo các thành viên trong gia đình cố nhà thơ cùng nhiều anh em bạn bè, văn nghệ sĩ khác.
 
Khi được hỏi cảm tưởng về tuyển tập thơ mới nhất của Hoàng Cầm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội bộc bạch: “Mắt thời gian là tuyển tập thơ phản ánh đầy đủ nhất, “chất” nhất về con người và sự nghiệp nhà thơ Hoàng Cầm. Người yêu thơ sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về ông. Đây là cuốn đầu tiên được tuyển chọn theo nhiều thể loại, có thơ lẻ, thơ dài, có trường ca, có truyện thơ, có cả kịch thơ… Điều này thể hiện được tâm hồn đa dạng, sự sáng tạo đa dạng của ông. Tập thơ in đẹp từ bìa cho đến giấy. Đặc biệt là các bút tích của Hoàng Cầm cũng được in trong tuyển tập này, người đọc sẽ có một khối tư liệu để nghiên cứu Hoàng Cầm. Qua đây, những nhà chiêm tinh học khi xem nét chữ, xem chữ kí có thể nói thêm được nhiều điều về ông”.

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. 

Nhà thơ Hoàng Hưng, người bạn thơ vong niên thân thiết của cố thi sĩ nhận định: “Có lẽ đây là dịp để sau những tràng vỗ tay ồn ào cũng như những vòng hoa thương tiếc, cả sau khi những ân oán thời cuộc chi phối sự nhìn nhận tác giả và tác phẩm đã lùi xa vừa đủ, ta có điều kiện lắng xuống, tịnh tâm để nhận diện con người và thơ Hoàng Cầm một cách thuần túy hơn”.

Xen lẫn trong buổi tọa đàm, ca sỹ Ý Lan ngân lên những giai điệu da diết của ca khúc Lá diêu bông do nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Hoàng Cầm. Những lời ca tròn đầy, trầm bổng khiến cả hội trường không khỏi ngậm ngùi, tiếc thương cho sự ra đi của thi sĩ tài hoa miền quê quan họ.

“Quả thật, hôm nay như có tất cả các anh Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng, Phan Khôi, Hữu Loan… cùng với anh Hoàng Cầm đã về hội tụ đây. Các anh là những người nghệ sĩ, những hiệp sĩ, những nhà thơ dũng cảm của thế kỷ 20. Nói về thơ và về con người Hoàng Cầm thì sách báo đã nói quá nhiều rồi. Qua tuyển tập Mắt thời gian, tôi chỉ tóm gọn trong một câu rằng: Thơ Hoàng Cầm trầm đầy một nỗi phương Đông. Mắt thời gian sẽ là con mắt nhìn xuyên thế kỷ, soi rọi cho nhiều thế hệ nhà thơ mai sau. Có lẽ nên đem thơ anh phổ thành những làn điệu quan họ mới của vùng Kinh Bắc để mọi người cùng hát và truyền tụng" - Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, người em, người bạn thơ thân thiết của nhà thơ Hoàng Cầm nói.

Lão thi sĩ gạo cội đầy cách tân - Dương Tường 

“Thơ là thế giới tâm linh, là tôn giáo của Hoàng Cầm, là tôn giáo, văn hóa của vùng đất Kinh Bắc. Đọc thơ anh là đọc văn hóa vùng Kinh Bắc. Thơ anh như cánh diều bay cao trên bầu trời Kinh Bắc, bàn tay nhà thơ níu giữ dây diều, đôi chân trần bước đi nhẹ nhàng trên làng quê quan họ. Thơ anh rất đỗi mơ mộng, đầy chất trí tuệ và thấm đẫm văn hóa phương Đông..." - Nhà thơ, nhạc sĩ của Làng Quan họ quê tôi Nguyễn Trọng Tạo, người bạn thơ tri kỉ của nhà thơ Hoàng Cầm chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán - hai người "bạn thơ" thân thiết của cố thi sĩLá diêu bông  

Còn đối với nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, người nghệ sĩ thầm lặng đồng hành cùng cố nhà thơ Hoàng Cầm và tinh ý "chộp” được những khoảng khắc quý giá của thi sĩ Về Kinh Bắc trong suốt 20 năm thì: “Trong con mắt của tôi, nhà thơ Hoàng Cầm là tất cả các bức ảnh được trưng bày hôm nay”. Ông nói và chỉ về phía những bức tranh đen trắng, ghi lại chân dung người nghệ sĩ có cốt cách giản dị, hồn nhiên, dịu dàng nhưng cũng đầy ưu tư.

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng với bộ sưu tập những bức ảnh quý về nhiều tên tuổi văn nghệ sỹ Việt Nam nói thêm: “Khi nói về Hoàng Cầm xin đừng nói là cố nhà thơ vì ông mãi mãi sống trong lòng tôi và trong lòng những người yêu thơ Việt”. Quả đúng vậy. Mắt thời gian, "đôi mắt thời gian miên man xanh" của người thơ Kinh Bắc sẽ còn xuyên thấu nhiều thế kỷ của Nàng Thơ bất tử!

Mời độc giả ngắm một số bức chân dung cố thi sĩ Hoàng Cầm đầy chất thơ dưới góc nhìn của nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán:

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Hoàng Cầm sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922, mất ngày 6 tháng 5 năm 2010. Ông được biết đến trong nhiều lĩnh vực, nhưng nổi tiếng nhất là thơ ca. Những tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông gồm: Trương Chi (xuất bản năm 1993), Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Kinh Bắc (thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Kiều Loan (kịch thơ, 1945), Mưa Thuận Thành (thơ, 1959), Lá Diêu Bông (thơ, 1993), Đến từ hư không (thơ, 2000)... Năm 2007, Hoàng Cầm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. 

 
Hoàng Nghĩa
Bình luận
vtcnews.vn