Mối liên hệ giữa cao huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch

FamilyThứ Ba, 03/01/2023 14:35:58 +07:00
(VTC News) -

Các nhà nghiên cứu cho biết sự kết hợp giữa tình trạng cao huyết áp và lượng cholesterol cao trong máu sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch ở người.

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Hypertension của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu cho biết người bệnh cao huyết áp và có lượng cholesterol trong máu cao có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn từ 18% - 20%.

Mối liên hệ giữa cholesterol và bệnh tim mạch

Các chuyên gia cho biết lipoprotein được tìm thấy trong cholesterol “xấu” LDL (Low density lipoprotein) đang trở thành trọng tâm trong việc đo lường sức khoẻ của hệ thống tim mạch. Lipoprotein được tạo thành từ chất béo và chất đạm trong cơ thể. Lipoprotein có thể lắng đọng và tính tụ trên thành mạch máu, làm tăng nguy cơ đau tim hay đột quỵ ở người.

Mối liên hệ giữa cao huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch - 1

LDL bám vào thành động mạch - Hình minh hoạ

Chuyên gia lưu ý người bệnh phải chú tâm đến hai loại lipoprotein có liên quan nhất tới sức khỏe tim mạch là LDL - cholesterol và HDL - cholesterol (High density lipoprotein). LDL hay còn gọi là lipoprotein tỷ trọng thấp sẽ mang cholesterol từ gan cung cấp đến các tế bào. Trong khi đó, HDL (lipoprotein tỷ trọng cao) sẽ có nhiệm vụ đưa lượng cholesterol dư thừa về gan để cất giữ. Vì vậy, các chuyên gia gọi LDL là cholesterol xấu, ngược lại HDL là cholesterol tốt.

Người có quá nhiều LDL trong máu sẽ gây ra sự tích tụ các mảng bám trên thành động mạch và dễ gặp tình trạng xơ vữa động mạch. Nồng độ LDL có trong máu càng cao sẽ càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Nguy cơ mắc các bệnh động mạch vành và tim mạch cũng sẽ tăng cao nếu người bệnh có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì hay lười vận động.

Người bệnh có nồng độ cholesterol trong máu cơ thường gặp các tình trạng đau thắt ngực hay thậm chí gặp tình trạng nhồi máu cơ tim do xơ vữa động mạch, tắc động mạch vành và thiếu máu cơ tim.

Cao huyết áp có thể dẫn đến tim mạch

Tăng huyết áp hay cao huyết áp có thể gây ra tình trạng tim co bóp mạnh gây áp lực lên thành mạch máu, từ đó dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch. Tình trạng tim co bóp mạnh nếu kéo dài sẽ khiến cơ tim làm việc quá sức dẫn đến dày thành cơ tim và thay đổi cấu trúc tim. Ngoài ra, tình trạng máu tác động dồn dập vào thành mạch do cơ tim co bóp mạnh sẽ khiến thành mạch mất dần tính đàn hồi dẫn đến khả năng tích tụ các mảng xơ vữa cholesterol.

Mối liên hệ giữa cao huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch - 2

Kiểm soát huyết áp hiệu quả giúp tránh nguy cơ mắc bệnh tim - Hình minh hoạ

Tất cả những biến đổi về cấu trúc tim nêu trên có thể gây hại đến tim một cách nghiêm trọng, lâu dần người bệnh cao huyết áp sẽ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Theo thống kê, 49% các trường hợp bệnh mạch vành và 62% ca đột quỵ có mức huyết áp tối thiểu là 115 mmHg.

Một số biến chứng tim mạch thường gặp do cao huyết áp gây ra là:

  • Rối loạn nhịp tim

  • Thiếu máu cục bộ

  • Suy tim

  • Ngưng tim đột ngột

  • Đột quỵ

  • Đau tim

  • Co thắt lồng ngực

Kiểm soát cholesterol để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kiểm soát lượng cholesterol máu là biện pháp quan trọng nhất đối với sức khỏe. Người bệnh nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo không tốt cho tim mạch như mỡ động vật, thịt đỏ, món ăn chiên xào, thức ăn chế biến sẵn, nội tạng động vật… Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh tim mạch không nên ăn quá 100mg mỡ mỗi ngày để tránh bệnh trở nặng thêm.

Một số thực phẩm dùng để kiểm soát cholesterol tốt chuyên gia khuyên dùng có thể kể đến như các loại dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng, đậu tương… Ngoài ra, người bệnh cũng nên sử dụng các loại thịt cá thay cho thịt đỏ, bổ sung nhiều loại trái cây và rau xanh, hạn chế ăn lòng đỏ trứng gà, mỡ và da các loại gia cầm.

Ngoài ra, để tăng khả năng kiểm soát lượng cholesterol trong máu hiệu quả hơn, bệnh nhân cũng cần phải kết hợp với chế độ luyện tập thể thao hàng ngày. Các bài tập như đi bộ, chạy xe, đạp xe, tập gym, yoga, bơi lội, thể dục nhịp điệu,... ở mức vừa phải và không quá gắng sức đều có lợi cho sức khỏe tim mạch. Tuỳ vào từng độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khoẻ mà người bệnh có thể điều chỉnh tần suất và cường độ luyện tập cho phù hợp. Trung bình nên tập ít nhất 30 - 45 phút/lần tập, tối thiểu 3 lần/tuần.

Phương pháp kiểm soát tăng huyết áp

Người bệnh tăng huyết áp cần phải cẩn thận khi sử dụng các loại thực phẩm hằng ngày, hạn chế sử dụng natri trong chế độ ăn uống. Ảnh hưởng của natri lên sức khoẻ của người bệnh cao huyết áp rất tiêu cực so với người bình thường. Người bệnh cao huyết áp chỉ cần giảm một lượng nhỏ natri trong chế độ ăn cũng có thể cảm thấy sức khỏe được cải thiện một cách bất ngờ.

Sử dụng rượu một cách khoa học không những không gây hại cho cơ thể mà còn đem đến một số lợi ích nhất định cho sức khỏe. Uống một ly rượu mỗi ngày có thể giảm huyết áp ở cẩm nam và nữ giới khoảng 4 mm Hg. Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không nên uống quá nhiều rượu, uống nhiều hơn một hoặc hai ly rượu có thể làm tăng huyết áp lên vài lần và làm giảm hiệu quả của các loại thuốc.

Mối liên hệ giữa cao huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch - 3

Thường xuyên tập luyện thể thao giúp cải thiện sức khỏe tim mạch - Hình minh hoạ

Cũng như phương pháp kiểm soát cholesterol trong máu, bệnh cao huyết áp cũng cần tập thể dục đều đặn và giảm sử dụng các loại chất béo có hại để giúp cải thiện tình trạng bệnh. Bệnh nhân nên sử dụng các loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo hoặc tách béo, các loại thực phẩm không có chất béo bão hoà để đạt được kết quả tối ưu nhất.

Để đề phòng các nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mọi người cần phải cẩn trong với các yếu tố có thể gây ra bệnh cao huyết áp và cholesterol cao. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, kiểm soát chế độ ăn hàng ngày và khám sức khỏe định kỳ để có thể bảo vệ sức khỏe một cách hiệu quả nhất.

Thanh Thiên
Bình luận
vtcnews.vn