Mở rộng hệ sinh thái thanh toán số tại Việt Nam

Chuyển đổi sốThứ Sáu, 03/11/2023 16:18:40 +07:00
(VTC News) -

Thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam, đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng cũng như các nhà cung cấp dịch vụ và tài chính.

Việt Nam đang trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới hình thành kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số. Trong công cuộc chuyển đổi số, một trong những nền tảng trụ cột, đóng vai trò quan trọng nhất để thúc đẩy chính là nền tảng thanh toán số.

Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ phê duyệt là một trong những hành lang pháp lý quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đề án sẽ là tiền đề góp phần mở rộng hệ sinh thái không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Hiện nay, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự thay đổi đáng kể khi kênh giao tiếp, cung ứng dịch vụ thanh toán của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đang dần được số hóa dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.

Vì thế, hướng tới hình thành hệ sinh thái thanh toán số với nhiều loại hình dịch vụ khác nhau là mục tiêu không chỉ ngành Ngân hàng mà của cả nền kinh tế.

Thanh toán số trở thành xu hướng phổ biến hiện nay của người dân.

Thanh toán số trở thành xu hướng phổ biến hiện nay của người dân.

Với hệ sinh thái thanh toán số, chỉ cần một thiết bị có kết nối mạng, người tiêu dùng dễ dàng thao tác, thực hiện nhiều loại hình dịch vụ khác nhau (về tài chính, ngân hàng, mua sắm hàng hóa, dịch vụ trực tuyến, thanh toán các hóa đơn điện, nước, nộp các khoản, phí, lệ phí...), không cần trực tiếp đến nơi giao dịch, cũng như không cần thực hiện các thủ tục giấy tờ phức tạp.

Bên cạnh đó, qua hệ sinh thái thanh toán số, các thông tin, lịch sử giao dịch của khách hàng cũng được lưu trữ, bảo mật.

Tại các ngân hàng, công ty công nghệ tài chính, ví điện tử… quá trình chuyển đổi số được ghi nhận khá mạnh mẽ với sự ra đời của nhiều sản phẩm, dịch vụ sáng tạo; đồng thời có sự liên kết với nhau để gia tăng trải nghiệm dịch vụ của khách hàng trong việc thanh toán không tiền mặt.

Nhiều ngân hàng tăng ưu đãi, liên kết dịch vụ với đối tác thứ ba, tạo nên hệ sinh thái số tiện ích gồm hàng trăm sản phẩm, dịch vụ, mang đến nhiều trải nghiệm liền mạch, toàn diện cho khách hàng.

Phần lớn các ngân hàng hiện nay đang mở rộng mạng lưới đối tác và tích hợp hàng trăm tiện ích thanh toán trên ngân hàng số như thanh toán hoá đơn điện, nước, viễn thông, thương mại điện tử, ví điện tử hay đặt vé máy bay, khách sạn…, đồng thời tiếp tục gia tăng các dịch vụ tài chính và phi tài chính nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng. 

Song song đó, khách hàng có thể tự trải nghiệm các giao dịch như: Gửi tiền tiết kiệm, mở tài khoản, thanh toán hóa đơn điện/nước, thanh toán thẻ, chuyển khoản 365+ không giới hạn thời gian/không gian, giao dịch và chuyển chứng từ tự động…

Theo thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối năm 2022, trên 77,41% người dân trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán bằng ngân hàng.

Trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng, qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng, qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng; qua QR Code tăng 124,15% về số lượng.

Việc mở tài khoản trực tuyến được thực hiện từ cuối tháng 3/2021. Tính đến tháng 6/2023 đã có gần 27 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử eKYC. Đang hoạt động 10,8 triệu thẻ lưu hành bằng phương thức eKYC.

Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 86% về số lượng giao dịch không dùng tiền mặt và 31% về giá trị giao dịch không dùng tiền mặt. Giao dịch điện tử không dùng tiền mặt đã phổ cập, được nhiều người dân sử dụng.

Sau giai đoạn dịch COVID-19 phải giữ khoảng cách, thanh toán không tiếp xúc thì thanh toán qua QR Code và thanh toán bằng thẻ đã trở nên phổ biến hơn. Đồng thời, hình thức thanh toán mua trước trả sau, thanh toán qua thẻ tín dụng cũng trở nên phổ cập. Internet và điện thoại thông minh phát triển đã thúc đẩy hình thức sử dụng điện thoại thanh toán ở Việt Nam.

Việt Nam có dân số hơn 1 triệu người là thị trường tiềm năng để phát triển. Trên thế giới có công nghệ và sản phẩm thanh toán nào thì ở Việt Nam cũng đã có. Sau giai đoạn COVID-19, sự ứng dụng và đổi mới về công nghệ diễn ra mạnh mẽ”, ông Hùng nhấn mạnh.

Các hình thức thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR Code hiện cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.

Thông tin tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo ngành tài chính: Đổi mới để tăng trưởng bền vững” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và JobHopin tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện nay có 96 ngân hàng và tổ chức tín dụng Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 92% ngân hàng đã phát triển các dịch vụ ứng dụng trên internet và mobile.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 55% về số lượng; qua kênh Internet là 76% về số lượng và 1,79% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng là 65% và 77%; qua phương thức QR Code tăng tương ứng là 152% và 301% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, giao dịch thực hiện qua phương thức ATM giảm 4% về số lượng và 6% về giá trị.

Trên 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng thông qua chuyển đổi số.

Trên 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng thông qua chuyển đổi số.

Ông Hùng cho rằng điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang thanh toán điện tử. Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông với thời gian giao dịch tính bằng giây, giá trị giao dịch qua ngân hàng tính trung bình lên tới 900.000 tỷ đồng, tương đương 40 tỷ USD, với khoảng hơn 8 triệu giao dịch một ngày.

Ngoài ra, trên 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng thông qua chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí doanh thu của các ngân hàng cũng giảm khoảng 30%, góp phần tiết giảm chi phí đáng kể cho hoạt động của ngân hàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng được Thủ tướng phê duyệt trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Thời gian qua, NHNN chủ động nghiên cứu ban hành, trình ban hành nhiều quy định phù hợp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật QR Code, thẻ chip, tăng cường chuẩn hoá tính liên thông trong ngành Ngân hàng, giữa ngành Ngân hàng với các lĩnh vực khác….

Đồng thời, các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số để có các sản phẩm an toàn, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đem lại lợi ích lớn cho khách hàng.

Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, những chính sách, quy định kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển các dịch vụ thanh toán số, biến thanh toán điện tử trở thành một phần quen thuộc, phổ biến trong xã hội, hoạt động hàng ngày của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng đề cập đến một vấn đề vẫn còn tồn tại hiện nay là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam còn phổ biến, đặc biệt khu vực nông thôn. Cùng với đó là mối lo ngại tính an toàn, bảo mật, tội phạm. 

Chính vì vậy, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực đưa ra một số gợi ý như cần xây dựng bộ tiêu chí đo lường chính xác tỷ lệ sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để có thể theo dõi và dễ đưa ra chính sách, giải pháp hiệu quả.

Đối với hoạt động fintech, bigtech, ví điện tử và mobile money nên đưa ra quy định quản lý hoạt động theo hướng mở, cần quy định về chữ ký số, phương thức xác thực khách hàng điện tử (e-KYC). Cần xây dựng cơ sở liên kết  giữa các ngân hàng, fintech, bigtech và chuỗi cửa hàng, trang thương mại điện tử…, đồng thời, quy định chuẩn hóa các nền tảng, tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo tính đồng bộ, chia sẻ.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia, tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của các định chế tài chính.

Hiền Yến
Bình luận
vtcnews.vn