Mẹo 'chữa bệnh' Honda LEAD bỗng dưng ngã, chết máy

XeThứ Tư, 09/05/2012 06:14:00 +07:00

(VTC News) – “Tự nhiên” chết máy, “bỗng dưng” bị ngã sau khi bóp phanh… là những hiện tượng mà nhiều chị em gặp phải khi đi xe Honda LEAD.

(VTC News) – “Tự nhiên” chết máy, “bỗng dưng” bị ngã sau khi bóp phanh… là những hiện tượng mà nhiều chị em gặp phải khi đi xe Honda LEAD. Vì sao lại có các hiện tượng này, do thiết kế xe hay lỗi của người sử dụng?

Xử lý hiện tượng đang đi “tự nhiên” hụt hơi rồi chết máy

Phản ánh với phóng viên VTC News, chị Thu Hiền ở Tam Trinh, Hoàng Mai cho biết sau vài tháng sử dụng, chiếc Honda LEAD mới đi hơn 8.000 km của chị cứ “tự nhiên” hụt hơi, chết máy giữa đường.

Chiếc Honda LEAD mới đi hơn 8.000 km của chị Thu Hiền đột nhiên bị hụt hơi và chết máy trong lúc vận hành. 

“Cứ vài ngày, xe đang đi tự nhiên, máy lịm dần, ga lên không được rồi tắt máy. Tôi phải dừng lại dắt bộ một lúc cho máy nguội rồi khởi động lại mới đi tiếp được. Nhưng có lúc khởi động mãi không được phải gọi thợ tới sửa.”

Hiện tượng này được không ít độc giả phản ánh, đặc biệt là các chị em khi vận hành xe Honda LEAD ở các khu phố đông đúc.

Lí giải về hiện tượng này, anh Vũ Văn Hưng, kỹ thuật trưởng của HEAD Kường Ngân, Nguyễn Lương Bằng cho rằng hiện tượng xe ga trong đó có xe Honda LEAD hụt hơi và chết máy có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do điều kiện đường xá đông đúc, xe thường xuyên phải di chuyển với ở tốc độ thấp khiến xăng xuống buồng đốt không được đốt hết, sinh ra muội bám ở xú páp.

Bên cạnh việc xe liên tục bị bóp phanh và đi ở tốc độ quá thấp (dưới 20km/h), thói quen tay phải kéo ga, tay trái bóp phanh của không ít người sử dụng, đặc biệt là chị em khiến lượng xăng thừa không đốt hết trong động cơ càng lớn làm tăng lượng bụi và muội bám ở bề mặt xú pháp, khiến xe bị mất hơi và dễ chết máy.

Để giải quyết hiện tượng trên, người sử dụng được khuyên là nên mang xe ra cửa hàng để làm sạch muội bám xung quanh buồng đốt. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng nên chú ý thay đổi thói quen vừa tăng ga và bóp phanh.

Ngoài ra, thỉnh thoảng người sử dụng nên chống xe bằng chân chống giữa, rồi nổ máy một lúc cho động cơ đốt hết lượng xăng thừa trong buồng đốt. Việc kiểm tra và lau sạch bugi sau một thời gian sử dụng cũng được cho là cần thiết để hạn chế hiện tượng xe chết máy.

Làm gì để không bị ngã sau khi bóp phanh xe Honda LEAD?

Hiện tượng “bỗng dưng” bị ngã sau khi bóp phanh xe Honda LEAD nói riêng và một số dòng xe ga bánh nhỏ nói chung được khá nhiều người sử dụng phản ánh.

Lí giải về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ và thương mại Sỹ Hùng chuyên sửa chữa, bảo dưỡng xe máy cho rằng ngoài những yếu tố khách quan như đường trơn, trời mưa… thói quen sử dụng chưa thật hợp lý của nhiều người chính là một trong những nguyên nhân quan trọng.

Các dòng xe ga bánh nhỏ như Honda LEAD thường được trang bị phanh đĩa có độ an toàn cao nhưng để không bị ngã, người sử dụng cần phải biết cách phanh. Khi đang đi ở tốc độ cao, muốn phanh cần giảm ga, đệm phanh sau rồi mới bóp phanh trước và tốt nhất nên bóp phanh trước theo kiểu bóp nháy. Tuyệt đối không nên chỉ bóp cứng phanh trước bởi xe rất dễ bị xoay ngang.

Nếu phanh quá nhạy, khẩu độ tay quá căng, người sử dụng có thể mang ra hàng để làm giảm lượng dầu cho đỡ căng vì khi khẩu độ tay quá căng, trong lúc sử dụng nếu bóp nhẹ khi hơi giật mình sẽ rất dễ ngã.

Bên cạnh đó, cần chú ý không nên cua xe với góc nghiêng lớn và không nên cua gập tay lái quá, việc vòng cua rộng hơn sẽ tăng độ an toàn cho bạn.







Bài và ảnh: Khánh Hòa

Bình luận
vtcnews.vn