Man Utd: Tạt nhiều để làm gì?

Thể thaoThứ Tư, 12/02/2014 08:30:00 +07:00

(VTC News) - Những đường câu bóng bổng vào vòng cấm từ lâu đã trở thành một xu thế thoái trào trong bóng đá, nhưng nó vẫn được David Moyes áp dụng “nhiệt tình”.

Cái lý của David Moyes
Rất nhiều người hâm mộ Quỷ đỏ đã tỏ ra bức xúc trước lối chơi khô cứng đến mức bảo thủ của Rooney và các đồng đội trong trận đấu với Fulham hôm Chủ nhật vừa qua. Họ đã tung ra 81 đường tạt bóng, con số cao nhất ở Premier League từ đầu giải tới giờ, nhưng chỉ có 18 trong số đó là thành công, và càng đau đớn hơn khi 2 bàn thắng mà MU có được lại đều không xuất phát từ những pha tạt bóng.

Quá nhiều đường tạt bóng không hiệu quả của MU trong trận gặp Fulham.

Sự chỉ trích đổ đồn vào HLV David Moyes, người vẫn bị coi là thiếu cá tính và tài năng để ngồi vào chiếc ghế nóng mà người đồng hương Alex Ferguson để lại. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ sẽ thấy vị chiến lược gia người Scotland cũng có lý do của riêng mình để chỉ đạo các học trò triển khai lối đá quá thiên về tạt cánh như vậy.
Bóng đá Anh từ trước tới nay, với sự thịnh hành của sơ đồ 4-4-2, vốn được biết đến với lối chơi dựa nhiều vào những pha tạt cánh đánh đầu, và Manchester United cũng không phải là một ngoại lệ. Dưới triều đại của Sir Alex trước đây, Quỷ đỏ luôn sở hữu những cầu thủ chạy cánh rất chất lượng như Kanchelskis, Beckham, Giggs hay Ronaldo. Và sự thật là chính họ đã đóng góp không nhỏ vào thành công của MU trong những năm vừa qua.

MU dưới thời Alex Ferguon từng là một đội bóng rất mạnh về đánh biên.

Theo thống kê ở mùa giải 2011/2012 mà MU giành ngôi á quân, cứ trung bình sau 43,69 đường tạt bóng sống là các học trò của Sir Alex có thêm được một bàn thắng, bỏ xa Man City, Chelsea và là tỷ lệ cao nhất trong số các đội ở Premier League.
Khi tiếp quản ghế HLV trưởng MU, có vẻ như David Moyes đã cố gắng duy trì lối chơi truyền thống ấy của Quỷ đỏ, nhất là khi trong tay ông có những cầu thủ chạy cánh không tồi (trên lý thuyết) như Valencia, Evra, Young hay ngôi sao trẻ Januzaj.
Việc mang về sân Old Trafford tân binh Fellaini từ Everton lại càng chứng tỏ cho triết lý ấy, khi cầu thủ người Bỉ được coi là chuyên gia chơi bóng bổng hàng đầu ở Premier League.
Riêng ở mùa giải trước, Fellaini có 151 lần không chiến thành công, cao hơn cả bộ đôi trung vệ Ferdinand và Vidic của MU cộng lại. Rất nhiều bàn thắng của Everton, khi còn dưới sự dẫn dắt của Moyes, đã diễn ra theo một kịch bản đơn giản: bóng được phất từ dưới hoặc từ bên cánh vào cái đầu của Fellaini, để anh này dứt điểm hoặc làm tường cho đồng đội ghi bàn.
Xu thế không thể cưỡng lại
Bóng đá hiện đã đã có rất nhiều thay đổi so với trước kia, và một trong số đó chính là sự thoái trào của những cầu thủ chạy cánh “cổ điển”.
Khi mà việc kiểm soát bóng được đề cao (mà Barcelona là tiêu biểu), những tiền vệ cánh có xu hướng bó vào trong và di chuyển rộng hơn để phối hợp với đồng đội, hơn là việc chỉ đơn thuần bứt tốc độ và tạt vào trong như trước kia.

Những tiền vệ cánh cổ điển như Downing rất khó có chỗ đứng trong bóng đá hiện đại.

Ngay cả các tiền đạo cắm cũng thay đổi rất nhiều. Thay vì trọng dụng những trung phong cao to, tì đè và đánh đầu tốt (như Jan Koller), các HLV ưa chuộng những mẫu tiền đạo “biết” sử dụng đôi chân của mình một cách khôn khéo hơn.
Theo thống kê, 1/3 số bàn thắng của World Cup 1986 đến từ những quả treo bóng bổng, nhưng con số đó trong 4 mùa giải gần đây ở giải Ngoại hạng Anh (giải đấu “chuộng” tạt cánh đánh đầu nhất thế giới) lại chỉ còn xấp xỉ 23%.
Xét dưới góc độ khoa học, xu hướng bỏ “tạt cánh” của các HLV là hoàn toàn phù hợp. Một nghiên cứu của Jan Vecer cho thấy rằng trung bình một đội bóng sẽ mất tới hơn 91 quả tạt bóng sống mới ghi được một bàn.
Và cứ cho những quả tạt tìm được đến đúng vị trí cần thiết, thì cũng chưa chắc là bàn thắng sẽ tới. Thống kê chỉ ra rằng chỉ có 10% những quả đánh đầu ở khoảng cách 8m thành bàn, và tỷ lệ giảm xuống còn một nửa nếu khoảng cách là 10m.

Hiệu quả từ những pha tạt bóng và đánh đầu ghi bàn thường là không cao.

Thực tế đã cho thấy việc đi ngược lại xu hướng của bóng đá sẽ mang lại những hệ quả tệ hại. Một HLV nổi tiếng bảo thủ như Sam allardyce, kết hợp với mẫu tiền vệ cánh cổ điển như Downing và mẫu tiền đạo cao to đánh đầu tốt nhưng vụng về như Andy Carroll đã tạo ra một West Ham kém cỏi như hiện tại (xếp thứ 15 trên BXH).
Và nếu David Moyes cũng nối gót theo sai lầm ấy, các CĐV MU sẽ còn phải chịu đựng nhiều nỗi đau tương tự trận hòa Fulham nữa, mà trước mắt là trận đấu với Arsenal vào đêm nay.
Bình luận
vtcnews.vn