Man City du đấu Việt Nam: Qua cơn sốt ảo

Thể thaoThứ Năm, 30/07/2015 03:01:00 +07:00

Rốt cuộc thì tại sao công chúng lại quay ra tranh cãi chỉ vì chuyện cười hay mếu của mấy “ông Tây” đá bóng? Chỉ tại bóng đá mới ra “nông nỗi” này!

Rốt cuộc thì tại sao công chúng lại quay ra tranh cãi chỉ vì chuyện cười hay mếu của mấy “ông Tây” đá bóng? Chỉ tại bóng đá mới ra “nông nỗi” này! Chỉ tại bóng đá mà CĐV mới biến các tụ điểm giao lưu thành những đội quân hỗn loạn.

Yêu và hiếu kì

Chỉ toàn người lớn “bâu” vào thần tượng. Sau màn tặng quà đã có trong kịch bản thì các cầu thủ Man City cũng chỉ tham gia tô màu chừng vài phút lấy lệ,rồi lên xe ra về. Lúc đi, người lớn bám theo. Lúc về, người lớn đuổi theo. Các em nhỏ thì ngồi một chỗ và nhìn những bậc anh, chị, cô, chú… đang “phát cuồng” lên vì thần tượng.
Jesus Navas
 Jesus Navas tham gia vẽ tranh ở làng trẻ em SOS (Ảnh: Quang Minh)
Buổi giao lưu cùng giờ sáng 26/7 ở Đại học quốc gia Hà Nội cũng đã khiến lực lượng bảo vệ, vệ sĩ có một phen nhớ đời. Văn hóa xếp hàng trở thành xa xỉ, khi hàng rào người mỏng manh ban đầu chỉ được nghiêm ngắn lúc xe chở cầu thủ Man City… chưa đến. Họ đến rồi, cũng không thể vào hội trường, vì những hàng rào người ấy bâu lại họ, chặn đường đi của họ.

Xe chở cầu thủ “rón rén” đi vào rồi lại quay ra cổng. Phải cần đến quát, mắng, chửi, xô, đẩy và cả… dùi cui điện, thì những Gael Clichy, Bacary Sagna, Willy Caballero… mới “dám” lầm lũi tiến vào hội trường. Khuôn mặt căng thẳng, họ đi giữa hai hàng người đang hò hét, cũng khá giống cảnh… dẫn giải tội phạm!

Nhưng khó trách các CĐV: Hâm mộ thần tượng chẳng phải việc xấu xa. Cảnh cuồng nhiệt ấy còn thua xa những fan cuồng K-Pop lũ lượt chạy theo xe ô tô và khóc lóc. Những nước được xem là văn minh hơn chúng ta như Hong Kong chẳng hạn, cũng chẳng thoát nổi việc đó khi đón sao Hàn. Năm 2013, một buổi giao lưu với David Beckham ở Thượng Hải (Trung Quốc) phải hủy bỏ vì người hâm mộ giẫm đạp lên nhau; hàng rào an ninh bị phá vỡ và nhân viên bảo vệ đầy máu me phải đi cấp cứu.
Cầu thủ Man City đến giao lưu tại ĐHQG
 Cầu thủ Man City đến giao lưu tại ĐHQG (Ảnh: Hà Thành)
Cũng không thể trách nhà tài trợ đã thiếu cẩn trọng: Việt Nam chỉ là điểm dừng chân bất chợt khi điểm đến ban đầu Indonesia của Manchester City gặp trục trặc. Khó đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ càng hơn cho một sự kiện quá bất ngờ, mà một số cho rằng nhà tổ chức đã chịu lỗ, để đưa đội bóng Anh tới đây.

Manchester City có tham vọng gì cao xa ở một đất nước mà Hội CĐV chính thức chỉ được thành lập vài ngày trước khi họ tới, với số lượng ban đầu ước tính 7.000 người? Vậy thì, chung quy cũng chỉ tại bóng đá! Vì quá yêu, hoặc nếu không yêu thì là vì quá hiếu kì, những CĐV ấy mới muốn được xem ngoài đời cầu thủ này, ngôi sao kia có… giống trên T.V không?

Có thể chính vì quá ít fan trung thành ở Việt Nam mà mới có cảnh cầu thủ Man City bị “phóng viên” bám theo khách sạn, và bị yêu cầu “Hãy nói yêu Việt Nam đi”. Họ không đáp ứng hành vi thiếu lịch sự ấy; không cười trong cái nóng mà Daily Mail mô tả là “phát ớn” ở Hà Nội, mà bị quy kết là… “sang chảnh”.

Nếu là CĐV thực thụ, có lẽ sẽ ít hơn sự nghi kị ấy: Đã là hâm mộ thật sự thì sẽ không có chuyện trách móc nhau chỉ vì một nụ cười. Đó cũng là bằng chứng cho thấy cái “đen” của những nhà tổ chức, khi họ có thể đã không lường trước được quá nhiều vấn đề trong lần mời Man City sang du đấu này: Các phát sinh trong khâu tổ chức, sự “khó tính” của khán giả Việt lẫn những chấn thương quá bất ngờ của các trụ cột Man xanh. Trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa, ông bầu Đỗ Quang Hiển nói “thật sự cảm thấy mệt mỏi”.

Ngày hội của truyền thông và… dân phe vé

Chuyến du đấu sau cùng trở thành cơ hội của truyền thông. Báo lớn, báo nhỏ, báo in, báo điện tử, báo hình, báo thể thao, báo có chuyên trang thể thao… lao vào đưa tin. Sự kiện dường như được cố gắng thổi lên hết mức có thể vì ai cũng biết Man City là một thương hiệu lớn ở nước ngoài. Nhưng những ấn tượng về Arsenal 2 năm trước, với sự kiện tiêu biểu là “Running man” Vũ Xuân Tiến chạy theo xe chở cầu thủ Arsenal, đã không thể tái diễn.
Cảnh chen lấn xô đẩy ngày mở bán vé
 Cảnh chen lấn xô đẩy ngày mở bán vé tại Mỹ Đình (Ảnh: Hà Thành)
Man City mệt mỏi sau quãng đường du đấu quá dài. Họ nghiêm túc kể cả khi giao lưu lẫn khi đá bóng. HLV Manuel Pellegrini cảnh giác tối đa trước truyền thông Việt Nam dù báo chí nước ngoài mô tả ông là người rất biết cách tận hưởng cuộc sống, yêu văn học và thậm chí hơi “điên rồ”.

Cũng có “Running man” chạy theo xe chở cầu thủ Man City cả chục cây số (Vũ Xuân Tiến chạy “chỉ”8 km) nhưng “Running man” này không mặc áo Man City mà lại mặc áo… Bayern Munich, và do đó không được mời lên xe. Quá “đen” cho “Running man”, Man City không xem trọng khâu truyền thông ở chuyến du đấu lần này, khiến anh lẫn báo chí Việt Nam hớ nặng, và có phần ảo tưởng về tầm vóc của sự kiện.

Một bộ phận khác cũng ảo tưởng không kém là… dân phe vé. Cho dù cảnh tượng toàn người là người trước cửa sân Mỹ Đình như lần bán vé xem trận Việt Nam – Arsenal năm 2013 không lặp lại, nhưng dân phe vé cũng đã rất “nỗ lực” xô đẩy để mua vé từ buổi sáng ngày 19/7. Vài ngày sau, VFF bán vé thêm đợt nữa ở sân Mỹ Đình và phố Hoàng Cầu. Vài ngày sau nữa, một nhân viên bị Công an Quận Nam Từ Liêm bắt vì tuồn 600 vé ra ngoài. Sát giờ thi đấu, những chiếc vé mệnh giá 1,5 hay 1,8 triệu VNĐ chỉ còn được bán tống bán tháo với giá 100-200 ngàn VNĐ.

Khi trận Việt Nam – Man City đi đến hết hiệp 1, người viết chứng kiến hàng trăm CĐV vẫn tập trung ngoài sân Mỹ Đình, xô đẩy các cửa vào, nhặt lại những chiếc… cuống vé để được mong vào sân xem nốt những phút ngắn ngủi còn lại.

Thôi thì lại đổ lỗi cho bóng đá tiếp! Chỉ có bóng đá mới mang lại những phút thần thờ như thế và một cơn sốt thế này, dù lần này là sốt hơi “ảo”, do những vị khách Man City đậm chất phớt Ăng-lê quá. Tạm biệt và cảm ơn “Man xanh”! Bóng đá Việt Nam chờ “Man đỏ”!

Nguồn: Thể thao Văn hóa

Bình luận
vtcnews.vn