‘Ma trận’ bán hàng thời trang giảm giá: Cẩn thận để không mua bực vào mình

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Năm, 30/12/2021 09:49:00 +07:00
(VTC News) -

Có không ít chương trình “giảm giá ảo” mà nếu người tiêu dùng không tỉnh táo sẽ rất dễ mua bực vào mình.

Thời điểm cuối năm, hàng loạt các cửa hàng thời trang lại mở “cuộc đua” sale siêu ưu đãi để kích cầu đồng thời giải quyết lượng hàng tồn đọng trong năm. Đặc biệt, nhiều sàn còn tung ra mức ưu đãi “khủng” lên đến 80-90%. Tuy nhiên khách hàng có thực sự mua được giá “hời” khi “săn hàng sale” vào dịp này?

‘Ma trận’ bán hàng thời trang giảm giá: Cẩn thận để không mua bực vào mình - 1

Các cửa hàng thời trang sale khủng thu hút lượng khách hàng lớn.

“Sale sập sàn - khuyến mại -khủng” thực chất là có thật?

Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này từ chợ truyền thống đến cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại trên địa bàn TP Hà Nội, các cửa hàng thời trang đã và đang treo những banner “Giảm giá từ 30%-80% tất cả các mặt hàng”, “Đồng giá 99k, 199k, 299k” để thu hút khách mua hàng.

Chưa cần biết hàng hóa đó xuất xứ từ đâu, giá cả thị trường như thế nào, chỉ cần được dán mác “Sale off”, “giảm giá” thì từ các các cửa hàng truyền thống đến online đều thu hút được một lượng khách mua hàng lớn.

Theo lý giải của một số chủ cửa hàng thời trang tại quận Cầu Giấy cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc tiêu thụ, kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng nên phải giảm giá để thu hút khách hàng.

Tuy cửa hàng nào cũng được treo biển khuyến mại, nhưng nếu không để ý kỹ, chắc chắn khách hàng sẽ khó phân biệt giá đang áp dụng cho loại sản phẩm nào.

Chị Trần Ngọc Huyền (29 tuổi, quận Cầu Giấy) - khách mua hàng cho biết: Những con số sale 50-70-80% hay đến 90% được in to, rõ nhất ở trước các cửa hàng luôn hấp dẫn đối với người mua sắm. Tuy nhiên, khi bước vào cửa hàng thì nhân viên lại nói chỉ sale 50-80% một số mặt hàng, và hầu hết là hàng tồn, hàng mẫu cũ còn mẫu mới chỉ được sale 10-20% hoặc thậm chí không hề giảm giá. 

Thủ thuật ở đây là hai chữ “lên đến” được in rất nhỏ bên cạnh những con số giảm giá mạnh “gây choáng” mắt người nhìn vào. Các doanh nghiệp, cửa hàng đánh vào lòng ham rẻ, giảm giá có chọn lọc một cách tinh vi.

Ở góc độ của khách mua hàng trực tiếp, “ma trận” sale “khủng” này còn xảy ra một tình trạng phổ biến nhất là hàng hóa bị xé mác, thổi giá... 

Đơn cử, một chiếc áo ngày thường giá 400.000 đồng được nâng lên với giá 700.000 đồng vào ngày giảm giá rồi lại giảm 40% thì khách hàng sẽ vẫn phải mua chiếc áo đó với giá ban đầu, không ít trường hợp còn phải mua đắt hơn so với giá cũ. 

Chị Nguyễn Hải Minh (32 tuổi, quận Đống Đa) cho biết: “Tôi thích chiếc áo đó lâu rồi chờ đến ngày sale để mua với giá tốt hơn thì chỉ 3 ngày sau tôi bắt gặp một chiếc y hệt mà giá chỉ bằng một nửa so với chiếc chị đã mua với giá sale”. 

Tiếp theo, nhiều cửa hàng vì lợi ích cá nhân còn nhập hàng kém chất lượng, loại 2-3 về trộn vào với hàng chính hãng, hàng loại 1 để nhằm qua mắt người tiêu dùng. 

Hàng tồn kho, mẫu cũ, mẫu lỗi cũng là những mặt hàng được “bán tống bán tháo” một cách dễ dàng vào dịp cuối năm chỉ vì một lý do rẻ hơn ngày thường. Nhưng so với chất lượng mặt hàng bỏ tiền ra để nhận về thì có thực sự là rẻ không? 

Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo xem xét sản phẩm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Đồng thời, thông báo cho Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh khi thấy dấu hiệu vi phạm trong khuyến mãi; yêu cầu giải quyết, bồi thường thiệt hại khi phát hiện quyền lợi của mình bị xâm hại.

‘Ma trận’ bán hàng thời trang giảm giá: Cẩn thận để không mua bực vào mình - 2

Khách hàng cần lựa chọn địa chỉ uy tín để mua hàng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng dưới danh nghĩa giảm giá, khuyến mãi.

Sale off quần áo ngày Tết: Cần cảnh giác

Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, chưa khi nào các chương trình khuyến mãi, giảm giá diễn ra rầm rộ, liên tục như hiện nay. Mặc dù được quảng cáo là giảm giá sập sàn, giảm giá sâu nhưng chưa chắc người tiêu dùng đã được hưởng lợi. 

Bởi thực chất, không ít doanh nghiệp sử dụng chiêu trò đẩy giá lên cao 70% - 80% rồi giảm giá 30% - 50% thì người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt. Do vậy, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác trong việc lựa chọn các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng khi mua bán sản phẩm hàng hóa.

Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, để ngăn chặn hiện tượng này đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường, các Sở Công Thương địa phương thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp, cửa hàng tổ chức chương trình khuyến mại. 

Trong đó tập trung vào việc kiểm tra doanh nghiệp có đăng ký chương trình khuyến mại, giảm giá với cơ quan quản lý hay chưa. Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát xuất xứ hàng hóa khuyến mại, qua đó để đảm bảo không để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ lợi dụng chương trình khuyến mại để tiêu thụ.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để hoạt động khuyến mại đi vào nền nếp, Sở sẽ tăng cường công tác theo dõi, giám sát hoạt động khuyến mại trên địa bàn; tích cực hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, thông báo đăng ký thực hiện khuyến mại của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; thực hiện đăng tải đầy đủ thông tin về thời gian, hình thức khuyến mại, sản phẩm khuyến mại và số lượng sản phẩm cũng như những cam kết về chương trình khuyến mại của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên trang thông tin của sở để người tiêu dùng nắm được.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng thanh tra tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, Thành phố để tổ chức kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và việc thực hiện các quy định của pháp luật khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các chương trình khuyến mại…

Kinh nghiệm săn sale “không thủng ví”

Để không bị rơi vào “hố đen” giảm giá khủng, biệt đội săn sale rất cần tỉnh táo để chốt đơn thực sự cần thiết. Không muốn hụt hẫng, hối hận vì nhận về món đồ mình chẳng dùng được mấy, vậy hãy bỏ túi các “chiêu” sau để săn các mặt hàng thiết thực dịp cuối năm.

Theo chia sẻ của nhiều người có kinh nghiệm, khi mua hàng khuyến mại phải so sánh giá sản phẩm đang giảm giá của cửa hàng này với giá cửa hàng khác hoặc giá thị trường để xác định đó là khuyến mãi thật hay khuyến mãi ảo.

Ngoài yếu tố giá, người tiêu dùng nên lưu ý đến chất lượng và thời hạn bảo hành sản phẩm định mua. Bởi nhiều cửa hàng không thực hiện chính sách “hậu mãi” như bảo hành, đổi trả đối với các mặt hàng khuyến mãi. 

Đồng thời, khách hàng cần lựa chọn địa chỉ uy tín để mua hàng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng dưới danh nghĩa giảm giá, khuyến mãi.

Nên mua sắm chọn lọc, xác định và tìm hiểu kĩ món đồ cần mua đồng thời chỉ mua theo đúng nhu cầu chứ không nên mua quá nhiều vào những ngày này. 

Bên cạnh đó, việc lập hội cùng nhau mua sắm để tiết kiệm tổng chi phí cũng như nhận ưu đãi cũng là một chiến lược mua sắm thông minh. 

Hy vọng với những “chiêu” trên sẽ giúp người mua hàng trực tiếp bỏ túi nhiều kinh nghiệm, và tìm ra thứ mình muốn đồng thời hữu ích nhất trong dịp Tết Nguyên đán cuối năm. 

Huyền Thương 
Bình luận
vtcnews.vn