Luật sư của ông Nguyễn Đức Chung đề nghị mang vật chứng quan trọng vào phòng xử

Pháp đìnhThứ Hai, 27/12/2021 11:45:00 +07:00
(VTC News) -

Tại phiên tòa, luật sư của ông Nguyễn Đức Chung đề nghị HĐXX cho phép mang vật chứng quan trọng là chiếc ipad của ông Chung vào phòng xử.

Video: Ông Nguyễn Đức Chung hầu tòa trong vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội

Sáng 27/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cùng 6 bị cáo khác trong vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 1 điều 281 Bộ luật Hình sự 1999. Đây là vụ án thứ 3 cựu Chủ tịch Hà Nội bị xét xử. Trong 2 vụ án xét xử trước đó, bị cáo Chung bị tuyên tổng cộng 13 năm tù.

Trong phần thủ tục, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung) cho biết gia đình ông Chung đề nghị được mang vật chứng là chiếc ipad của ông Chung vào phòng xử vì trong đó chứa các thư điện tử trao đổi của bị cáo trong vụ án.

"Đây là vật chứng quan trọng nhưng lực lượng an ninh chưa cho phép mang vào tòa. Do đó, tôi đề nghị HĐXX cho phép nộp chiếc ipad này để tòa xem xét, đánh giá", ông Tú nói.

Luật sư của ông Nguyễn Đức Chung đề nghị mang vật chứng quan trọng vào phòng xử - 1

Bị cáo Nguyễn Đức Chung hầu tòa trong vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

Trong phiên tòa hôm nay, đại diện của UBND Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Công Thương cùng đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Nội vụ và người giám định có mặt tại phiên xử.

Bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Chung) được triệu tập với tư cách nhân chứng, tuy nhiên có đơn xin vắng mặt.

Bà Phan Lan Tú, nguyên Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội được triệu tập với tư cách nhân chứng cũng có đơn xin xét xử vắng mặt.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Chung) đề nghị tòa triệu tập bà Tú vì trong quá trình diễn ra vụ án bà Tú từng đưa ra nhiều ý kiến mâu thuẫn với kết luận về chủ trương và gói thầu số hoá hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, trực tiếp liên quan đến việc quy kết tội danh cho 7 bị cáo, đặc biệt là với thân chủ của ông.

Luật sư của bị cáo Phạm Thị Thu Hường đề nghị triệu tập tổ chuyên gia chấm thầu.

Sau khi hội ý, HĐXX cho biết về việc triệu tập bà Phan Lan Tú và các nhân chứng khác là cần thiết, tuy nhiên đây là phiên tòa dài ngày nên HĐXX sẽ căn cứ vào diễn biến từng ngày để xem xét triệu tập. Các nhân chứng đã có đầy đủ lời khai trong quá trình điều tra nên sự vắng mặt sáng nay không ảnh hưởng. Đồng thời, HĐXX chấp nhận đề nghị của luật sư Tú về việc mang “vật chứng quan trọng” vào phòng xử.

Theo cáo trạng của VKS, trong thời gian từ năm 2016 đến cuối năm 2018, Sở KH&ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện 2 gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội.

Mặc dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở KH&ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư và người có thẩm quyền đối với gói thầu là Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Chung là Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của pháp luật.

Sau khi dừng thầu, bị cáo Chung yêu cầu Sở KH&ĐT Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố trong khi tới thời điểm hiện nay thành phố chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung. Cựu Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo Sở KH&ĐT cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để công ty tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Đồng thời, Công ty Minh Hoa (do vợ bị cáo Chung làm giám đốc) ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Nhật Cường (có cơ sở xác định là hợp đồng khống) để liên danh Nhật Cường - Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng thầu.

VKS xác định, hành vi của bị cáo Nguyễn Đức Chung xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan công quyền thuộc UBND TP Hà Nội.

Trong quá trình thực hiện 2 gói thầu số hóa trên, Nguyễn Văn Tứ (Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội), Nguyễn Tiến Học (Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội), Phạm Thị Kim Tuyến (Trưởng phòng kinh doanh Sở KH&ĐT Hà Nội) và Phạm Thị Thu Hường (Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội) đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.

Hành vi vi phạm các quy định về đấu thầu của các bị cáo làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỷ đồng.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học phải chịu trách nhiệm đối với các sai phạm trong việc thực hiện gói thầu số hóa năm 2016, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 18 tỷ đồng. Còn bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường, Bùi Quang Huy, Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn phải chịu trách nhiệm đối với các sai phạm trong việc thực hiện 2 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỷ đồng.

Đây là vụ án có tính chất đồng phạm, các bị can đều là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên có vai trò tương đương nhau. Tuy nhiên, xét hành vi của nhóm bị can thuộc Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh thì bị can Bùi Quang Huy là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm nên có vai trò chính trong vụ án.

Hiện, bị can Bùi Quang Huy đang bỏ trốn, cơ quan CSĐT ra quyết định truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn