'Luật người thân' khiến tài tử Hàn Quốc bị chiếm đoạt tài sản

Chuyện bốn phươngThứ Hai, 24/10/2022 06:37:39 +07:00

“Luật ngoại lệ dành cho người thân" khiến nhiều người Hàn Quốc phải ngậm đắng nuốt cay khi bị chiếm đoạt tài sản, như trường hợp tài tử Park Soo Hong.

 
'Luật người thân' khiến tài tử Hàn Quốc bị chiếm đoạt tài sản - 1

Nhiều người xem luật ngoại lệ dành cho người thân là một kẽ hở để phạm pháp.

Một người đàn ông ở Hàn Quốc vừa thừa nhận ăn chặn hàng triệu USD. Cho dù nạn nhân có thưa kiện bao nhiêu lần thì kẻ xấu kia cũng không bao giờ bị trừng phạt. Chỉ đơn giản vì người bị hại có cùng huyết thống ông ấy.

Đây là điều mà luật pháp xứ kim chi quy định trong một điều khoản đặc biệt của Đạo luật Hình sự. Nó còn được gọi với các tên “luật ngoại lệ dành cho người thân".

Thời gian gần đây, khi câu chuyện của Park Soo Hong, diễn viên hài nổi tiếng, được công khai trên sóng truyền hình, khiến luật này được bàn tán trở lại.

Theo Korea JoongAng Daily, Park Soo Hong đã đệ đơn kiện anh trai mình vì tội biến thủ 11,6 tỷ won (tương đương 8 triệu USD) vào năm 2021.

Người anh này đã điều hành công ty đại diện của Park Soo Hong trong vòng 30 năm qua. Tuy nhiên, hắn không trả cho nam diễn viên khoản thù lao hợp lý.

Trong thỏa thuận trước đó, Park Soo Hong và anh trai đồng ý chia lợi nhuận 80:20. Theo đó, nam diễn viên nhận 80% số tiền trên hợp đồng, 20% còn lại thuộc về công ty. Suốt thời gian dài, người anh trai không thực hiện đúng như cam kết. Đồng thời, họ còn sử dụng tiền do nghệ sĩ này kiếm được để thanh toán các chi phí cá nhân.

Đến ngày 14/9, anh trai của Park Soo Hong bị bắt với tội danh tham ô.

Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại ở đó. Mới đây, cha của Park Soo Hong tự thừa nhận ông ấy mới là người ăn chặn số tiền kể trên. Nhiều luật sư tại Hàn Quốc cho rằng hành động của người cha là để bảo vệ con trai cả của mình.

Các nhà lập pháp đang kêu gọi sửa đổi, thậm chí bãi bỏ hoàn toàn đạo luật này, thứ đã tồn tại ở Hàn Quốc suốt 70 năm qua.

'Luật người thân' khiến tài tử Hàn Quốc bị chiếm đoạt tài sản - 2

Anh trai của nam diễn viên Park Soo Hong, người vừa bị bắt vì tội tham ô. Tuy nhiên, anh ta hoàn toàn có thể trắng án nếu người cha nhận tội. (Ảnh: Korea JoongAng Daily)

Luật ngoại lệ dành cho người thân chính xác là gì?

Khoản 1 điều 328 của Đạo luật Hình sự Hàn Quốc quy định rằng khi ai đó phạm tội với những người có quan hệ cùng huyết thống (bao gồm: cha mẹ, ông bà, con cháu, vợ chồng, họ hàng có chung sống…) thì hình phạt sẽ được suy xét lại.

Các tội danh được miễn án phạt bao gồm: ăn cắp, gian lận, biển thủ.

Hàn Quốc phân loại các mối quan hệ trong gia đình bằng một hệ thống được gọi là “chonsu". Các cấp độ càng thấp đồng nghĩa với mối quan hệ càng chặt chẽ. Ví dụ, cha mẹ cấp độ 1, vợ chồng cấp độ 4, họ hàng cấp độ 8…

Luật này cũng quy định anh/chị/em được miễn hình phạt nếu họ đang chung sống với nhau.

Trong trường hợp của Park Soo Hong, anh ấy không sống cùng anh trai mình. Do đó, người anh kia hoàn toàn có thể bị trừng phạt bởi pháp luật.

Tuy nhiên, nếu người cha là người phạm tội, hình phạt này sẽ được xóa bỏ.

“Cha anh ấy đang sử dụng quyền miễn trừ thân nhân đặc biệt như một kẽ hở của luật pháp để bảo vệ con trai cả", luật sư của Park Soo Hong nhận định.

Hàn Quốc có phải quốc gia duy nhất có luật này?

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, Mỹ và Anh không có luật này. Một số quốc gia ở châu Âu như Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Áo lại có luật tương tự như Hàn Quốc. Tuy nhiên, đất nước kim chi là nơi áp dụng điều luật này nghiêm ngặt nhất.

Tại Pháp, quốc gia đầu tiên có khái niệm này, chỉ cho phép luật ngoại lệ với con cháu và vợ chồng. Có 4 tội ở Pháp đủ điều kiện để miễn hình phạt bao gồm: cưỡng bức, tống tiền, gian lận và tham ô.

Trong khi đó, luật lệ này ở Nhật Bản bị thu hẹp hơn. Họ không chấp nhận miễn tội danh với những người sống chung là họ hàng, hoặc vợ/chồng.

“Hàn Quốc có định nghĩa rộng hơn về họ hàng so với các quốc gia khác có luật tương tự. Nếu vẫn duy trì đạo luật này, người có lợi chính là tội phạm”, ông Kim Kwang Hyun, người nghiên cứu lập pháp tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, nhận định.

Nhiều trường hợp tương tự xảy ra tại Hàn Quốc

Những vụ án có tính chất tương đồng đã xuất hiện rất nhiều tại xứ kim chi.

Năm 2018, một người đàn ông đã lấy trộm 180 triệu won (khoảng 126.000 USD) từ cha mình để trả nợ cờ bạc. Tuy nhiên, hành vi của anh ta đã không bị trừng phạt vì đó là quy định của pháp luật.

Năm 2019, một người đàn ông khác cũng lấy trộm tiền mặt và vàng của vợ mình. Anh ta tạo ra hiện trường giả như một vụ trộm cắp để đánh lừa cảnh sát. Nhưng kết quả sau cùng, người chồng này vẫn trắng án.

Mới đây nhất, vào tháng 3/2022, một cậu bé 19 tuổi cũng trộm 2 chiếc máy nông nghiệp từ cha mình và đem bán với giá 5,9 triệu won (khoảng 4.145 USD). Sau đó, cậu ta vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, người cha thì lao đao vì mất đi số tài sản lớn.

Không dễ thay đổi luật

Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu, luật sư đã tìm cách xóa bỏ quy tắc này. Nhưng tất cả đều thất bại.

Một bản đề nghị sửa đổi được đề xuất vào năm 1992 đã không được Quốc hội thông qua. Trong đó, nhiều chuyên gia kiến nghị thu hẹp phạm vi họ hàng lại, chỉ bao gồm những người có quan hệ huyết thống, vợ chồng.

Các biên bản đề xuất tiếp tục xuất hiện vào năm 2014, 2017 nhưng đều bị bác bỏ.

'Luật người thân' khiến tài tử Hàn Quốc bị chiếm đoạt tài sản - 3

Dù vấp phải nhiều chỉ trích nhưng đạo luật này tại Hàn Quốc rất khó bị xóa bỏ. (Ảnh: Korea JoongAng Daily)

Gần đây, JoongAng Ilbo đã thực hiện một cuộc khảo sát với 32.458 người Hàn Quốc. 85% trong số họ đồng ý chấm dứt đạo luật này, 11% phản đối và 4% còn lại cho biết họ không có ý kiến.

Các chuyên gia nhìn nhận luật lệ này luôn tồn tại 2 mặt song song.

Nếu chính phủ bãi bỏ luật ngoại lệ dành cho người thân thì gần như không ai có thể được miễn trừ hình phạt tại Hàn Quốc.

“Điều này khiến quốc gia của chúng ta trở nên cực đoan", Seung Jae Hyun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Tội phạm học và Tư pháp Hàn Quốc (KICJ), cho biết.

Tuy nhiên, nếu những nhà chức trách không thu hẹp lại phạm vi và định nghĩa “họ hàng" trong đạo luật này cũng sẽ khiến nhiều người sử dụng nó như một kẽ hở để lách luật.

“Không nên có sự dung túng cho những người cố tình lạm dụng quy tắc, có kế hoạch từ trước để phạm tội. Chỉ nên chấp nhận những hành vi vô tình, không cố ý gây ra thiệt hại cho nạn nhân", ông Jae Hyun nói thêm.

Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp