Lộ tin bắt Dương Chí Dũng đã gây hậu quả nghiêm trọng

Thời sựThứ Hai, 27/10/2014 06:59:00 +07:00

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng sự việc bị lộ tin bắt Dương Chí Dũng đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng sự việc bị lộ tin bắt Dương Chí Dũng là bài học khi bàn về dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi.

Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) sửa đổi.

Một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã làm rõ được khái niệm, nội dung, phạm vi và phân biệt về chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm soát hoạt động tư pháp của VKSND.

Dự thảo luật cũng đã phân biệt rõ được quyền kháng nghị và kiến nghị của VKSND khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

đại biểu Hà Công Long - Gia Lai
Đại biểu Hà Công Long nhắc lại việc thông tin bắt Dương Chí Dũng bị lộ đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng (Ảnh: Việt Dũng) 

Về thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra của VKSND tối cao, đại biểu Phạm Văn Gòn (TP.HCM) cho rằng nếu chỉ giao cho cơ quan điều tra của VKSND tối cao điều tra 2 nhóm tội thì vẫn chưa khắc phục được triệt để những khó khăn khi điều tra làm rõ hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp.


Ông Gòn cho rằng hiện đang có những hành vi phạm tội khác mà cơ quan điều tra của VKSND tối cao không có thẩm quyền điều tra như tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội cố ý làm lộ bí mật công tác, đưa hối lộ, môi giới để trục lợi.

 

Hội đồng xét xử là một đạo luật biết nói, còn một đạo luật là một phiên tòa câm. Nếu đội ngũ này trong sáng họ sẽ giải quyết được mọi vấn đề êm thắm và nhân dân sẽ tin tưởng.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền
 
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) nêu ý kiến: “Tôi tán thành cao với tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho cơ quan điều tra của VKSND điều tra tội tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là các cán bộ tư pháp.


Tuy nhiên với quy định như trong dự thảo luật thì chưa giải quyết được triệt để các vướng mắc trong thực tiễn của hoạt động điều tra.

Trong thực tiễn hoạt động tư pháp cho thấy đã xảy ra nhiều vụ cán bộ các cơ quan tư pháp làm lộ bí mật công tác như làm lộ thông tin về bắt giam khám xét kê biên dẫn đến người phạm tội chạy trốn, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản”.

Ông Long cũng lấy ví dụ: “Như các đại biểu đã rõ, khi thông tin bắt Dương Chí Dũng trong vụ án Vinalines bị lộ đã gây hậu quả nghiêm trọng thế nào. Ngoài ra còn rất nhiều hành vi môi giới hối lộ, đưa hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan tư pháp để chiếm đoạt tài sản. Những hành vi đó, xã hội thường gọi là chạy án.”

Đây là những tội phạm thực sự xâm phạm hoạt động tư pháp. Nếu cơ quan điều tra VKSND không được giao điều tra những việc như trên thì VKSND khó có thể nào đảm bảo thực hiện tốt chức năng quyền công tố.

Vị đại biểu này cũng đề nghị bổ sung dự thảo luật, giao cho cơ quan điều tra VKS điều tra một số tội phạm khác về chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ các cơ quan tư pháp.

Dương Chí Dũng tại tòa
Dương Chí Dũng tại tòa

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý Điều 20 dự thảo cho rõ hơn về thẩm quyền điều tra của VKSND tối cao như sau:

“Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”.  


Ngoài ra, thảo luận về dự án luật, nhiều đại biểu nhất trí cao với hệ thống VKSND 4 cấp trong dự thảo luật, gồm VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và VKSND cấp huyện thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

Về cơ chế thi tuyển chọn nguồn kiểm sát viên, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cho rằng, việc thi tuyển chọn nguồn kiểm sát viên sơ cấp tại 63 tỉnh thành với số lượng lớn và tổ chức tại nhiều hội đồng thi, do vậy dự thảo Luật cần quy định rõ thành phần hội đồng thi tuyển kiểm sát viên các cấp.

Đóng góp ý kiến về vai trò vị trí của kiểm sát viên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng nói đến Luật tổ chức VKSND phải nói đến kiểm sát viên. Đây là lực lượng nòng cốt.

“Hội đồng xét xử là một đạo luật biết nói, còn một đạo luật là một phiên tòa câm. Nếu đội ngũ này trong sáng họ sẽ giải quyết được mọi vấn đề êm thắm và nhân dân sẽ tin tưởng.

Thực ra mà nói, hiện nay luật pháp của chúng ta rất nhiều, nhưng vì sao cán bộ thực thi vẫn lách luật, làm sai? Là bởi vì cái tâm không trong sáng, không làm được”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu ý kiến.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn