Lệ Quyên choàng y phục mới lên nhạc Trịnh

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 05/02/2018 12:20:00 +07:00

Trước những ồn ào tranh cãi về việc Lệ Quyên hát nhạc Trịnh trong liveshow "Ru đời đi nhé", nhạc sỹ Thụy Kha đã có những ý kiến bình luận.

Nhạc Trịnh, một trong những trường phái đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam vốn thường gây tranh cãi trong giai đoạn gần đây mỗi khi có nghệ sỹ mới đặt chân lên “vùng đất thiêng” và muốn đưa dấu ấn riêng của mình trong những dự án đó.

Mới nhất, ca sĩ Lệ Quyên khi cho ra mắt album nhạc Trịnh cùng liveshow Ru đời đi nhé cũng vấp phải những luồng tranh luận trái chiều. Trong đó, bao gồm cả những dòng dư luận không mấy hài lòng, do cô hát quá mới mẻ.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhạc  sỹ Nguyễn Thuỵ Kha về album này để rộng đường dư luận. Ông là người cùng thế hệ với Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, hơn nữa lại là nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng. Vì thế, cái nhìn của ông sẽ mang tính khách quan và cũng đáng lưu tâm ở thời điểm hiện tại.

Suốt 60 năm qua, từ khi Thanh Thúy thu âm Ướt mi, những giai điệu Trịnh Công Sơn đã dần dà “phủ sóng” mọi miền đất nước. Đã bao thế hệ ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn. Thế hệ nào, ca sĩ nào cũng mang đến một nét riêng khi thể hiện nhạc Trịnh.

Từ “ Nữ hoàng chân đất” Khánh Ly hát như miết từng lời vào cảm xúc người nghe, đến Bống Hồng Nhung hát như thả từng lời lên vòm trời trong trẻo. Sang thế kỷ mới, lại thêm những tìm tòi mới để đưa nhạc Trịnh đến với lớp trẻ mà ám ảnh gần đây nhất là giọng hát mảnh mai của Giang Trang với những mơ màng liêu trai.

Bên cạnh sự nỗ lực thể hiện của giọng hát là sự phong phú trong phối khí làm nhạc. Từ chỗ chỉ hát mộc với một guitar gỗ, người ta đã có thể nghe nhạc Trịnh trên nền một dàn nhạc với rất nhiều phong vị khác nhau.

Nếu giai điệu là thân thể, thì bản phối chính là y phục của thân thể ấy. Mỗi thời, thân thể ấy lại được choàng lên một y phục khác, cũng như với mỗi người hát. Với quan niệm đó, vào những ngày đầu năm 2018, người thưởng thức lại được chứng kiến việc “choàng y phục mới lên nhạc Trịnh” của ca sĩ Lệ Quyên.

hinh anh liveshow

 

Nghe CD Trịnh Công Sơn – Lệ Quyên thấy rất rõ điều này. Không chỉ thả hồn vào từng nét nhạc, từng chữ của ca từ để “dịch” Trịnh Công Sơn bằng nỗi lòng mình, Lệ Quyên đã tìm đến một ekip vừa phối khí, vừa thể hiện để cùng nhau “Choàng y phục mới lên nhạc Trịnh” nhằm đem nhạc Trịnh đến với đông đảo lớp trẻ và còn làm cho nhạc Trịnh cứ thế sống mãi cùng nhân gian.

Bắt đầu cũng từ Ướt mi, 12 tình khúc Trịnh Công Sơn mà Lệ Quyên chọn thể hiện đều là những tình khúc quen thuộc mà Trịnh Công Sơn viết trước 30.4.1975, chỉ duy nhất Sóng về đâu là được viết vào thập kỷ 90 thế kỷ trước. Có lẽ, ý định chọn Sóng về đâu nhằm cho thấy tính thống nhất trong sáng tạo âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Nó vượt qua thời gian, không gian. Và cả thời cuộc.

Ướt mi, tuy vẫn chủ đạo phần đệm là cây guitar gỗ, nhưng có thêm sự hòa quyện của dàn nhạc dây với âm lượng đủ để nâng tiếng hát và tiếng guitar gỗ lên trên cung bậc của cảm xúc. Ở Diễm xưa, guitar được thay bằng piano. Dàn nhạc dây bắt đầu cho thấy sự xuất hiện cần thiết của mình trong bộ y phục mới. Bên cạnh đấy là dàn bè và vocal thấp thoáng lúc ẩn, lúc hiện khiến ta thấy rõ những rêu phong ẩm ướt trên tầng tháp cổ sâu kín trong tâm hồn Trịnh Công Sơn.

 Đến Sóng về đâu cùng với giọng hát người ta thấy thăm thẳm trong dàn nhạc tạo ấn tượng đại dương bao la với tiếng sáo như tiếng người đơn độc. Dàn vocal cũng mầu sắc hơn trong điệu bè và ngâm ngợi. Cái triết lý mà Trịnh Công Sơn gửi gắm cho nhân loại được hằn lên nhoi nhói. “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi – Đừng cho tôi thấy hết tim người”.

Còn tuổi nào cho em thì lại mở đầu bằng tiếng violin da diết như tiếc nuối. Người nghe chợt nhận ra Lệ Quyên đang nhập dần vào những rung động trầm lắng của Trịnh Công Sơn. Tiếng violin vẫn cứ luồn qua giai điệu như gợi như khơi. Ở Ru em từng ngón xuân nồng, tiếng violin vẫn cứ tiếp tục khắc khoải mở ra. Rồi lặng nhạc chỉ còn giọng hát, rồi vi vút theo tiếng piano và dàn vocal. Cùng lúc, Lệ Quyên càng thu hút người nghe đi vào cõi Trịnh qua Ru ta ngậm ngùi, tiếng violin cùng thánh thót guitar thì thầm với giọng hát thổn thức. Rồi dàn bè hòa theo dâng đầy dư âm.

Một tiếng saxophone dẫn dụ đến Dấu chân địa đàng ngỡ ngàng như tiếng ngựa gõ móng qua đèo Hải Vân cùng giọng hát mờ sương. Chợt gặp biển Quy Nhơn xô dạt trong tiếng guitar nhắc một thời sư phạm Quy Nhơn xa lắc đến bồi hồi thuở thanh xuân qua Biển nhớ đèn vàng.

Bất ngờ, dàn bè mở đầu Ru đời đi nhé rồi chảy ra tiếng saxophone trong giọng hát thở than mộng mị. Tiếng sáo trở lại mang âm hưởng nhạc Chopin lẫn vào Mưa hồng cho ta tưởng tượng những cơn mưa Huế trên hàng phượng nở hồng như một người hát lấp lánh khi chuyển điệu. Qua Phôi pha rồi  Gọi tên bốn mùa, CD khép lại một bâng khuâng xao xuyến đến lạ lùng.

Cùng với CD Trịnh Công Sơn – Lệ Quyên, nàng ca sĩ cũng trình diễn một đêm đẫm ướt nhạc Trịnh mang tên Ru đời đi nhé vào ngày 6/2/2018 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô.

Video: Lệ Quyên kể thời đi hát bằng xe ôm, cát xê vài chục nghìn đồng 

Nhạc sỹ Thụy Kha
Bình luận
vtcnews.vn