Lấp di tích Chăm làm đường cao tốc: Chờ cái 'gật đầu' của Bộ?

Thời sựThứ Sáu, 24/04/2015 12:00:00 +07:00

Những di tích Chăm độc đáo được phát lộ khi thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đứng trước nguy cơ bị lấp trong khi chính quyền địa phương vẫn chờ

Những di tích Chăm độc đáo được phát lộ khi thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đứng trước nguy cơ bị lấp trong khi chính quyền địa phương vẫn chờ ý kiến từ Bộ VHTT&DL.

Dấu hiệu lạ trong kiến trúc Chăm

Từ giữa tháng 1/2015, quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã phát lộ một hệ thống nền móng công trình Chăm đầy bí hiểm tại khu di tích Triền Tranh (thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật hơn 2.000m2 và có nhiều phát hiện thú vị từ hệ thống được cho là phế tích bị vùi lấp trong lòng đất này.

Theo ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích - danh thắng Quảng Nam, quá trình phát lộ và khai quật phế tích Triền Tranh được các chuyên gia khảo cổ đánh giá là rất khả quan. Bởi, một hệ thống nền móng của một quần thể di tích Chăm đã lộ rõ, trong đó có một vệt móng dài khoảng 70 m được cho là bờ tường bao quanh quần thể này.

Phế tích Triền Tranh được phát lộ với nhiều phát hiện lạ 

Đặc biệt, trong quá trình khai quật khu phế tích các nhà khảo cổ phát hiện rất nhiều ngói Chăm. Đây được cho là dấu hiệu lạ đối với các công trình kiến trúc Chăm. Bởi từ trước đến nay, theo ghi nhận các công trình kiến trúc liên quan đến tâm linh, thờ tự của người Chăm đều được làm bằng gạch, chưa bao giờ thấy ngói.

Chưa ai được phép lấp di tích


Hiện nay, khu phế tích Chăm được phát lộ trong quá trình thi công đường cao tốc đã được khai quật được 2.000m2 và còn 1.000m2 nữa chưa khai quật. Theo ông Cẩm, hiện việc khai quật đã tạm dừng để cơ quan chức năng bổ sung các thủ tục cần thiết và sẽ tái khởi động trong thời gian đến để phục vụ việc nghiên cứu và bảo tồn.

Tuy nhiên, toàn bộ diện tích 3.000m2 này nằm trọn trong vệt đường cao tốc nên có nguy cơ khu phế tích sẽ bị vùi lấp để làm đường. Hệ thống di tích được phát lộ sẽ được bảo tồn bằng công nghệ 3D. “Toàn bộ dạng thức kết cấu và hệ thống chi tiết sẽ được các chuyên gia quay chụp lại đưa vào không gian 3 chiều phục vụ việc nghiên cứu. Trên thế giới nhiều nơi bảo tồn bằng hình thức này”, ông Cẩm cho hay.

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, cho biết: Phương án khảo cổ và di dời hiện vật về các bảo tàng để trưng bày là cách tối ưu nhất. Đường cao tốc là công trình trọng điểm quốc gia, việc nắn đường tránh di tích là điều không thể. Sở sẽ tổ chức một cuộc họp, mời Viện khảo cổ và các cơ quan chuyên môn cùng tham gia ý kiến về vấn đề này.

 Theo ông Nguyễn Chín, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Việc bảo tồn bằng công nghệ 3D mới chỉ là một ý tưởng, ý kiến của một vài chuyên gia chưa ai quyết định bởi chưa có sự thống nhất của Bộ VH-TT&DL vì liên quan đến khảo cổ học. Việc chôn lấp hay không phải có ý kiến chỉ đạo của Bộ rồi mới tính. “Trong khi chờ đợi không ai được phép lấp di tích”, ông Chín khẳng định.

Nguồn: Nguyễn Thành(Tiền Phong)

Bình luận
vtcnews.vn