Lãng du quanh hồ Hoàn Kiếm

Tổng hợpThứ Bảy, 02/10/2010 08:14:00 +07:00

Thật bất ngờ từ Nigeria, Suchi gửi tôi một e-mail nói rằng Hà Nội đang làm rất rất nhiều việc để mừng đón ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 Thật bất ngờ từ Nigeria, Suchi gửi tôi một e-mail nói rằng trên trang web Thành phố Hà Nội và Hanoimoi Online, cho thấy Hà Nội đang làm rất rất nhiều việc để mừng đón ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Chị xin tôi gửi cho vài tấm ảnh về Phố Cổ, hồ Hoàn Kiếm, Cụ Rùa. Chị viết hài hóm: “Phố Cổ và hồ Hoàn Kiếm tựa như chiếc nón Kinh và tà áo dài trắng làm sáng ngời gương mặt cô gái Hà Nội. Và gương mặt Hà Nội ngời đẹp lên cũng vì có Phố Cổ và hồ Hoàn Kiếm cùng Cụ Rùa huyền thoại. Đúng không?” Ý chị muốn ám chỉ giống như “dấu xinh” “dấu yêu” của thiếu nữ Nigeria thường rạch thành sẹo trên đôi má, mà tôi từng thấy trên má chị.

 

Từ bất ngờ đến sững sờ. Ngày nào cũng dạo quanh quanh hồ Hoàn Kiếm hai vòng vào hai buổi sáng và chiều, mà lòng chỉ đinh ninh về một bề dày lịch sử của vùng đất này. Người bất chợt nghe, bất chợt thấy như Suchi lại có cảm xúc tinh tế hơn mình.

 Trong những ngày bên nhau theo học khóa tu nghiệp “Tin tức và Thời sự” tại Trung tâm đào tạo Deutsche Welle (Làn sóng Đức) ở CHLB Đức, Suchi nói chị quý tôi vì tôi là người của Hà Nội có Phố Cổ, có hồ Hoàn Kiếm với truyền thuyết thiêng Kim Quy - Kiếm Thần. Gửi cho Suchi, tôi chọn hai bức ảnh tranh Phố Cổ chất liệu sơn dầu của danh họa Bùi Xuân Phái, hai bức ảnh tranh chất liệu sơn mài của họa sĩ thành danh Công Quốc Hà bạn tôi. Hồ Hoàn Kiếm thì chọn bức ảnh pháo hoa đêm giao thừa của Viết Thành. May thay về Cụ Rùa, tôi đang có trong tay cuốn sách “Rùa Hồ Gươm” mới xuất bản của nhà giáo Lưu Đức Ngò. Gần năm chục bức ảnh về Cụ Rùa nổi ở hồ Hoàn Kiếm, mà nhà giáo ở tỉnh Hưng Yên nghỉ hưu về Hà Nội này – với tay máy nghiệp dư – đã rình đón suốt năm năm qua để chụp hình mỗi khi Cụ Rùa nổi. Trong chương trình “Giai điệu ngày mới” các phóng viên Kênh 1 - VTC đã mời ông tới trường quay phỏng vấn. Ông cười hơ hơ nói rằng ngay cả những người sống ở Hà Nội không phải ai cũng đã một lần được nhìn ngắm Cụ Rùa nổi. Và những bức ảnh của ông chỉ nhằm để nhiều người thưởng lãm hình ảnh cụ nay vẫn thấm đẫm huyền thoại. Ông có một tấm ảnh độc nhất vô nhị, chụp Cụ Rùa ngoi theo một con thuyền nhỏ trên đó có nhóm người ra Tháp Rùa thắp hương bái vọng cầu xin cụ phù hộ độ trì cho quốc thái dân an. Nào ngờ cụ nổi lên đón nghe lời nguyện cầu, rồi bơi theo thuyền tiễn khách vào bờ.

 Hồ Gươm rộng như chiếc gương trời lớn, nước trong xanh là lạ màu diệp lục. Không lẫn với nước hồ nơi nao. Sống trong cái hồ rộng ấy có Cụ Rùa và các ông rùa mai to như cái nong cái nia. Thi thoảng nổi lên mặt nước lững lờ ngó nghiêng máy môi hít thở khiến dân trên bờ hò reo chạy nháo nhác về phía ấy, chen nhau ngắm nhìn và tranh nhau chụp hình. Giáo sư - Tiến sĩ Hà Đình Đức, Thành viên quốc tế Bảo vệ động - thực vật quý hiếm, Thành viên Hội bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, không một cuộc hội thảo nào về cải tạo cảnh quan hồ Hoàn Kiếm mà giáo sư không có mặt. Và ông là người đưa ra nhiều phương án và giả thuyết nhất để bảo vệ Cụ Rùa cùng môi trường sinh thái cho hồ, nơi có Cụ Rùa đang sống. Ông lắng tâm vào Cụ Rùa tới mức báo chí quý yêu tặng ông biệt danh “Giáo sư rùa”. Người ta đồn rằng Giáo sư Hà Đình Đức thuê anh bảo vệ ở hồ Hoàn Kiếm nếu thấy Cụ Rùa nổi là phôn cho ông ngay. Do thế mà mỗi lần Cụ Rùa nổi là thấy ông có mặt ngay tắp lự.

Bởi cái hồ gắn với tích thiêng rùa vàng dâng kiếm thần cho Vua Lê đánh giặc Minh thế kỷ XV. Thắng trận trở về Vua Lê trả lại rùa vàng kiếm thần. Thế mới gọi là hồ Hoàn Kiếm. Hoặc Hồ Gươm cũng được. Một cái hồ ẩn chứa trong lòng huyền thoại đẹp.

 

 Hồ nằm ở trung tâm thành phố, muốn chỉ đường cho ai đó đi về các phía của Hà Nội, người ta thường lấy hồ Hoàn Kiếm làm điểm nhấn mặc định: “Chợ Đồng Xuân ư? Này nhé. Từ hồ Hoàn Kiếm đi theo Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường là tới”. “Nhà Bác Cổ ấy à? Đây này. Từ hồ Hoàn Kiếm đi dọc phố Tràng Tiền qua Nhà hát Lớn là nhà Bác Cổ”. Rồi “Này nhé. Từ hồ Hoàn Kiếm, đi dọc Hàng Gai, qua Hàng Bông, đến Cửa Nam. Đi tiếp qua vườn hoa Canh Nông là tới Ngọc Hà rồi là vườn Bách Thảo”. “Này nhé. Từ hồ Hoàn Kiếm…tới ga Hàng Cỏ”. “Này nhé. Từ hồ Hoàn Kiếm đi Cầu Giấy cứ  bắt xe buýt số 9”…

 Bờ hồ Hoàn Kiếm vòng lượn dài tới 1.700 mét. Ấy là lấy số đo của ban tổ chức các cuộc thi “Chạy việt dã giải Báo Hà Nội Mới”, “Giải đua xe đạp vòng quanh bờ hồ”, “Giải chạy ma-ra tông quốc tế”. Những người đi bộ luyện tập vào mỗi buổi sáng hoặc chiều tối thường hỏi nhau “- Đi được mấy vòng rồi?” “- Hai vòng” “- Giỏi nhỉ. Ba cây số rưỡi cơ đấy!” Các hoạt động muốn gây ấn tượng cả bề rộng lẫn chiều sâu, người ta nghĩ ngay tới việc chọn một địa điểm trên bờ hồ Hoàn Kiếm để tổ chức sự kiện. Sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, xã hội đã đành, ngay cả sự kiện ra mắt sản phẩm mới như một loại thực phẩm chức năng, nhà doanh nghiệp cũng chọn bờ hồ Hoàn Kiếm mở lễ nhộn nhịp có hội hóa trang, ca múa nhạc, múa lân, biếu tặng sản phẩm....

Một nhóm các nhà khoa học môi trường sinh thái vừa hoàn thành bộ bản đồ cây cổ thụ Hà Nội có tên “At-lát cây cổ thụ”. Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm được đánh dấu vài chục cây. Thú vị ở chỗ, trong hàng ngũ cây cổ thụ đó họ phong hàm “ông” cổ thụ, “cụ” cổ thụ, đó là những bậc cao niên trên trăm tuổi. “Cụ” cổ thụ đa ở sân Tòa báo Nhân Dân nằm gần khu thờ Vua Lê có tán lá lớn rộng phủ râm mát cả cái sân cơ quan báo. Râu cụ buông thả từ các cành xuống sóng dài chạm đất choán  hẳn chục mét vuông. “Cụ” cổ thụ gạo phía bờ đường Đinh Tiên Hoàng nơi đặt tượng Vua Lý, có cái gốc to tới năm người ôm. Cụ già tới mức thân cụ nổi sần lên chi chít những cục to bằng quả bưởi Diễn nhẵn bóng như da cá sấu. “Ông” cổ thụ lộc vừng đối diện với nhà đèn có tới chín thân. Vào đầu xuân gặp mưa phùn là trổ hoa. Những cánh hoa hồng nhạt nhỏ và mỏng tang có gió lay là thả mình xuống gốc dày xốp như tấm thảm màu. Thời gian lộc vừng trổ hoa ngắn ngủi. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh chờ đợi cả một năm trời đằng đẵng mới có ngày này rình đón chụp những bức ảnh nghệ thuật hiếm hoi cùng các cô người mẫu khi nằm khi ngồi khi đứng uốn éo đủ kiểu.

 Cây ở quanh bờ hồ Hoàn Kiếm có kiểu mọc rất lạ lùng không ở đâu có. Gốc thì cắm vào bờ đất. Thân và cành lá thì vươn xa ra mặt hồ, nhúng xuống nước hồ, cứ như gối đầu lên mặt hồ vậy. Các cành cài uốn khéo tới mức tưởng đã có một bàn tay của vị thần cây đầy quyền năng nắn bắt tạo dáng kiểu cây thế. Trai gái tuổi 8X, 9X rất thích trèo đua ra cành cây là chụp hình tạo dáng. Năm ngoái mùa bão một “cụ” cổ thụ phượng vĩ phía trước Tòa báo Hà Nội Mới có cái thế vươn xa ra mặt hồ vào loại kiểu cách đẹp nhất, đã bị bật gốc lăn tùm xuống hồ. Phải trục vớt hai ngày mới kéo được cụ lên. Tiếc ơi là tiếc. Giờ ai qua đây vẫn còn ngẩn ngơ nhớ. .

 
Đêm hồ Hoàn Kiếm. Mưa xuân Tháp Rùa. Hồ Gươm ban mai. Hồ Gươm vào thu. Hồ Gươm đêm pháo hoa…là những đề tài khai thác mãi mãi không cạn, năm này qua năm khác của các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong Nam ngoài Bắc. Không biết cặp trai gái nào có ý tưởng đầu tiên đưa nhau tới hồ Hoàn Kiếm chụp ảnh cưới, để tới hôm nay trở thành đại trà. Rồi các nhà thiết kế thời trang cũng mời những người mẫu tới đây chọn bối cảnh “cụ” cổ thụ gạo, “ông” cổ thụ lộc vừng, “nàng” liễu đung đưa, tháp Hòa Phong cổ kính…để thể hiện bộ sưu tập của  mình. Các tay máy chuyên nghiệp lỉnh kỉnh các loại ống kính, quỳ nằm khom nghiêng nhòm ngắm nhiều góc độ, nhiều cỡ cảnh, với sự hỗ trợ của những tấm phản quang bắt chụp những tấm ảnh màu nghệ thuật. In lên tạp chí đẹp ngất ngây. Đúng là Hà Nội. Gần đây các phóng viên Kênh HD3 Đài VTC cũng đưa người mẫu các kiểu tới đây quay phim trình diễn các bộ sưu tập thời trang bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông và thời trang cưới, duyên dáng và điệu đà, để làm phim một “Nét Hà thành”.

 Anh Réne Traunitz, Tùy viên văn hóa Sứ quán Đức, bạn tôi, có hai năm cùng tôi làm chương trình “Dạy Tiếng Đức” trên Truyền hình Hà Nội với tư cách là trợ giáo, đã “săn bắt” trong ba năm để chụp một bộ ảnh về hồ Hoàn Kiếm. Đó là hồ Hoàn Kiếm trong đêm giao thừa, Tháp Rùa trong sương ban mai; các “cụ”, “ông” cổ thụ; các cụ bà tập thái cực quyền xòe múa quạt giấy; các cô gái với thể dục nhịp điệu theo nhạc cassette. Hóm nhất là bức ảnh các cụ ông cụ bà rồng rắn khom khom đấm lưng cho nhau cùng thư giãn; chàng vận động viên thể hình mình trần cơ bắp cuồn cuộn vung hai bắp tay phang vào thân chiếc cột đèn phầm phập; một chị luống tuổi đội mũ vải mềm ngồi bên lề cỏ luôn mồm mời chào người đi dạo “cân sức khỏe” giá rẻ…Bất ngờ và cũng độc đáo nhất, Rơ-nê đã rình thộp được bức hình một cặp sinh viên trai gái với gương mặt rạng rỡ cùng nhau ghi lưu bút trên bức tường gạch rêu mốc của tháp Hòa Phong hàng chữ “Giang + Liên đã tới đây!”, mà trong khuôn hình bức ảnh đã chi chít các dòng lưu bút có trước đó với các hình trái tim, hình đôi ngón tay trỏ ngoắc nhau, hình đôi môi kề sát… Khoe xong bộ ảnh, Réne cười nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi đến bây giờ: “Hà Nội có hồ Hoàn Kiếm. Ai chưa tới đây coi như chưa từng đến Hà Nội. Mà đến đây rồi lại không có một bức ảnh với nó cũng coi như vô nghĩa. Mình nói vậy có đúng không Bảo?” Tất nhiên rồi. Nhưng trừ việc để lưu bút lên tường tháp Hòa Phong!

Réne không còn ở Hà Nội. Hà Nội đã sang thu. Quanh bờ hồ Hoàn Kiếm nay đông vui hơn nhiều. Sáng sáng chiều chiều người dân thành phố đi bộ, dạo mát, tụm nhau chuyện trò đọc báo kín các ghế đá, bờ kè, bờ đá. Ngày cuối tuần sinh viên các trường đại học bắt xe buýt tháng kéo nhau về đây đông ơi là đông. Kem Tràng Tiền, Thủy Tạ, Bốn Mùa cháy hàng. Công ty cây xanh mỗi tháng thảm lại cỏ một lần, trồng lại các vườn hoa. Công ty bảo hiểm nhân thọ Cathay tài trợ thay tất cả các ghế đá cũ và còn nhiều hơn trước. Sắp tới bờ hồ Hoàn Kiếm dành không gian trồng hoa anh đào đưa từ Nhật Bản sang. Réne ơi! Tháp Hòa Phong ấy, nay lưu bút đã kín cả mặt ngoài và mặt trong các bức tường, có cả chữ Tây chữ Tàu chữ Ả-rập. Cứ đà này người ta sẽ để lưu bút trên cả thân các “cụ” cổ thụ mất. Đáng trách. Nhưng nghĩ lại, âu cũng là người ta muốn chứng minh người ta đã tới hồ Hoàn Kiếm thôi mà.

Khiếu Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn