Làng cổ đường Lâm – Điểm đến của ngày nghỉ thú vị

Tổng hợpThứ Tư, 07/12/2011 02:29:00 +07:00

Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 2005.

Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 2005 và là làng cổ đầu tiên của cả nước được xếp hạng di tích. Xã Đường Lâm gồm 9 thôn là Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang và Văn Miếu.
Đường Lâm là một làng Việt cổ bảo tồn được hệ thống các kiến trúc truyền thống như: Cổng làng, nhà ở, đình, đền chùa, đường đi, giếng nước… Đường Lâm xưa là đất 2 vua – 2 vị anh hùng dân tộc là Phùng Hưng, Ngô Quyền; là quê hương của nhà ngoại giao lỗi lạc Giang Văn Minh và nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong lịch sử như Phan Kế Toại, Kiều Oánh Mậu…
 

Về di sản văn hóa phi vật thể, Đường Lâm bảo lưu được các lễ hội, phong tục tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, lưu giữ được trên 2.000 trang văn bản Hán Nôm ghi chép thần phả của các làng, gia phả các dòng họ, gia đình, các tác phẩm văn học, văn hóa, y học, cùng với các bia ký, hoành phi, câu đối, văn tự trên các bản khắc gỗ ở các di tích, các truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, ca dao, dân ca.
Làng cổ Đường Lâm là tài sản tinh thần vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa.
Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Đường Lâm tập trung vào các lĩnh vực: Bảo tồn môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn không gian làng cổ; bảo tồn không gian nhà cổ; bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn bó mật thiết với di sản văn hóa vật thể đặc biệt là các di tích tôn giáo, tín ngưỡng; bảo tồn văn hóa ẩm thực Đường Lâm và phong tục tập quán.
Xã Đường Lâm nằm trong vùng chân núi Ba Vì, gần các con sông Hồng, sông Đà, sông Tích, sông Đáy. Khu Đường Lâm ngày nay vẫn mang cảnh quan của vùng trung du, vùng bán sơn địa, làng xóm tụ cư bố trí quanh đồi gò và ven sông. Nhiều địa danh còn in dấu của những đồi gò và cánh rừng xưa.
 

Làng cổ Đường Lâm là tập hợp các làng Việt cổ truyền vùng trung du Bắc Bộ, trọng tâm bảo tồn là làng Mông Phụ. Làng Mông Phụ có các ngõ khá rộng và thường lát gạch ở phần giữa, 2 bên là tường hậu của các nhà dân xây bằng đá ong, đất hay gạch chạy dọc theo nên khi đi trên đường ta chỉ thấy 2 bức tường và các mái nhà lô xô xen nhau. Mỗi xóm ở làng Mông Phụ đều có một giếng nước mang tên của xóm. Các giếng xóm Hè, xóm Giang xưa kia nổi tiếng là giếng có nước ngon và đã đi vào ca dao, tục ngữ Việt Nam:
“Nước giếng Hè, chè Cam Lâm Nước giếng Giang, khoai lang đồng Bường”.
Một số giếng đá ong chỉ xây phần cổ giếng còn lòng giếng là đá ong nguyên khối. Tương truyền, 2 giếng nước ở 2 bên đình Mông Phụ là 2 mắt của con rồng chột, một giếng nước trong và một giếng nước hơi đục gọi là giếng Sữa. Làng cổ ở Đường Lâm có chợ Mía nổi tiếng trong vùng. Chợ được họp trước cửa Tam quan của chùa Mía. Chùa Mía là một ngôi chùa khá cổ mang nhiều dấu ấn chung của các cư dân Đông Nam Á.
Không gian nhà cổ ở Đường Lâm với hàng trăm ngôi nhà trên dưới 200 năm. Bố cục kiến trúc trong khuôn viên thường kết cấu theo kiểu chữ nhất, chữ nhị, chữ đinh và chữ môn. Kết cấu kiến trúc từ năm hàng chân cột đến bốn hàng chân hay quá giang trốn một cột, nhà ba hàng chân hay quá giang trốn hai cột, nhà hai hàng chân hay quá giang trốn ba cột, nhà một hàng chân.
 

Đường Lâm còn bảo lưu được một tập hợp thư tịch khá phong phú gồm: Thần tích, thần sắc, gia phả… ghi chép công lao, sự tích của nhân vật thờ cúng trong di tích, về quá trình xây dựng, tu bổ tôn tạo với sự hưng công, đóng góp của dòng họ, dân làng và của những người thiện tâm trong tổng, trong huyện, những di vật, những đồ tự khí có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật tạo hình và điêu khắc. Đường Lâm có 21 di vật ở niên đại tạo tác khác nhau qua nhiều thời kỳ, cổ nhất là tấm bia Phụng tự bi ký ở Cam Lâm, khắc năm Hồng Đức 4 (1473) ghi nhớ về việc thờ cúng Phùng Hưng, tấm bia Sùng Nghiêm tự bi ký ở chùa Mía khắc năm Đức Long 6 (1634) ghi việc trùng tu chùa vào năm 1632… Hay bản gia phả họ Giang được biên soạn năm Tự Đức 8 (1854) gồm 56 trang chữ Hán, ghi đầy đủ lời tựa, tên hiệu, công việc, ngày mất… của các thế hệ thuộc nhiều chi phái trong dòng họ khá cụ thể.
Đường Lâm còn nổi tiếng với một số sản phẩm như: Gạo Rí, gà Mía. Khách đến thăm nhà trong bữa ăn hàng ngày được thưởng thức món nước chấm dùng tương, uống nước chè tươi và ăn thịt gà Mía.
Sinh tụ trên một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, các thế hệ cư dân Đường Lâm đã tạo dựng được cho mình những truyền thống văn hóa quý báu, truyền thống đó mang những đặc trưng chung của văn hóa vùng, miền và những sắc thái riêng được tạo bởi chính những con người Đường Lâm sinh sống trong không gian, điều kiện sinh tồn cụ thể. Trong bối cảnh hiện nay, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể ở làng cổ Đường Lâm là cần thiết không chỉ cho hôm nay mà còn cho tương lai. 
Theo PL&XH
Bình luận
vtcnews.vn