Kỹ năng xử lý khi ô tô bị mất lái

Tư vấnThứ Tư, 15/11/2023 13:02:00 +07:00
(VTC News) -

Việc ô tô bị mất lái là tình huống rất nguy hiểm, đòi hỏi người lái xe có kỹ năng xử lý linh hoạt để tránh tai nạn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất lái của xe, bao gồm các vấn đề kỹ thuật như nổ lốp, hỏng hóc hệ thống lái, vô lăng bị kẹt cứng, hệ thống bánh xe chưa được căn chỉnh chính xác...

Tuy nhiên, phần lớn các tình huống "xe điên" xuất phát từ yếu tố tâm lý chủ quan, sự lơ đễnh của tài xế, dẫn đến các sai lầm không đáng có.

Dưới đây là những kỹ năng xử lý khi ô tô bị mất lái.

Giữ chắc vô lăng và bình tĩnh

Để đối mặt với tình trạng mất lái, việc giữ bình tĩnh và duy trì sự kiểm soát vô lăng là rất quan trọng. Khi chỉ mất trợ lực lái, giữ chặt vô-lăng bằng cả hai tay để duy trì sự kiểm soát. Tránh hoảng loạn và đánh lái không kiểm soát, vì điều này có thể dẫn đến nguy hiểm cho cả xe và người lái.

Giữ chắc vô lăng và giữ bình tĩnh là bước quan trọng nhất để xử lý ô tô mất lái. (Ảnh minh họa: Tiền phong)

Giữ chắc vô lăng và giữ bình tĩnh là bước quan trọng nhất để xử lý ô tô mất lái. (Ảnh minh họa: Tiền phong)

Lưu ý rằng, tài xế không nên chuyển xe về chế độ N hoặc rút chìa khóa khi đối mặt với tình huống mất lái. Điều này sẽ làm cho hệ thống lái không hoạt động, tạo ra tình huống nguy hiểm.

Kiểm soát chân phanh

Trong trường hợp di chuyển trên đường với lưu lượng giao thông cao, việc nhẹ nhàng nhấp chân phanh để duy trì kiểm soát là quan trọng. Đối với đường ướt, không phanh gấp để tránh tình trạng bánh bị khóa cứng làm chiếc xe trượt trên đường, càng gia tăng nguy hiểm.

Nếu đường trước không trơn trượt và không có vật cản, việc đạp phanh nhanh là lựa chọn an toàn, đặc biệt nếu xe được trang bị hệ thống hỗ trợ phanh như ABS, EBD, BA.

Tài xế cũng có thể giảm tốc và chuyển sang các số thấp (L, D1, D2 trên xe số tự động hoặc số 1, 2 trên xe số sàn) để hạn chế tốc độ di chuyển.

Bật đèn cảnh báo

Trong trường hợp nguy hiểm nhất là khi mất lái trên đoạn đường có nhiều xe hoặc trên cao tốc, lúc này cần kích thích đèn cảnh báo nguy hiểm hoặc đèn xin vượt, kết hợp bấm còi liên tục để tạo cảnh báo cho những tài xế khác.

Nếu tình huống xảy ra vào ban đêm, việc bật đèn cảnh báo sự cố và nháy đèn pha liên tục cũng là biện pháp hữu ích để thu hút sự chú ý từ các phương tiện khác. Hạn chế tốc độ và đảm bảo các phương tiện khác có đủ thời gian để rời khỏi vùng nguy hiểm.

Tìm vùng an toàn

Hãy nhanh chóng quan sát và tìm kiếm vùng an toàn để chuẩn bị dừng xe của bạn sau khi đã lấy lại được kiểm soát. Vùng an toàn có thể là làn đường khẩn cấp trên cao tốc, một khoảng trống trên lề đường quốc lộ hoặc bất kỳ vị trí nào bằng phẳng, không có vật cản và không gây nguy hiểm cho người khác.

Kiểm tra và tìm sự trợ giúp

Sau khi đã dừng được xe ở vùng an toàn, hãy cố gắng kiểm tra kỹ, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc chiếc xe bị mất lái. Và cuối cùng, hãy gọi đến các trung tâm dịch vụ bảo trì bảo dưỡng để nhận được sự hỗ trợ kịp thời nhất.

Công Hiếu(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn