'Kỳ án vườn mít': Bị cáo Lê Bá Mai lãnh án chung thân

Pháp luậtThứ Bảy, 31/08/2013 01:24:00 +07:00

(VTC News) - Sau 1 ngày xét xử, HĐXX phúc thẩm lần 3 tuyên án bị cáo Lê Bá Mai lãnh án tù chung thân.

(VTC News) - Sau 1 ngày xét xử, HĐXX phúc thẩm tối cao lần 3 tuyên án bị cáo Lê Bá Mai lãnh án tù chung thân.

Trước đó, VKS tối cao đề nghị tử hình bị cáo Lê Bá Mai với hành vi "hiếp dâm trẻ em" và "giết người" trong vụ án được mang tên "Kỳ án vườn mít".
Ngày 30/8, "Kỳ án vườn mít" đã được đưa ra xét xử phúc thẩm lần 3 tại TAND tối cao. Mặc dù tòa đã triệu tập hợp lệ nhưng chỉ có 3 nhân chứng có mặt là ông Trần Văn Sinh, ông Điểu Ky và Thị Hằng. Những nhân chứng khác vắng mặt nhưng HĐXX cho rằng họ đã có lời khai tại Cơ quan điều tra cũng như các phiên tòa trước đây, nên vẫn tiến hành xét xử. 
Những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều có mặt tại phiên tòa như ông Dương Bá Tuân, chủ trang trại thuê Lê Bá Mai làm việc, gia đình nạn nhân có ông Điểu Cẩn, bà Thị Đê là cha mẹ của nạn nhân và Thị Hằng là nhân chứng.
Có 3 luật sư nhận bào chữa cho bị cáo Lê Bá Mai, đó là luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM), luật sư Huỳnh Thế Tân (Đoàn Luật sư TP.HCM) và luật sư Trịnh Thanh (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). 
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) của Quốc hội cũng có mặt với tư cách dự khán. 
"kỳ án vườn mít", tòa án Bình Phước, VKS Bình Phước, bị cáo Lê Bá Mai.
 Bị cáo Lê Bá Mai (ngồi giữa) trong phiên phúc thẩm TAND tối cao lần 3 ngày 30/8/2013. Ảnh: Phan Cường
Trong suốt quá trình trả lời thẩm vấn của HĐXX, Mai luôn khẳng định mình không phải là hung thủ hiếp dâm, giết chết nạn nhân. Khi HĐXX hỏi Mai về những việc gì đã làm trong ngày xảy ra án mạng 12/11/2004, Mai trả lời: “Lúc đó bị cáo làm rẫy nhưng không nhớ cụ thể là làm việc gì vì thời gian quá lâu”. Ngoài ra, trước thời gian bị bắt, bị cáo không biết Điểu Ky, Điểu Cẩn, Thị Út, Thị Hằng là ai, điều này hoàn toàn ngược lại khi những người này khai biết bị cáo Mai làm thuê cho ông Dương Bá Tuân.

HĐXX hỏi: "Vì sao tại Cơ quan CSĐT bị cáo khai nhận tội còn đứng trước tòa lại chối?", Mai cho rằng do bị đánh đập, ép cung, nên sợ kí vào. 

Nói về phiên tòa sơ thẩm lần 1 vào tháng 3/2005, bị cáo nhận tội và bị tuyên tử hình, sau đó bị cáo làm đơn kháng cáo xin được giảm án, Mai cho rằng: “Lúc đó bị cáo không biết kêu oan như thế nào nên xin giảm hình phạt để ra tòa phúc thẩm kêu oan nhưng HĐXX không chấp nhận”.

Trước những bút lục Mai nhận tội được chủ tọa công bố tại phiên tòa, Mai vẫn khăng khăng bị Cơ quan điều tra, VKSND tỉnh Bình Phước ép nhận tội, thực sự bị cáo không hiếp dâm và giết Thị Út như cáo trạng cáo buộc.

Phát biểu quan điểm, kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn, Phó viện trưởng Viện phúc thẩm 3, nhận định có đủ căn cứ tuyên buộc bị cáo phạm tội “hiếp dâm” và “giết người”. Theo ông Sơn, lời khai của bị cáo trước đây phù hợp với hiện trường vụ án như bị cáo khai bị hại không mặc quần lót, nằm sấp úp mặt xuống... hoàn toàn đúng với thực tế. 

"Mặc dù bị cáo một mực kêu oan nhưng căn cứ vào chứng cứ trong hồ sơ và lời khai nhân chứng cho thấy các tình tiết của vụ án về thời gian, không gian, địa điểm là phù hợp", - đại diện VKS nhận định.

Về thời gian xảy ra vụ án, Nguyễn Văn Trong - người làm trang trại cùng với Mai - khai nhận, khoảng 9 giờ sáng ngày xảy ra vụ án, Mai có thời gian vắng mặt tại chòi cho đến trưa. Lời khai người cùng làng với Mai là bị cáo vắng mặt vào khoảng thời gian trùng khớp với thời gian Hằng nhìn thấy "Mai chở Út". Lời khai Hằng nhìn thấy Mai chở đi và việc mọi người đổ đến chòi của Mai tìm Út...

"Đây là tình tiết quan trọng vì thời điểm này chưa thấy xác nạn nhân, cơ quan công an cũng chưa biết sự việc thì những người này đã đến gặp Mai", vị công tố nhận định.

Từ những chứng cứ, lập luận đó, VKS khẳng định Mai phạm tội "hiếp dâm trẻ em" và "giết người". Đồng thời, đại diện VKS đề nghị chấp nhận kháng nghị, tăng hình phạt đối với bị cáo Mai, bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Mai, đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình.

Trong phần bào chữa của các luật sư dành cho bị cáo Lê Bá Mai, luật sư Huỳnh Thế Tân đã đưa ra những điểm sai sót trong hồ sơ và sai sót của cơ quan tố tụng. Ông Tân đề nghị tha bổng cho bị cáo Mai tại tòa và xét xử nghiêm minh đối với những cán bộ tố tụng đã cố tình làm sai phạm tố tụng khiến vụ án kéo dài tới 9 năm.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm nói: "Trong lịch sử tố tụng Việt Nam đã có những vụ án oan sai mà người thi hành án đã phải thi hành án xong rồi thì thủ phạm đích thực mới bị bắt. Tôi đề nghị HĐXX sáng suốt xem xét không thể đẩy một thanh niên vô tội vào tù vì sự sai sót của những người tiến hành tố tụng ban đầu”.

 Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (ngồi hàng đầu)- người gửi tâm thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn Chủ tịch quan tâm đến "kỳ án". Ảnh: Phan Cường

Theo bản án sơ thẩm, Mai làm thuê cho trang trại của ông Dương Bá Tuân (xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Sáng 12/11/2004, trong lúc đi rải phân cho cây trồng, Mai phát hiện Thị Út (SN 1993) và Thị Hằng (SN 1995) đi mót củ sắn nên quay trở lại lấy xe máy chở Út đến khu vườn mít để hiếp dâm, dùng quần của nạn nhân siết cổ Út đến chết sau đó vùi xác gần cây mít.

Năm 2005, TAND tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Mai mức án tử hình. Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã giữ nguyên bản án này. Mai "đánh trống" kêu oan.

Tháng 12/2006, Viện trưởng VKSND tối cao ra kháng nghị giám đốc thẩm, đánh giá cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết tội Mai là "chưa có căn cứ vững chắc", yêu cầu làm rõ một số vấn đề. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án để điều tra lại.

Tháng 5/2011, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần hai tuyên bị cáo "không phạm tội", trả tự do ngay tại tòa. VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị, yêu cầu tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét xử lại theo hướng buộc tội đối với bị cáo. Ngày 18/5/2012, Mai bị bắt giam lại. Tháng 6/2012, TAND tối cao tại TP.HCM tuyên hủy án để điều tra và xét xử lại từ đầu.

Tháng 1/2013, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần 3 tuyên phạt Mai tù chung thân. Ngay sau đó, VKSND cùng cấp kháng nghị yêu cầu tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xử bị cáo án tử hình. Mai tiếp tục kêu oan.

Tháng 8/2013, TAND tối cao phúc thẩm lần 3 tuyên phạt bị cáo Lê Bá Mai án chung thân.

Vụ án với thời gian kéo dài gần 10 năm, đã tốn không biết bao nhiêu thời gian công sức cho bị hại mà cả gia đình bị cáo và cả của các cơ quan tố tụng. Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm với những lần tuyên tử hình, tha bổng rồi tù chung thân trong khi qua từng thời điểm, lời khai nhân chứng lẫn bị cáo bất nhất, thậm chí mâu thuẫn, chứng cứ buộc tội thiếu thuyết phục, nhiều vi phạm về tố tụng. Vì thế đây được coi là “kỳ án” trong lịch sử tố tụng Việt Nam.


Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn