Kiêng cữ gì trong ngày mồng 1 Tết?

Thời sựThứ Năm, 19/02/2015 12:25:00 +07:00

Từ xưa, vào 3 ngày Tết Nguyên đán, người Việt Nam thường có những tục kiêng kỵ để tránh những điều xui xẻo, không hay đến với gia đình, người thân của mình.

(VTC News)- Từ xưa, vào 3 ngày Tết Nguyên đán, người Việt Nam thường có những tục kiêng kỵ để tránh những điều xui xẻo, không hay đến với gia đình, người thân của mình.

Tết là dịp để cho các thành viên trong gia đình về sum họp quây quần bên những người thân yêu. Tết cũng là dịp cho mỗi gia đình sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa đón năm mới, đón những may mắn, tài lộc cho một năm gặp nhiều vạn sự như ý, cho qua đi những gì đen đủi của năm cũ.

Bên cạnh đó, Tết còn là ngày đặc biệt linh thiêng và ý nghĩa nhất đối với mỗi người Việt Nam. Chính vì vậy, vào 3 ngày Tết Nguyên đán người Việt thường có những tục kiêng kỵ để tránh những điều xui xẻo, không hay đến với gia đình, người thân của mình.
Những ngày cuối năm, người dân thường dọn dẹp lại nhà cửa, vườn tược để đến ngày đầu xuân mọi việc đều tươm tất, sạch sẽ, để tránh ngày Tết quét nhà, quét sân - Ảnh MK  
Kiêng quét nhà đổ rác trong các ngày Tết: Người Việt cho rằng, nếu đầu năm mà quét nhà thì mọi may mắn, tài lộc sẽ “theo” rác đi mất. Chính vì vậy, những ngày cuối năm, người dân sẽ dọn dẹp lại nhà cửa, vườn tược để đến ngày đầu xuân mọi việc đều tươm tất, sạch sẽ. 

Trong 3 ngày Tết, nếu cần phải quét nhà thì tất cả rác trong nhà đều được dồn vào một góc, sau Tết mới mang đi đổ. 

Tục lệ này bắt nguồn từ một điển tích Trung Quốc: Ngày xưa, có một người lái buôn tên là Âu Minh, trong một lần đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt. Như nguyệt là một người giỏi giang, tháo vát, giúp ông rất nhiều trong công việc. Từ ngày có Như Nguyệt ở trong nhà, gia đình ông luôn gặp những điều may mắn, công việc buôn bán được ăn nên làm ra nên giàu lên nhanh chóng. 

Một ngày nọ, nhân ngày mồng 1 Tết Nguyên Đán, Như Nguyệt mắc một lỗi nhỏ bị Âu Minh đánh đập nên chui vào đống rác trốn. Âu Minh không biết, hốt rác đi đổ. Từ đó gia đình người lái buôn làm ăn ngày càng thất bát, mọi rủi ro dồn dập đến trong năm đến nỗi Âu Minh từ một người rất giàu có nhưng chỉ trong một năm trở thành kẻ nghèo khổ. Kể từ đó, mọi người kiêng quét nhà đổ rác vào 3 ngày Tết, sợ rằng quét hết tiền bạc, vận may ra khỏi nhà. 

Vì vậy, ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng ráng tranh thủ dọn dẹp lại nhà cửa, bàn thờ, vườn tược sạch sẽ trước lúc giao thừa và trong ngày Tết hạn chế vứt rác bừa bãi. 

Kiêng những người xông đất (hay đạp đất, mở hàng) nặng vía: Tục lệ này đã có từ lâu đời, tính từ thời khắc giao thừa, người nào đến nhà đầu tiên thì được gọi là xông đất cho gia chủ. 

Người ta quan niệm, người xông đất cũng như người mở hàng đầu tiên, nếu nhẹ vía thì gia chủ sẽ mua may bán đắt, còn nặng vía thì việc buôn bán cũng theo đó mà trì trệ. 

Chính vì vậy, người khách đến nhà đầu tiên trong năm mới cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên, người ta thường nhờ những người bà con hay láng giềng có tính tình vui vẻ, linh hoạt, đạo đức tốt và thành đạt đến xông đất cho nhà mình. 
Người ta thường nhờ những người bà con hay láng giềng có tính tình vui vẻ, linh hoạt, đạo đức tốt và thành đạt đến xông đất cho nhà mình sáng mồng 1 Tết - Ảnh MK.  
Kiêng cho lửa, nước trong các ngày Tết: Vào các ngày Tết – nhất là vào ngày mồng 1 người ta kỵ người khác đến xin lửa, nước của nhà mình. Bởi người ta quan niệm, lửa có màu đỏ - là màu tượng trưng cho sự may mắn, cho người khác lửa tức là cho cái đỏ trong ngày Tết thì sẽ gặp vận đen đủi trong cả năm. 

Nước – vốn được ví như nguồn tài lộc, tiền bạc (bởi có câu: Tiền vô như nước) nên nếu cho người khác nước thì trong năm không giữ được tiền bạc, của cải.

Kiêng cho vay mượn tiền bạc, của cải đầu năm: Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân mở cửa để đón tài lộc, nếu cho mượn hay trả giống như đang dâng tài lộc vào tay người khác. Chính vì vậy, không nên vay hoặc trả tiền bạc, đồ đạc vào những ngày đầu năm mới vì sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần cả năm.

Kiêng ăn thịt chó, cá mè, vịt, trái chuối: Trong dân gian quan niệm đây là những động vật, thực vận gắn liền với điều không may, vì vậy đầu năm kiêng ăn các loại thức ăn này để tránh gặp vận xui xẻo, rui ro trong năm.

Kiêng làm vỡ đồ đạc như bát đĩa, ly tách và những vật dụng trong gia đình: Vì nếu làm vỡ đồ đạc thì gia đình sẽ dễ bị rạn nứt, gây bất hòa giữa các thành viên trong gia đình.

Kiêng mặc quần áo màu đen hoặc trắng: Theo quan niệm xưa, màu đen và màu trắng là màu của tang lễ, chết chóc. Vì vậy tránh mặc những đồ màu này, thay vào đó là mặc đồ màu đỏ xanh, vàng, hồng, hoa văn sặc sỡ…tạo sự vui tươi, phấn khởi trong những ngày Tết. 

Kỵ tang ma: Tết Nguyên Đán là Tết cả, là ngày vui nhất của cả năm nên những gia đình nào có tang (đau buồn khi có người thân mất) thì không đi chúc Tết người khác. 

Người ta quan niệm, nếu có tang mà đi đến nhà người khác sẽ ảnh hưởng đến niềm vui chung của mọi người, của gia đình đó nên chỉ ở nhà đón khách đến chúc Tết chứ không đi đâu cả. 

Trường hợp gia đình có người chết vào ngày cuối năm, nếu có thể được thì người ta cũng ráng chôn cất trong năm cũ, vì kỵ đầu năm mới có ma không hay. Trường hợp nếu chết đúng vào ngày mồng 1 Tết thì cũng chưa vội phát tang, để sang ngày mồng 2 làm lễ phát tang để người thân, bạn bè, hàng xóm không phải đi viếng vào ngày đầu năm mới.

Kiêng mở tủ vào ngày mồng 1 Tết: Một số gia đình kiêng mở tủ vào ngày đầu năm do quan niệm rằng, tủ là nơi cất giữ tài sản, nếu mở tủ lấy tài sản ra tức là làm mất mát của cải của gia đình.

Kiêng nói tiếng to, cãi nhau hay mắng người khác: Đây là những việc mang lại sự ồn ào hỗn loạn và đem lại nỗi buồn cho người khác. Trong ngày Tết, mọi người thường quan tâm đến cách ứng xử đối với người xung quanh. 

Ngày Tết, là ngày vui của năm thì mọi người thường tỏ ra vui vẻ, hồ hởi và thân mật với những người xung quanh để tạo không khí ấm áp, vui tươi của mùa xuân. 
Người Việt tin vào những điềm lành sẽ đến với gia chủ như việc chưng hoa mai, hoa đào, cây quất trong những ngày Tết sẽ mang lại điềm may mắn trong những ngày Tết - Ảnh MK 
Ngoài những kiêng cữ trên đây, bà con người Việt ta còn tin vào những điềm lành sẽ đến với gia chủ như việc chưng hoa mai, hoa đào, cây quất trong những ngày Tết sẽ mang lại điềm may mắn trong những ngày Tết.

Nếu sau giao thừa, hoa mai nở thêm thì đó là dấu hiệu may mắn, còn hoa đào có nhiều cánh, kép 3 lớp trên đài hoa và hoa có dáng như bông hồng thì có nhiều phúc lộc. 

Cây quất nếu đủ “tứ quý”: quả chín, quả xanh, hoa và lộc thì năm đó gia chủ gặp may mắn và thành đạt. Chính vì vậy, vào dịp Tết Tết Nguyên Đán, bà con thường mua hoa mai, hoa đào, cây quất về chưng với hi vọng trong năm có đầy đủ sự may mắn, tài lộc và thành đạt.
Ngày nay, người dân treo đèn lồng trong nhà vào những ngày Tết, với mong muốn Tài, Lộc, Hỷ sẽ đến với gia chủ trong năm mới - Ảnh MK 
Mỗi phong tục chứa đựng những giá trị văn hóa khác nhau, bản sắc văn hóa khác nhau nhưng tựu trung lại là làm cho đời sống tinh thần con người ngày một nâng cao. 

Dù ở cất cứ nơi đâu, việc gìn giữ và lưu truyền những tập tục văn hóa mà ông cha để lại cũng sẽ tạo nên màu sắc đa dạng cho ngày Tết, làm cho ngày Tết thiêng liêng và đầy trân trọng, để mỗi người trong chúng ta được tự hào là có ngày lễ Tết cổ truyền mang đậm tính nhân văn.

Minh Khang(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn