Kịch bản hạn chế xe máy ở Đà Nẵng

Thời sựThứ Hai, 31/03/2014 06:51:00 +07:00

(VTC News)- Đà Nẵng có thể thực hiện thí điểm ở một số tuyến phố chính như Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành… sau đó sẽ khích lệ người dân tham gia.

(VTC News) - Đà Nẵng có thể thực hiện thí điểm ở một số tuyến phố chính như Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành,… sau đó sẽ khích lệ người dân cùng tham gia.

Xung quanh chủ trương hạn chế xe máy và áp dụng xe đạp công cộng tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng đã có những chia sẻ về kịch bản thực hiện chủ trương này tại Đà Nẵng.

- Ông có thể cho biết kịch bản nào cho Đà Nẵng khi thực hiện hạn chế xe máy, áp dụng xe đạp?

Bây giờ mà nói đến thực hiện như thế nào thì còn hơi sớm. Nhưng thực thi, Sở sẽ giao cho bộ phận chuyên môn xây dựng đề án từ chọn tuyến đường cho đến phương án giao thông, quy hoạch cụ thể. Tôi nghĩ là sẽ thực hiện tốt.


Kịch bản có thể thực hiện thí điểm ở một số tuyến đường như Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành,… có mật độ dân cư không quá đông. Sau đó khích lệ người dân cùng tham gia cũng là một ví dụ. Hay tích hợp điểm chờ xe buýt kiêm giữ xe máy, xe đạp ở một số điểm đầu và điểm cuối.

Tiếp đến là tại các trạm trung chuyển, điểm chờ với điểm giữ xe đạp, xe máy tập trung với mức phí giữ xe thấp hơn bình thường để khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Ba, nếu áp dụng hạn chế xe máy và sử dụng xe đạp công cộng thì đường Bạch Đằng sẽ được thí điểm đầu tiên
Theo ông Nguyễn Xuân Ba, nếu áp dụng hạn chế xe máy và sử dụng xe đạp công cộng thì đường Bạch Đằng sẽ được thí điểm đầu tiên 
- Đà Nẵng có thuận lợi gì khi thực hiện việc hạn chế xe máy này, thưa ông?

Tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm tốt chủ trương này vì Đà Nẵng có nhiều thuận lợi từ cơ sở hạ tầng giao thông và nhất là ý thức người dân Đà Nẵng rất cao.

Hiện nay, Đà Nẵng đã có nhiều người tham gia giao thông bằng xe đạp. Việc sử dụng xe đạp không chỉ ở người cao tuổi tập thể dục mà có cả công chức, thanh niên và giới trẻ. Đặc biệt là xu hướng sử dụng xe đạp trong người dân đang có chiều hướng tăng lên.

Bên cạnh đó, với định hướng phát triển lên thành phố môi trường thì chủ trương này rất phù hợp. Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã và đang đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng với khoảng 14 tuyến xe buýt thông thường và xe buýt nhanh từ nay đến 2020 thì đây là tiền đề để giảm phương tiện giao thông cá nhân, chuyển sang giao thông công cộng và xe đạp.

Theo tôi, nếu thực thi chủ trương này ngay bây giờ thì Đà Nẵng cũng có thể triển khai tốt.

- Nhưng để thực hiện được, thành phố sẽ phải có những bước chuẩn bị ra sao?

Muốn thành công điều cần nhất là phải thay đổi từ ý thức người dân, cần có thời gian từ tuyên truyền, khuyến khích,… rồi sau đó mới nhắc nhở, hay biện pháp kiên quyết để rồi người dân chuyển dần từ xe máy sang phương tiện công cộng rồi đến sử dụng xe đạp để đi lại.

Một bài học gần nhất đó là việc gần như toàn bộ người dân Đà Nẵng đã đội mũ bảo hiểm khi ra đường. Đó là thành công của việc tuyên truyền, kết hợp với hỗ trợ, hướng dẫn… để người dân thấy được lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm. Và việc hạn chế xe máy cũng vậy, cần cho người dân thấy được lợi ích của chủ trương này.

Hay trong thời gian tới, việc đa số công chức Đà Nẵng sẽ làm việc tại Trung tâm hành chính tập trung cũng sẽ là một thuận lợi để một bộ phận công chức sẽ đi xe buýt và sử dụng phương tiện xe đạp để đi làm… Khi ấy, chúng ta có thể thấy hình ảnh công chức đi làm bằng xe đạp, xe buýt rất đẹp, càng thuyết phục người dân tham gia.

Ngoài ra, Đà Nẵng có bán kính đô thị không lớn với cự ly dưới 10km thì việc đi lại bằng xe đạp và giao thông công cộng sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên, để thực hiện tốt, Đà Nẵng cần đầu tư, quy hoạch các điểm để xe máy, xe đạp, ô tô để người dân có thể yên tâm chuyển đổi phương tiện khi đến các khu vực quy định. Tất cả phải mang tính toàn diện và đồng bộ.
Quản lý, điều tiết giao thông bằng hệ thống camera thông minh là một ưu điểm để tích hợp chuỗi phương tiện giao thông công cộng cho Đà Nẵng
Quản lý, điều tiết giao thông bằng hệ thống camera thông minh là một ưu điểm để tích hợp chuỗi phương tiện giao thông công cộng cho Đà Nẵng  
- Thời gian qua, Đà Nẵng đã đầu tư rất nhiều cho giao thông công cộng như mạng lưới xe buýt, hệ thống đèn tín hiệu… Ông có thể cho biết hệ thống giao thông đó có hỗ trợ gì cho chủ trương này?

Hiện Đà Nẵng đang có 6 tuyến xe buýt hoạt động trên địa bàn với 1 tuyến nội thị và 5 tuyến kết nối với tỉnh Quảng Nam. Nếu nói hệ thống này đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì không chính xác. Chính vì vậy, trong thời gian từ nay đến năm 2020 Đà Nẵng sẽ đầu tư thêm nhiều tuyến xe buýt hiện đại.

Cụ thể, từ nay đến năm 2015, Đà Nẵng sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của chiến lược giao thông công cộng, đưa thêm 5 tuyến xe buýt nội thị vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Song song với đó là đầu tư thêm 3 tuyến xe buýt nhanh BRT nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đến 2020 sẽ hoàn thiện. Đó là chưa nói đến định hướng quy hoạch tàu điện trên cao và tàu điện ngầm, các nút giao thông khác…

Và nếu như vậy, Đà Nẵng sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân khi dân số tăng cao cũng như thực hiện chủ trương hạn chế xe máy. Một chuỗi giao thông công cộng và giao thông thân thiện với môi trường sẽ được định hình phù hợp với định hướng trở thành thành phố môi trường mà Đà Nẵng đang theo đuổi.
Việc áp dụng xe đạp công cộng sẽ tạo nên hình ảnh du lịch mới cho thành phố Đà Nẵng vốn đã thu hút du khách (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư hệ thống đèn tín hiệu, quản lý giao thông nội thị thông minh với hệ thống điều khiển trung tâm nên việc áp dụng chủ trương này sẽ mang lại cho Đà Nẵng một hình ảnh mới.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ!

» Cấm xe máy, thí điểm xe đạp công cộng ở 5 thành phố lớn
» Cấm xe máy: 5 thành phố lớn sắp đưa ra lộ trình
» Xe máy ế ẩm, có nên tranh thủ cấm?

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn