Khủng bố tin nhắn: BV Hoài Đức có bao che người vi phạm?

Thời sựThứ Hai, 11/08/2014 07:03:00 +07:00

Những người bị tố cáo vẫn được làm chuyên môn tại bệnh viện, còn người tố cáo sai phạm liên tục nhận tin nhắn đe dọa.

Những người liên quan đến vụ việc nhân bản xét nghiệm rúng động tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức vẫn được làm chuyên môn tại bệnh viện còn người tố cáo sai phạm liên tục nhận tin nhắn đe dọa.

Chị Hoàng Thị Nguyệt - người đã dũng cảm đứng ra tố cáo vụ nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức thường xuyên bị đe dọa,  khủng bố, nhục mạ của những kẻ nặc danh. Vụ việc đã xảy ra được một năm, tháng 3/2014, tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử các bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Các đối tượng đều bị xử phạt tù treo, riêng bị cáo Vương Thị Thành bị xử 12 tháng tù giam vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạnh trong thi hành công vụ.

Theo phản ánh, hiện tại còn nhiều cán bộ trong vụ vi phạm vẫn đang làm việc bình thường tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức khiến người bệnh và dư luận bất bình.

Bệnh viện đa khoa Hoài Đức. 

Trao đổi với PV, ông Trần Như Dũng -  Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức cho biết thông tin những cán bộ vi phạm trong vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức vẫn đang làm việc tại bệnh viện là không chính xác, bệnh viện đã xử lý cắt hợp đồng và cảnh cáo những người vi phạm.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, bà Thành (Vương Thị Kim Thành - nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7.3, bị cáo Thành bị tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ) đang kháng án nên vẫn làm công tác chuyên môn.

"Bà Thành đã không giữ chức trưởng khoa, mỗi tuần bà đến làm công tác chuyên môn vài ngày" -  ông Trần Như Dũng -  Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức nói.

Trường hợp của ông Nguyễn Trí Liêm - nguyên Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức đã bị tòa xử phạt cảnh cáo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hiện nay đang chờ kết quả kỷ luật của UBND Thành phố.

Ông Dũng khẳng định hàng ngày ông Liêm có đến bệnh viện tham gia sinh hoạt tại bệnh viện, không đảm nhận trách nhiệm quản lý hay chuyên môn khác của bệnh viện.

Còn trường hợp Nguyễn Thị Thu Trang (24 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm), Nguyễn Thị Hồng Nhung (24 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm), Nguyễn Đồng Sơn (25 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm) đang có hợp đồng làm việc với bệnh viện đã bị buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng.

Ba người vi phạm bị kỷ luật cảnh cáo là Phan Thị Oanh -  kỹ thuật viên trưởng của Bệnh viện, Nguyễn Thị Xuyên (53 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm), Vương Thị Lan (26 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm) đã bị bệnh viện tiến hành cảnh cáo. Hiện tại ba nhân viên này vẫn đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Ông Dũng cho rằng "chúng tôi làm đúng nguyên tắc của kỷ luật cảnh cáo với cán bộ, nhân viên".

Về việc Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 6/4/2012, quy định rõ việc cách chức, buộc thôi việc của cán bộ, nhân viên vi phạm pháp luật, ông Dũng cho rằng "chúng tôi đã hỏi cơ quan thi hành án rất kỹ và được biết khi bị xử án treo vẫn được công tác và theo sự kiểm soát của bệnh viện. Các cán bộ đó đã bị kỷ luật cảnh cáo trước toàn cơ quan và vẫn được làm việc công tác chuyên môn của mình".

Còn về trường hợp của chị Hoàng Thị Nguyệt, ông Dũng cho biết "hiện nay cô Nguyệt có đơn xin chuyển sang bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn. Công việc hiện tại của chị Nguyệt làm việc tại bộ phận nhiễm khuẩn của Bệnh viện".

Trước thông tin chị Nguyệt liên tục bị nhắn tin khủng bố, ông Dũng cho rằng "chúng tôi đã báo công an huyện Hoài Đức về việc chị Nguyệt bị đe dọa. Hiện tại, phía bệnh viện cũng có công tác bảo vệ giám sát đảm bảo an toàn. Trên đường đi và ở nhà của chị Nguyệt thì chúng tôi đã báo cáo công an huyện".
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM):

Theo quy định khoản 3 điều 12 Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 6 tháng 4 năm 2014 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức thì những trường hợp bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ sẽ buộc phải cách chức.

Cũng theo khoản 1 điều 13 luật này, thì những người bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng sẽ bị buộc thôi việc.

Mặt khác, đa phần các bị cáo trong vụ án "nhân bản xét nghiệm" tại Bệnh viện Hoài Đức đều bị truy tố, xét xử theo theo điều 281 Bộ luật Hình sự. Mà điều 281 nằm trong chương các Tội phạm về tham nhũng. Như vậy dù là án treo nhưng đã thỏa mãn điều kiện phải "buộc thôi việc".

Đây là một nghịch lý khá rõ ràng ở bệnh viện Hoài Đức: Người tố cáo, chống tiêu cực thì chịu khổ, người vi phạm (nhấn mạnh, vi phạm Bộ luật Hình sự về tội tham nhũng) lại được xử lý nương tay (vẫn được làm việc).

Để xảy ra nghịch lý này, trước hết, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo bệnh viện Hoài Đức, sau đó là Phòng nội vụ huyện Hoài Đức, Sở Nội vụ Tp Hà Nội. Bên cạnh đó, các cấp quản lý sở Y tế Hà Nội cũng không thể không có trách nhiệm trong việc này.

(Hồng Chuyênghi)

» Đang xét xử vụ nhân bản kết quả xét nghiệm
» 'Nhân bản' kết quả xét nghiệm để lấy tiền chia nhau
» Vụ Hoài Đức: Người đặt camera bị khởi tố kêu cứu

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn