Không phải trường nào cũng được giao đào tạo liên thông

Giáo dụcThứ Sáu, 29/10/2010 08:44:00 +07:00

(VTC News) - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết khi trường muốn đào tạo liên thông thì phải làm thủ tục đăng ký, trong đăng ký đó, trường phải nói rõ...

(VTC News) - Hôm qua 28/10 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga và Thứ trưởng thường trực Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc đã ký kết thông tư liên tịch hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp (TC) nghề, cao đẳng (CĐ) nghề lên trình độ CĐ và đại học (ĐH). Xung quanh vấn đề được rất nhiều học viên trung cấp nghề, cao đẳng nghề quan tâm, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga để làm rõ hơn vấn đề này.
   

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.
 

-  Thưa ông, tiêu chuẩn để được đào tạo liên thông trung cấp (TC) nghề,  cao đẳng (CĐ) nghề lên ĐH như thế nào?

Đối với người đã tốt nghiệp trung cấp nghề, nếu chỉ tốt nghiệp THCS phải học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp THPT đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thời gian đào tạo liên thông từ trung cấp lên CĐ và từ CĐ lên ĐH được thực hiện từ 1,5 đến 2 năm; từ trung cấp nghề lên trình độ ĐH được thực hiện từ 3 – 4 năm.

Thứ trưởng thường trực Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc khẳng định, thông tư liên tịch hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ TC nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH có ý nghĩa rất quan trọng đáp ứng nguyện vọng thiết tha của người dân trong việc được tiếp tục học cao hơn.
 

 


- Đào tạo liên thông từ TC nghề, CĐ nghề lên CĐ, ĐH đang có độ lệch giữa lý thuyết và thực hành. Vậy, về vấn đề này, Bộ CG&ĐT có cách giải quyết như thế nào đối với các trường chuẩn bị liên thông?

Trong điều kiện để có thể liên thông được có ràng buộc rất chặt chẽ trong thông tư này và trong các văn bản sắp tới. Điều kiện liên thông từ hệ Trung học nghề, CĐ nghề lên CĐ, ĐH nếu các trường đăng ký thì họ phải có nhiệm vụ là bồi dưỡng thêm kiến thức về văn hóa cho những em học hệ nghề này. Các em đã có thế mạnh về kỹ năng thực hành nghề nghiệp rất tốt rồi, bây giờ bổ sung thêm kiến thức về lý thuyết nữa thì họ sẽ trở thành người lao động toàn diện có kiến thức và thực tiễn lý thuyết nên sẽ thích nghi nhanh chóng trong môi trường hiện nay.

-  Vậy những trường TC nghề, CĐ nghề nào sẽ được liên thông?

Không phải trường TC, CĐ nghề nào cũng có thể được đào tạo liên thông. Khi trường muốn đào tạo liên thông thì phải làm thủ tục đăng ký, trong đăng ký đó, trường phải nói rõ chương trình đào tạo của hệ này, bổ sung bao nhiêu kiến thức về lý thuyết, môn nào, bao nhiêu giờ… Trên cơ sở đó Bộ GD&ĐT sẽ xem xét. Ngoài ra, các trường phải công khai về cơ sở vật chất và trình độ giáo viên để Bộ GD&ĐT phê duyệt. Bên cạnh đó Bộ GD&ĐT sẽ có những hướng dẫn hết sức cụ thể để các trường có thể thực hiện tốt.

- Liệu ông có lo ngại về sự chênh lệch kiến thức, trình độ giữa sinh viên hai hệ này khi bắt đầu học cùng một chương trình?

 Ông Trần Văn Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nội chia sẻ: “Hơn 180 trường CĐ nghề và 290 trường trung cấp nghề trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH đã chờ đợi thông tư này từ rất lâu. Đây không chỉ là cơ hội cho học sinh trường nghề mà còn là cơ hội để các trường TC và CĐ nghề tự tin đào tạo chuyên sâu hơn về tay nghề cho lao động”.

 


Trên thực tế, khi các em ở các trường nghề vào học tại các trường CĐ, ĐH thuộc Bộ GD&ĐT  thì chính những kỹ năng nghề của các em này sẽ giúp ích rất nhiều cho các em học ở các trường thuộc Bộ GD&ĐT để nâng cao kiến thức thực hành. Đó cũng là điều hết sức quan trọng. Bằng chứng là trong những năm qua khi áp dụng hệ liên thông trong các trường thuộc hệ thống Bộ GD&ĐT thì chính những các em học học TC, CĐ lại giúp rât nhiều các em học khác nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

- Trong việc liên thông từ TC lên CĐ, CĐ lên ĐH ở trong Bộ GD&ĐT thì đã có những “bất cập” nhất định. Hiện nay việc liên thông tới cả các trường TCCN, CĐ nghề, việc này có gây quá tải với các trường ĐH thuộc Bộ GD& ĐT hiện nay không thưa ông? Biện pháp là gì để việc liên thông thực chất hơn?


Khi các trường đăng kí và nhận hệ liên thông này thì họ phải khai báo về cơ sở vật chất của các trường. Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh thông qua việc giao chỉ tiêu cho các trường. Không có chuyện một trường có năng lực yếu mà được giao nhiều việc. Rất nhiều trường sẽ không được Bộ GD&ĐT giao cho hệ đào tạo liên thông này. Những trường còn có năng lực về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ thì Bộ GD&ĐT sẽ giao cho thêm chỉ tiêu để nhà trường thu hút thêm sinh viên.
 
Thứ trưởng thường trực Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thay mặt hai bộ ký thông tư liên tịch. Ảnh:Phạm Thịnh.

- Học liên thông sẽ không chỉ học tại trường ĐH mà còn có thể học tại các trường CĐ, TCCN, trung tâm GDTX  tại các địa phương. Vậy Bộ GD&ĐT sẽ quản lý vấn đề này như thế nào?

Việc quản lý đào tạo học sinh các trường TC, CĐ nghề liên thông được thực hiện theo quy chế tổ chức hệ tại chức đã có. Trên cơ sở quy chế về đào tạo tại chức đó, Bộ GD&ĐT sẽ quản lý về chất lượng đào tạo. Vì vậy dù có được dạy tại trường ĐH, CĐ hay các trung tâm GDTX, thậm chí ở địa phương thì vẫn có cơ chế phù hợp, chặt chẽ

- Xin cảm ơn thứ trưởng!

Phạm Thịnh
(thực hiện)

 

  Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn