Không nên “phân biệt đối xử” với Việt kiều

Thời sựThứ Tư, 27/10/2010 07:52:00 +07:00

Nhiều ĐBQH e ngại việc giao quyền tự chủ cho người đứng đầu ở các lĩnh vực nóng như giáo dục, y tế sẽ dễ xảy ra tình trạng lạm quyền, tiêu cực.

Sáng 26/10, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Viên chức, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) e ngại việc giao quyền tự chủ cho người đứng đầu trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, nhất là ở các lĩnh vực nóng như giáo dục, y tế… sẽ dễ xảy ra tình trạng lạm quyền, tiêu cực.

Theo ĐB Vi Thị Hương (Điện Biên), việc giao quá nhiều quyền cho một cá nhân có thể dẫn đến sự độc đoán, thậm chí là cố ý làm trái để trục lợi. “Bên cạnh việc tăng quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu và thực hiện công khai, minh bạch quá trình ra quyết định” - bà Hương kiến nghị.

Về việc có nên tuyển dụng Việt kiều làm viên chức hay không, nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần điều kiện là công dân Việt Nam, không nên phân biệt định cư trong nước hay ngoài nước. “Hôm nay viên chức ấy có thể ở Seoul nhưng ngày mai sau 5 tiếng đồng hồ đã có mặt tại Hà Nội, hôm nay ở New York nhưng một ngày sau đã có thể có mặt tại Hà Nội rồi. Trong xu thế hội nhập mà chúng ta đưa ra những rào cản như vậy thì liệu có thu hút được trí tuệ không?” - ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nói.

Đồng tình, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng chỉ nên quy định điều kiện tuyển viên chức là công dân Việt Nam và họ có thể đang cư trú ở Việt Nam hoặc đang cư trú ở nước ngoài. Khi tuyển dụng vào cơ quan nào thì họ sẽ phải tuân thủ quy định của cơ quan đó.

Chiều cùng ngày, các ĐBQH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo tờ trình của Chính phủ, DN bảo hiểm, kể cả DN bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới phải trích lập quỹ bảo vệ người tham gia bảo hiểm trên cơ sở doanh thu phí bảo hiểm. Chính phủ quy định tỉ lệ trích lập, quản lý và sử dụng quỹ.

Tuy nhiên, một số ĐB không đồng tình với đề xuất trên vì lo ngại việc  lập quỹ sẽ gây khó khăn cho DN, gây ảnh hưởng đến mức phí bảo hiểm. ĐB Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) cho rằng trích quỹ như trên sẽ làm chi phí tăng lên, người mua bảo hiểm phải chịu mà không được hưởng. Ngược lại, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) và Trần Du Lịch (TP.HCM) ủng hộ hoàn toàn việc lập quỹ này. Theo các ĐB, kinh doanh bảo hiểm là một lĩnh vực phải chịu rất nhiều rủi ro. Nếu không có quỹ thì khi DN phá sản, người tham gia bảo hiểm sẽ không được bảo vệ quyền lợi. Do đó, việc trích lập quỹ dự phòng là hoàn toàn phù hợp. Đây cũng là quy định được rất nhiều nước trên thế giới thực hiện.

Theo T.Hằng -  Thành Văn/ Pháp luật TPHCM

Bình luận
vtcnews.vn