"Không nên cho người có án tích nuôi con nuôi"

Thời sựThứ Năm, 27/05/2010 06:39:00 +07:00

(VTC News)- Không nên để những người phạm tội nuôi con nuôi dù có phần nào không được nhân văn lắm. Nên xét mục đích nuôi con nuôi là vì quyền lợi trẻ em...

(VTC News) -  "Một người đã phạm những tội như thế, nhất là dụ dỗ, ép buộc người vị thành niên phạm tội rồi mua bán, chiếm đoạt, đánh tráo trẻ em, chỉ sau một vài năm tòa án xử không tái phạm là được xóa án tích, liệu người ta có thay đổi được bản chất hay không? "

Đây là một trong nhiều nội dung được ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đưa ra khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật nuôi con nuôi sáng nay (26/5).

Liệu người ta có thay đổi được bản chất hay không?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Ảnh: TTXVN) 
Nêu rõ về nội dung này trong dự thảo Luật nuôi con nuôi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ, có 4 trường hợp không được nhận con nuôi, gồm: Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Đang chấp hành hình phạt tù;

Cùng với đó, những người chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em - dự thảo Luật cũng quy định không được nuôi con nuôi.

Về nội dung này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, về điều kiện nêu về người chưa được xóa án tích về một trong các tội như xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm người khác, ngược đãi ông bà, cha mẹ; ép buộc dụ dỗ trẻ vị thành niên phạm tội và mua bán đánh tráo trẻ em thì không được nhận nuôi con nuôi... khiến ĐB này cho rằng, quy định như thế có nghĩa là ai đã được xóa án tích thì được nuôi con nuôi.

"Tôi cho là điều này không nên" - ĐB Thuyết nói. Theo đó, một người đã phạm những tội như thế, nhất là dụ dỗ, ép buộc người vị thành niên phạm tội rồi mua bán, chiếm đoạt, đánh tráo trẻ em thì chỉ sau một vài năm tòa án xử không tái phạm là được xóa án tích, "liệu người ta có thay đổi được bản chất hay không?"

"Tôi cho rằng không nên để những người này nuôi con nuôi. Nếu xét về khía cạnh nhân văn cũng có phần nào không được nhân văn lắm nhưng xét về khía cạnh thực hiện mục đích nuôi con nuôi vì quyền lợi trẻ em ,chứ không phải vì để những người này đỡ cô đơn lúc tuổi già mà chúng ta cho nuôi con nuôi . Tôi cho rằng không nên để cho những người đã có án tích, thậm chí có tiền sự những tội này được nuôi con nuôi" - ông Thuyết thắng thắn.

Vấn đề này được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Trưởng Ban soạn thảo) khẳng định, cần phải ghi nhận ý kiến của ĐB, "chúng tôi thấy rất cần phải có tính toán để điều chỉnh trong dự án luật này".

Chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài vẫn "nóng" tại nghị trường

Các ĐBQH đều đưa ý kiến xây dựng, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình (Ảnh: TD) 
Vấn đề được đa số ĐB quan tâm thảo luận là chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, ĐB Quách Cao Yềm (Kon Tum) lên tiếng, phải quy định có 2 khoản thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và chi phí giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. "Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tôi cho là phải nộp mặc nhiên rồi, cũng giống như chúng ta giải quyết các việc khác như khai sinh, đăng ký kết hôn, quốc tịch, việc này là hiển nhiên và có mức chung cho người nước ngoài cũng như trong nước".

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) thì cho rằng, nên có quy định, nên nộp, vì người Việt Nam đã có điều kiện nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi thì điều kiện cũng khá. Tuy nhiên, theo ĐB Thuyết thì có những chi phí như lệ phí đăng ký, lệ phí hồ sơ, phí xác minh là đương nhiên phải nộp và chúng ta quy định mức hợp lý là được - nhưng có những chi phí không nên bắt người ta nộp, như chi phí nuôi dưỡng giáo dục trẻ từ khi trẻ được giới thiệu làm con nuôi cho đến khi hoàn thành các thủ tục giao nhận con nuôi.

"Bây giờ tôi có con gái mà tôi lại đòi nhà chồng phải trả cho tôi toàn bộ chi phí từ khi bắt đầu đến dạm ngõ con tôi đến lúc tổ chức đám cuối thì tôi thấy rất vô lý, con nhà mình thì mình nuôi, đến lúc người ta nhận đi thì lúc đó người ta sẽ nuôi, chứ cớ gì mà mình lại đòi người ta từ lúc anh bắt đầu đặt vấn đề với tôi cho đến lúc anh nhận được về thì anh phải trả chi phí, tôi nghĩ không có lý" - ĐB Thuyết ví dụ.

Còn ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) lại nhìn nhận vấn đề phí theo một hướng khác. Theo ĐB Cư, tuy đa số đại biểu Quốc hội đề nghị dự án luật quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, coi đây là khoản tiền cá nhân phải nộp khi làm thủ tục xin nhận con nuôi, "nhưng theo tôi đề nghị không quy định vấn đề này trong dự án luật này, mà nên quy định việc quản lý nguồn vốn hỗ trợ nhân đạo để giáo dục, nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với định chế thu chi chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch".

ĐB Cư cho rằng, mô hình hỗ trợ nuôi con nuôi là một định chế tài chính mới mẻ nhưng nó hết sức cần thiết trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Với vai trò là đầu mối trung tâm các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực nuôi con nuôi, quĩ sẽ ngăn chặn việc trao đổi thỏa thuận trực tiếp giữa tổ chức con nuôi nước ngoài với các tổ chức cá nhân có thẩm quyền trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi, giảm thiểu khả năng tiêu cực và trục lợi.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) đề nghị không nên quy định khi người nước ngoài nhận nuôi con nuôi là người Việt Nam phải trả một khoản bù đắp, chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi và thù lao hợp lý cho nhân viên cơ sở nuôi dưỡng. Quy định như vậy sẽ dẫn đến hiểu sai về quan điểm và tính nhân đạo của ta trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong luật này.

"Việc hỗ trợ chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em từ khi giới thiệu làm con nuôi, tôi đề nghị nên có sự thỏa thuận hai bên và không nên quy định cứng nhắc trong luật" - ĐB Huyền nói.

Làm rõ thêm về vấn đề phí, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài thì hoàn toàn phù hợp với quy định của Điều 32, Công ước Lahay năm 1993 về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em được nhận làm con nuôi quốc tế thì hoàn toàn phù hợp.

Theo đó, qua Báo cáo mới đây của Ủy ban Pháp luật thì thấy rất rõ là tất cả các nước có trẻ em cho làm con nuôi nước ngoài đều có quy định về vấn đề chi phí, ta không phải là cá biệt. Đại sứ quán các nước quan tâm đến vấn đề này, tại diễn đàn các nước Lahay họ cũng chỉ muốn là Việt Nam quy định rất rõ, rất cụ thể và minh bạch, công khai như đại biểu Quốc hội đã nêu để thông báo cho gia đình nhận con nuôi - chứ không phải tổ chức nào con nuôi cho nhiều thì được nhận con nuôi, cho ít thì không được nhận con nuôi.

Bộ trưởng Cường cho biết, mới đây nhất Ủy ban đối ngoại của Quốc hội có thẩm tra và có báo cáo gửi lên Ủy ban thường vụ Quốc hội để tới đây chúng ta gia nhập công ước Lahay. Công ước Lahay quản lý vấn đề chi phí này công khai, minh bạch rất rõ ràng, hàng năm định kỳ đều có tổng kết, tất cả các nước chứ không phải chỉ riêng các nước mới nhập. "Nếu được, tôi nghĩ nên gọn lại theo hướng Chính phủ đã đề nghị"

Bộ trưởng Cường cũng nhắc lại, "trong thảo luận tại kỳ trước (kỳ họp 6) đại biểu Quốc hội lại muốn rất cụ thể ghi vào chi phí này để làm cái gì, để sau này Chính phủ có hướng dẫn".

Điều 12. Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài
1. Người nhận nuôi con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài lệ phí quy định tại khoản 1 Điều này, người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam nhận con nuôi là người Việt Nam phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí cho việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, bao gồm chi phí lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi; xác minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi; thẩm định hồ sơ của người xin nhận con nuôi; nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi và thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng.
Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền thu, mức thu, việc miễn, giảm và chế độ quản lý, sử dụng chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài quy định tại khoản này.
3. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có liên quan đặt ra các khoản thu trái pháp luật từ hoạt động nuôi con nuôi.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn