Khiếp vía cái chết lơ lửng trên đầu khi đi giữa phố

Thời sựThứ Ba, 10/06/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Hàng loạt cây xanh trên địa bàn TP.HCM tiếp tục gãy đổ khi bước vào mùa mưa gây nguy hiểm cho người đi đường.

(VTC News) - Hàng loạt cây xanh trên địa bàn TP.HCM tiếp tục gãy đổ khi bước vào mùa mưa, không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn đe dọa tính mạng người dân mỗi khi ra đường.

Hiểm họa chờ chực
Theo thống kê của Công ty TNHH MVT công viên cây xanh thành phố (gọi tắt là công ty cây xanh), trong mấy ngày qua, hàng chục cây xanh trên địa bàn thành phố bị gãy đổ và bật gốc sau những cơn mưa lớn đầu mùa, đặc biệt cao điểm nhất là trong ngày 28/5 có 10 cây ngã với 27 cành bị gãy, làm hư hại 4 xe ô tô, 1 xe máy và 1 bảng quảng cáo.

Một cây cổ thụ gãy đổ rất may không gây thương vong về người 
Mặc dù công ty đã cho khắc phục sự cố ngay sau đó nhưng rõ ràng đây cũng chỉ là biện pháp tình thế. Điều mà người dân quan tâm là làm sao đừng để những hiểm họa trên luôn luôn chầu chực mỗi khi người dân ra đường, không chỉ thiệt hại về tài sản mà tính mạng con người cũng bị đe dọa. 
Vừa mới thoát nạn khỏi một cây xanh bất ngờ đổ xuống đường khi đang lưu thông, chị Lê Thị Thành (ngụ quận 6) chia sẻ: trên đường đón con đi học về, khi lưu thông đến đường Nguyễn Trãi (giao đường Phùng Hưng, quận 5) bất ngờ một cây xanh lớn đổ sập và chắn ngang đường, cách vị trí xe đang chạy khoảng 20m.

“Mẹ con tôi bị một phen hú vía, may sao không bị gì… mong cơ quan chức năng làm sao để mỗi lần ra đường trong mùa mưa người dân không phải bất an như hiện nay. Cây xanh gãy đổ xuống đường không chỉ thiệt hại về tài sản mà tính mạng con người cũng luôn đặt trong tình trạng báo động”, chị Thành lo lắng.
Theo thống kê của công ty cây xanh, hiện Công ty đang được giao duy tu chăm sóc hơn 90.000 cây xanh với hơn 100 chủng loại trên 1.200 tuyến đường, các khu dân cư và một số công viên. 
Các tuyến đường được trồng thuần chủng chiếm khoảng 10%, còn 90% cây xanh được trồng tự phát. Theo lãnh đạo công ty cây xanh, hiện tại các khu dân cư và trên nhiều tuyến đường còn tồn tại một lượng lớn cây xanh thuộc danh sách cây cấm trồng do UBND thành phố ban hành, có các đặc điểm như: có gai, mủ độc, rễ ăn ngang ảnh hưởng công trình, dễ ngã đổ, gãy nhánh… do vậy cứ đến mùa mưa hay có gió lớn những cây này đều dễ đổ ngã.

Cũng theo giải thích của công ty cây xanh, một phần nhỏ cây gãy đổ do công ty quản lý là những cây có tuổi đời cao, rễ và bên trong thân cây có hiện tượng mục, không ăn sâu vào lòng đất nên nguy cơ đổ cao khi mưa gió. 
Khi chúng tôi hỏi vì sao không phát hiện được cây dễ gãy đổ, một lãnh đạo công ty cho hay, hiện chưa có kỹ thuật hiện đại để phát hiện cây bị mục, thối rễ… mà chủ yếu qua quan sát bằng mắt thường lẫn kinh nghiệm. Theo giải thích trên thì có thể hiểu rằng, mùa mưa này, người dân vẫn phải “tự lo” từ các hiểm họa của cây xanh gãy đổ. 
Chi 300 tỷ đồng mỗi năm vẫn không hiệu quả
Theo kế hoạch số 1306/KH-UBND của UBND thành phố vừa ban hành về việc triển khai trồng rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố năm 2014. Cụ thể sẽ trồng mới 1 triệu cây xanh với kinh phí gần 46 tỷ đồng. Chưa hết, được biết, hàng năm, thành phố chi không dưới 300 tỷ đồng cho công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh. 
Điều đó đồng nghĩa, thành phố vẫn bỏ một nguồn ngân sách không nhỏ cho mảng xanh trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh vẫn còn nhiều bất cập và không hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách thành phố.

Vào mùa mưa, người dân TP.HCM vẫn phải đối mặt với những hiểm họa gãy đổ từ cây xanh trên các tuyến đường. 
Theo tiến sĩ Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa thành phố, mảng cây xanh luôn đòi hỏi số đầu tư rất cao. Và vì đây là mảng công ích thuộc công ty nhà nước nên ngân sách cũng trích từ nhà nước mà ra. Vậy nên làm sao để vận dụng hiệu quả mà không lãng phí ngân sách là điều đáng bàn. 
Tuy nhiên, tại TP.HCM, ngoài việc hàng năm diện tích xanh được phủ đều và rộng khắp thì công tác duy tu, bảo dưỡng cây xanh vẫn đặt dấu hỏi lớn, đơn cử hàng năm cứ vào mùa mưa hàng loạt cây lại tiếp tục đổ xuống. Ngoài việc thiếu các tiêu chuẩn để bảo dưỡng cây xanh thì nguyên nhân đáng bàn là hiện chưa có một đơn vị chuyên môn “đúng nghĩa” đảm trách. 
“Để khắc phục tình trạng này, thành phố cần thành lập một đơn vị chuyên môn độc lập về công tác bảo trì, bảo dưỡng cây xanh và xây dựng bộ tiêu chí đầy đủ để khắc phục tình trạng trên”, tiến sĩ Sanh nêu rõ.
Trước thực trạng cây xanh gãy đổ, Ban quản lý công ty cây xanh cho biết, thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác tuần tra phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh có nguy cơ bị gãy đổ, công ty đã thành lập tổ kiểm tra kỹ thuật hoạt động liên tục, kiểm tra giám sát hệ thống công viên, cây xanh để tiếp tục đề xuất các kế hoạch. 
Bên cạnh đó, bổ sung khối lượng không thường xuyên đốn hạ nhằm thay thế cây sâu bệnh, già cỗi, bọng gốc… không còn phát huy tác dụng bảo vệ; Có kế hoạch hạ thấp chiều cao đối với cây có rễ ăn ngang, cành nhánh giòn, dễ bật gốc; tỉa thưa vòm tán đối với những cây nặng tán… nhằm hạn chế tối đa gãy đổ cây xanh trong mùa mưa… 
Đặc biệt, công ty đang xin chủ trương UBND thành phố cho mua bảo hiểm công cộng cho cây xanh đô thị.

Tuấn Hưng - Sỹ Hưng
Bình luận
vtcnews.vn