Khi vị trí ngồi trên chuyến bay phụ thuộc vào... một chiếc di động

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Năm, 12/07/2018 08:00:00 +07:00

Ít có ai tưởng tượng được rằng người Việt ngày nay đã rút ngắn mọi khoảng cách địa lý trên trái đất chỉ với… một chiếc di động thông minh.

Trong một công bố mới đây của Kanter Media Việt Nam, 84% người dân ở các thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ đã sử dụng Internet thường xuyên mỗi ngày, thậm chí thời gian họ dành cho internet còn nhiều hơn cả xem tivi.

Đó cũng là điều hiển nhiên bởi ngày nay, lượng smartphone được sử dụng ở tại Việt Nam là vượt bậc và chưa bao giờ việc lên Internet bằng diện thoại di động lại dễ dàng như thế. Cụ thể, tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, thời gian bình quân mà mỗi người dành để sử dụng Internet trên điện thoại hàng ngày lần lượt là 2 giờ 52 phút, 2 giờ 04 phút, 1 giờ 52 phút và 2 giờ 08 phút. Xét theo giới tính, 100% nữ giới từ 20 đến 29 tuổi được hỏi có dùng điện thoại. Tỷ lệ này ở nam giới cùng độ tuổi là gần 98,7%.

"75% người dùng điện thoại ở 3 thành phố lớn (TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) chi 200.000 đồng mỗi tháng cho hóa đơn điện thoại. Riêng người dùng Hà Nội chi bình quân đến 600.000 đồng", bà Trần Thị Thanh Mai - Tổng giám đốc Kantar Media cho biết thêm.

Không khó để hiểu được lý do, bởi điện thoại di động và internet giúp cuộc sống con người trở nên "thông minh" hơn, tiện nghi hơn. Theo đó, kỷ nguyên di động giúp rút ngắn khoảng cách nhiều mối tương quan xã hội từng bị thách thức.

Đầu tiên là khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Những năm gần đây rất nhiều địa phương khai trương dịch vụ hành chính công khai trên mạng xã hội, đặc biệt là Zalo. Từ Đà Nẵng đến Đồng Nai, Tiền Giang đến Cần Thơ…Các quyết định này không chỉ giúp người dân không phải mất thời gian và công sức đến trụ sở làm việc để cập nhật thông tin hay đăng ký cách thủ tục phổ thông, mà còn giúp cho sự tương tác, thấu hiểu giữa đôi bên trở nên chặc chẽ hơn bao giờ hết.

Tiếp đến, là khoảng cách giữa con người và con người. Nếu ngày xưa khoảng cách địa lý ngăn chia rất nhiều người, thì nay dường như đó không còn là vấn đề chủ yếu, bởi người ta vẫn có thể hỏi thăm nhau mỗi ngày, thậm chí suốt cả ngày, qua mạng xã hội và các chương trình gọi điện, trò chuyện trên mạng. Ông Phạm Hải Văn – CEO của Haravan chi nhánh phía Bắc cho biết một con số khá thú vị. Đó là có đến 85% người dùng Việt đọc tin nhắn trực tuyến trong ngày đầu tiên, trong khi tỷ lệ này ở email là 5-7%.

Và cuối cùng là khoảng cách giữa người dân với doanh nghiệp, hay khách hàng và đơn vị kinh doanh. Cuộc chạy đua để hướng đến các giải pháp thân thiện hơn trên môi trường di động của các doanh nghiệp làm ăn ở Việt Nam đang khốc liệt hơn bao giờ hết.

4

 

"Các doanh nghiệp muốn thành công cần theo sát những xu hướng thương mại di động mới nhất để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Nếu website của doanh nghiệp có sự tương thích đối với thiết bị di động, doanh nghiệp sẽ bảo đảm được khả năng hiện diện trước nhiều khách hàng hơn và khả năng cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp cũng được nâng cao", ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận xét.

Đó chính là sự chuyển mình thông minh giữa truyền thống và hiện đại. Gần như đã thành một trào lưu, hầu như không có ngành nghề kinh doanh nào lại bỏ qua thị trường di động béo bở, từ bán lẻ, giải trí đến ẩm thực, du lịch và tận tải. Chỉ nói riêng lĩnh vực vận tải thì sau những ồn ào của các ứng dụng gọi xe thời gian qua, mảng hàng không cũng bắt đầu nóng dần nhưng với lý do khác, khi các hãng bay nhận ra rằng, kỷ nguyên di động đang mở cánh cửa cho họ vươn lên một tầm cao mới nhờ ưu hóa trải nghiệm của khách hàng, ngay từ khi đặt vé.

Vấn đề của ngành hàng không xưa nay là sở hữu lượng khách hàng vô cùng lớn, trải mọi độ tuổi và phân khúc thu nhập, và mỗi nhóm khách hàng khác nhau có điều kiện, thói quen tiếp tận với phương thức mua vé không giống nhau. Chính sự đa dạng này vô hình trung tạo ra thử thách không nhỏ. Người thích mua trực tiếp tại đại lý, người quen đặt trên website, số khác lại yêu cầu mọi thao tác đều diễn ra trên di động cho nhanh gọn.

“Cùng với xu hướng chung của thế giới, thời gian qua, ngành hàng không Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong cuộc cách mạng thương mại điện tử. Vietnam Airlines đã sẵn sàng trong việc mang đến nhiều lựa chọn về đặt giữ chỗ và phương thức thanh toán nhất cho mọi khách hàng”, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Tiếp thị Bán sản phẩm Vietnam Airlines cho biết.

Thực tế, từ cuối tháng 6 vừa qua, Vietnam Airlines đã có hàng loạt động thái để khẳng định vị thế của mình trong cuộc cách mạng thương mại điện tử trênwww.vietnamairlines.com và ứng dụng của hãng. Với những người đã quen dùng ví điện tử thông qua cổng thanh toán VN Pay, Napas, từ nay họ đã có thể đặt chỗ, mua vé ngay trên ứng dụng của các ví điện tử này. Việc thanh toán cũng vô cùng đơn giản qua QR code. Đây là lựa chọn cho những người yêu thích các ứng dụng mua sắm tất cả trong một. Họ không cần phải thao tác trên nhiều màn hình khác nhau mà vẫn có thể mua được vé trên giao diện ví điện tử đã quen dùng hàng ngày.

Với nhóm khách hàng yêu mến tính tiện lợi của phương thức đặt chỗ qua tổng đài (hotline 19001100, 19001800) thì nay, họ sẽ càng thấy tiện lợi hơn vì không cần phải trực tiếp ra đại lý, phòng vé để thanh toán. Vé đã có nhân viên tổng đài chọn sẵn. Hành khách chỉ cần vào website của Vietnam Airlines để thanh toán mà không phải mất thời gian tìm mua.

Chưa bao giờ mà người ta lại có thể sở hữu một chiếc vé máy bay và những vị trí ngồi tiện nghi một cách dễ dàng nhất như hiện nay. Đặc biệt với những nâng cấp sắp tới của Vietnam Airlines trong khâu thanh toán, chỉ cần một chiếc di động, người dân Việt đã sẵn sàng để đi khắp thế gian.

Vĩnh Thụy
Bình luận
vtcnews.vn