Khất thực thì không cười nói, xoa đầu người khác, nhận tiền

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 16/08/2022 18:09:00 +07:00
(VTC News) -

Nhà sư khất thực đúng pháp luôn trang nghiêm và yên lặng, không cười nói hay nhìn mặt thí chủ, chỉ nhận thực phẩm vừa đủ trong bát, không nhận tiền hay các vật khác.

Từ khá lâu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra thông bạch đề nghị chư tăng không đi khất thực nữa để tránh tình trạng người khoác áo vàng ôm bình bát giả làm tu sĩ mượn cớ khất thực để xin tiền. Tuy nhiên trong thực tế đời sống tu hành, một số thầy theo hạnh Khất sĩ vẫn đi khất thực như một cách thực hành phép tu.

Khất thực thế nào là đúng phép?

Theo bài viết của Hòa thượng Giác Minh Luật trên báo Giác ngộ, Luật nghi Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang chế định nêu ra 26 phép khất thực. Qua đó, mọi người có thể  nhận biết dễ dàng đâu là phép trì bình khất thực đúng cách và đâu là sai lạc. Đáng chú ý nhất là các quy định về phong thái cần có của khất sĩ và những gì được phép nhận:

- Không được nhìn mặt thí chủ, hoặc nói chuyện quá năm, sáu câu.

- Khi đi khất thực phải trang nghiêm, nhìn thẳng  xuống, nhìn xa 2 thước, không liếc 2 bên, không tìm lóng nghe chuyện người nói.

- Không được vừa đi vừa nói chuyện chỉ trỏ…

- Ai có hỏi đạo giữa đường thì kiếm gốc cây ngồi nói, hoặc hẹn sau khi độ cơm rồi sẽ nói, hoặc mời người đến ngay chỗ trụ hoặc để ngày khác người thỉnh cúng dường tại nhà có tăng đông, có cư sĩ nhiều sẽ nói.

- Không được nhận tiền, gạo, không nhận đồ ăn mặn.

- Ngoài món ăn ra không nhận món gì ai gửi (hãy bảo người ta đem đến chùa). Ai gửi cúng Phật thì không được nhận, hãy nói “Tăng chỉ là người tu đi xin ăn mà thôi”.

- Bát nếu ôm trần thì được nhận, bát mang trong túi cấm thâu nhận.

Khất thực thì không cười nói, xoa đầu người khác, nhận tiền - 1

Các nhà sư khất thực đúng pháp thường trang nghiêm và im lặng, chỉ nhận thực phẩm.

Trong một bài viết đăng trên Cổng thông tin điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Thắng khẳng định: “Khất thực chính là xin thức ăn. Nếu là các vị thực hành hạnh khất sĩ thì điều căn bản nhất để phân biệt là vị đó sẽ không nhận tiền, chỉ nhận thức ăn vừa đủ trong bình bát. Nếu thức ăn trong bình bát vừa đủ thì vị thầy đó sẽ đậy bình bát ra về và ăn trong chánh niệm vào đúng giờ Ngọ (khoảng 11 - 12h).

Ngoài ra các vị khi đi khất thực rất oai nghi, đi thẳng không dừng lại xin ai, không nói năng đòi hỏi gì ở người khác”.

Nhấn mạnh về yêu cầu nghiêm trang, im lặng khi khất thực, thầy Thích Thanh Thắng cho biết, thời Đức Phật, chư tăng khi đi khất thực thường ngậm nước trong miệng để tịnh khẩu. Nếu thí chủ cúng dường thức ăn thì chư tăng âm thầm nhận, không trả lời bất cứ câu hỏi dư thừa, không ích lợi nào. Chỉ khi tín chủ nói "thưa ngài con có chuyện buồn trong gia đình, con có chuyện đau khổ, con không biết phải tu tập thế nào cho đúng"... thì vị tăng kia mới quay đi nhổ nước trong miệng ra và giải đáp thắc mắc cho thí chủ xong rồi mới đi tiếp.

“Vì thế nếu chúng ta thấy, vị nào đi khất thực không đúng với truyền thống thì chúng ta không bố thí. Hoặc giả vị nào đó khi chúng ta cúng thức ăn lại nói không cần thức ăn mà hãy cúng tiền cho tiện, thì chúng ta biết ngay đó là người giả sư khất thực.

Hiện nay có một số chùa, cũng thỉnh thoảng tổ chức ngày lễ sớt bát, nhưng Phật tử dùng phong bì tiền bỏ vào trong bình bát, hay để trên nắp bình bát thì đó cũng là cúng dường không đúng pháp”, Hòa thượng Thích Thanh Thắng khẳng định.

Những quy định khác về khất thực 

Ngoài các điểm đã nêu ở trên, Luật nghi Khất sĩ còn có các quy định sau về khất thực:

- Phép đi khất thực chỉ từ 1 đến 2 người, trừ khi nào đến xứ lạ thì 1-2 ngày đầu đi chung cho biết đường sá, đi từ người cách khoảng 2 thước.

- Khi đi lấy cơm hoặc đi trai tăng tại nhà cư sĩ thì được đi chung, đi hàng một cách nhau 2 thước tây, ai lớn tuổi đạo đi trước, tập sự đi sau.

- Tại tịnh xá có ban cư sĩ hộ pháp, hoặc có nhiều người xin cúng dường luân phiên giáp 30 ngày trong mỗi tháng thì giáo hội nếu đông chia ra: Phân nửa tăng đi khất thực, phân nửa tăng nhận cúng dường trọn bữa ăn.

- Tốt hơn là mỗi người hằng ngày đều phải đi bát, ban hộ pháp chỉ hộ thêm sau khi đi về.

- Khi đi khất thực nếu ai về không kịp ngọ lỡ quá trưa thì phải độ nơi chỗ vắng, gốc cây xa đường lộ, phố xá chợ đông. Phải tránh những chỗ dơ dáy bụi bặm ồn ào vì như thế sẽ làm nhẹ thể pháp Phật.

- Đi bát không được vào chợ, hoặc đứng phía góc chợ hoặc chen lấn chỗ đám đông. Nên phải đi vào trong xóm và các đường lộ xa chợ.

- Mỗi đường có thể đi 3 ngày, đi xa không quá 3 ngàn thước.

- Lượt đi phải đi luôn, lượt về nếu thiếu thì đứng trước cửa từ nhà (ngoài đường chứ không được vào thềm) mỗi nhà đứng năm ba phút theo thứ tự.

- Khi bát còn lưng thì ôm qua tay trái gần trước bụng, lúc đầy rồi phải để vào túi phủ nắp lại quảy phía tay mặt không nhận nữa.

 - Không nhận lãnh đồ vật để trong túi ngoài bát hoặc trên nắp bát.

 - Không được đi vào nhà ai, khi đi khất thực. Nếu phải đi viếng ai hoặc có việc của Giáo hội sai, thì đi lại ngay nhà người ta trước, bát mang chứ không ôm, lượt về mới ôm ra đi xin mà trở về.

- Không được dừng lại uống nước hay đại tiểu khi đi khất thực.

- Khi đi khất thực ai muốn cúng và thí gì tự ý, bao giờ người hỏi sẽ chỉ dạy, bằng không thì thôi chớ chê khen, bắt lỗi ép buộc người ta.

- Nếu biết cơm có dính lỡ đồ ăn mặn, thì khi về phải cho người khác, chớ không được dùng bằng khi túng ngặt phải gụt rửa sạch mới được dùng.

- Mỗi khi có chuyện gì thì phải đứng lại, có ai cúng thì chỉ lại người sau cho để bát trước.

- Ngày nào ai đi bát đường nào phải sắp đặt trước tại chùa chớ đừng ra đường lộn xộn.

- Ăn rồi đồ nếu còn dư phải cho hết, không được để dành.

- Đồ khất thực trước phải độ trước. Đồ cúng dường sau phải độ sau.

- Khi đi khất thực không được chống gậy che dù…  phải mặc áo chừa cánh tay mặc đầu trần chân không, phải mặc quấn thượng y trùm kín.  

Hạnh Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp