Khám phá Tennis cho trẻ em

Tổng hợpThứ Tư, 25/07/2012 04:39:00 +07:00

Rất nhiều người nghĩ Tennis chỉ dành cho người lớn với những động tác mạnh mẽ, dễ gây chấn thương, đòi hỏi nhiều thể lực…

Tennis là một môn thể thao rất phổ biến và được ưa chuộng trên thế giới. Khoảng 10 năm trở lại đây, bộ môn này phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Rất nhiều người nghĩ Tennis chỉ dành cho người lớn với những động tác mạnh mẽ, dễ gây chấn thương, đòi hỏi nhiều thể lực… Nhưng kì thực, đây cũng là môn thể thao hữu ích, thú vị dành cho các em nhỏ và được các em đặc biệt yêu thích…

Sôi động quần vợt mini…

Với trẻ em ở các nước phát triển, Tennis không phải là môn thể thao mới mẻ. Nhưng ở Việt Nam, chỉ hai năm trở lại đây, bộ môn này mới thực sự được các em nhỏ biết đến, tìm hiểu và tham gia chơi.

 
Anh Thăng Long (Huấn luyện viên Tennis trẻ em ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đa số các em nhỏ đến với môn thể thao này xuất phát từ việc chủ động của phụ huynh – những người từng chơi Tennis: “Trước đây, nhiều người nghĩ Tennis là thể thao dành cho người lớn với các động tác mạnh cần nhiều sức lực. Các em nhỏ sẽ dễ bị tổn thương xương, cột sống… khi tham gia chơi môn này.


Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm bởi cách tập luyện tennis của trẻ em rất bài bản, có nhiều điểm khác so với người lớn và hoàn toàn phù hợp với thể trạng của các em”. Hiện nay, số lượng các em nhỏ tham gia chơi Tennis ngày một đông, lứa tuổi tương đối đa dạng, từ 4 tuổi cho đến 14 tuổi, được đào tạo từ các lớp cơ bản đến nâng cao. Nhiều phụ huynh coi đây vừa là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe, vừa là môi trường để các em giao lưu, mở rộng giao tiếp…

 
Đến sân Tennis Quan Hoa (Cầu Giấy – Hà Nội) vào một buổi chiều muộn có thể bắt gặp khá nhiều các em nhỏ đang tập luyện Tennis. Nhìn những cú phát bóng chuẩn xác, những động tác đánh bóng, đỡ bóng, chạy dọc sân… thật khó có thể hình dung các em nhỏ này đều ở độ tuổi… dưới 10. Vinh (6 tuổi, nặng 22 kg, Thanh Xuân – Hà Nội) hồn nhiên khoe: “Em chơi môn này được 10 tháng nhưng bố đã cho em tiếp xúc với vợt bóng từ năm 2 tuổi rồi. Cảm giác đánh trái bóng qua lại thích lắm chị ạ. Ngày xưa là vợt bé bé, bây giờ vợt to như người lớn em cũng chơi được”. Lúc đầu cậu gặp khá nhiều khó khăn trong việc di chuyển trên sân sao cho hợp lý vì hình thể còn nhỏ, sức bền còn kém… Nhưng sau gần một năm tập luyện chính thức, cậu bé đã tự tin mình có thể chơi khá tốt môn thể thao này.


Với Triều (9 tuổi, Hoàng Mai – Hà Nội) thì môn thể thao cậu thích nhất trước đây là bóng đá. Nhưng sau một lần bị ngã, chấn thương, cậu chơi thử Tennis, và rồi sự dẻo dai, khéo léo, những trận đấu mang tính đối kháng cao… đã dần dần thu hút cậu. Còn Minh (10 tuổi), vốn nhút nhát, ít thích giao tiếp bạn bè. Bố cậu đăng kí cho con tham gia câu lạc bộ Tennis với mong muốn cậu vừa được rèn luyện sức khỏe, vừa có thể cởi mở hơn trong cuộc sống. Lúc đầu cậu bé tỏ ra khá nhát bóng, cảm thấy khó khăn trong việc tập luyện.

 
Nhưng sau hơn một năm là quen với các kĩ thuật cơ bản, những đường bóng của Minh đã khá thành thục, cậu cũng trở nên cởi mở hơn với mọi người. Bố Minh cho biết, mong muốn lớn nhất của cậu bé bây giờ là có thể trở thành vận động viên chơi Tennis giỏi trong tương lai, có thể thi đấu ở những giải đấu lớn trong nước và quốc tế.

Huấn luyện viên Thăng Long cho biết, đa số các em nhỏ khi tham gia đều hào hứng, thích thú với tennis. “So với bóng đá, cầu lông, bóng bàn, bóng rổ… tennis không hề quá sức hay khó chơi với các em nhỏ nếu được hướng dẫn một cách bài bản. Thậm chí còn có tác dụng rèn luyện sức khỏe và thể lực cho các em rất tốt. Có thể nói tennis mang đến cho các em một sân chơi lành mạnh, đồng thời có cơ hội làm quen với môn thể thao tương đối thịnh hành trên thế giới và Việt Nam”.

Tới thời điểm này, không khó để tìm thấy một sân quần vợt mini, câu lạc bộ hay lớp học tennis dành cho trẻ

em ở các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng… Chủ yếu các em tham gia đông vào thời gian hè. Đây cũng là khoảng thời gian những giải thi đấu phong trào được tổ chức nhiều nhất, thu hút đông đảo các “vận động viên” nhí tham gia. Theo Huấn luyện viên Hữu Thành, các giải đấu này không chỉ có ý nghĩa tạo sân chơi vui vẻ, hào hứng cho các em, mà còn là nơi phát hiện ra những tài năng quần vợt nhí xuất sắc, phục vụ cho công tác đào tạo lớp vận động viên kế cận cho thể thao quần vợt Việt Nam.

Tennis trẻ em – dễ nhưng không đơn giản…

Nếu như người lớn chơi Tennis khá đơn giản, bỏ qua khá nhiều những giai đoạn học kĩ thuật thì trẻ em lại phải bắt đầu từ những bài học đầu tiên, cơ bản nhất. “Xương cốt trẻ em chưa hoàn thiện, chính vì vậy, không chỉ Tennis mà bất cứ môn thể thao nào khi các em tham gia chơi cũng phải rất cẩn thận từ những kĩ thuật đầu tiên, tránh gây tổn thương, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của các em. So với người lớn, việc hướng dẫn các em chơi Tennis kì công và khó hơn rất nhiều. Thậm chí đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ”, Huấn luyện viên Hữu Thành chia sẻ.

Thông thường, trẻ em từ 3 đến 10 tuổi sẽ gặp khó khăn khi bắt đầu với môn thể thao này: từ cách tiếp cận phù hợp, lựa chọn dụng cụ, cách tập luyện phù hợp để phát triển các kĩ năng quan trọng và kĩ thuật của bộ môn Tennis….  Do đó, các lớp học được phân chia  phù hợp với thể trạng của các em theo bốn giai đoạn: từ 3 -5 tuổi, 5-8 tuổi, 8-9 tuổi, và từ 10 tuổi trở đi.

Với trẻ từ 3-5 tuổi sẽ được tìm hiểu những điều cơ bản về Tennis. Mục tiêu của giai đoạn này là làm thế nào để các em thưởng thức trò chơi thông qua một loạt các hoạt động vui chơi, dựa vào các trò chơi cơ bản của sự cân bằng, phối hợp, nhanh nhẹn, di chuyển và các kĩ năng của vợt với bóng.

Các em có thể đạt được những kĩ năng nhất định và phối hợp tốt với các bạn trong nhóm. Vợt bóng của các em chỉ dài từ 48 – 52cm và banh là bóng mềm bọt biển, nhẹ và không khiến các em phải tạo ra quá nhiều lực để đánh.

Trẻ từ 5 – 8 tuổi sẽ được tiếp xúc với vợt ngắn (52-58cm)  và bóng mềm (bóng bọt hoặc bóng chậm hơn bình thường 75%). Giải đoạn này trẻ có thể chơi các trận đấu thực sự với nhiều cú đánh bóng kĩ thuật khác nhau trên sân mini có diện tích 11m x 6m x 5,5m (tương đương với sân Cầu lông), lưới cao 80cm. Được khuyến khích để chơi cạnh tranh thú vị trong đội và cá nhân.

Với giai đoạn 8 – 9 tuổi, các em bắt đầu phát triển các trò chơi và tập hàng loạt kĩ thuật và chiến thuật. Vợt vẫn ngắn hơn, bóng vẫn mềm hơn nhưng sân có diện tích lớn hơn. Đây là giai đoạn chuẩn bị để các em có thể chơi trên sân bình thường và dần phát triển kĩ thuật đánh các cú bóng khác nhau cũng như chiến thuật trong thi đấu.

Từ 10 tuổi trở đi, các em được chơi trên sân lớn, vợt lớn hơn và bóng cũng chỉ nhẹ hơn một chút so với bình thường. Đây cũng là giai đoạn để các em hoàn thiện tất cả các kĩ thuật của bộ môn này.

Huấn luyện viên Thăng Long bộc bạch: “Để các em hiểu và vận dụng đúng được các kĩ thuật đánh bóng không đơn giản chút nào. Nhiều khi nói xong các em lại quên. Những kĩ thuật khó người lớn chỉ mất ngày một ngày hai là có thể thực hiện, nhưng các em thì phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng”. Ví dụ ở cú xẹt và đập banh, người chơi không nên vặn lưng quá mức cần thiết, mà nên rùn gối xuống, nhón gót lên giữ thăng bằng thân mình. Mặt khác, cánh tay phải hơi cong, nếu xẹt bóng trong tư thế thẳng tay và gồng cứng cổ tay sẽ làm cho lực chấn thương dồn vào cổ và khuỷu tay. Nghe thì dễ, nhưng để các em có thể làm được chuẩn xác lại không đơn giản chút nào. Thông thường, để có thể làm quen với vợt và bóng, thành thục các kĩ thuật cơ bản nhất, các em phải mất khoảng một năm trời tập luyện.

Ngoài các bài tập kĩ thuật, các em còn phải chú ý rèn luyện thể lực và có một chế độ ăn uống hợp lý trước và sau mỗi buổi tập như: uống nhiều nước trước, trong và sau khi chơi để tránh chuột rút và co cứng cơ,  bổ sung nhiều vitamin, chất khoáng (Pharmaton, Centrum….).

Anh Quang Trung (41 tuổi, phụ huynh cho con tham gia lớp học Tennis) thổ lộ: “Mình chơi thì thấy đơn giản, không ngờ con mình chơi lại phải tập luyện bài bản thế. Bù lại, thấy cháu vui hơn, khỏe hơn, mình lại có thêm “đối thủ” để thi đấu cùng, thế cũng đáng mừng đấy chứ”.

Vẫn là một môn thể thao xa xỉ…

Mặc dù là sân chơi lành mạnh, bổ ích, được nhiều em nhỏ thích thú khi tham gia chơi, nhưng tới thời điểm này, các sân Tennis, câu lạc bộ Tennis dành cho trẻ em vẫn chỉ mới xuất hiện ở các thành phố lớn, mạnh nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Hà Nội, Đà Nẵng, Lâm Đồng…

Ngoài tiền học phí khá cao (từ 1 triệu đến 3 triệu / tháng tùy theo cấp độ), những phụ kiện phục vụ cho môn thể thao này giá cũng không hề rẻ chút nào. Vợt loại trung bình có giá khoảng 2 triệu trở lên, tiền thuê sân tập từ 250 nghìn – 300 nghìn/ giờ, ngoài ra còn chi phí mua giày thể thao, trang phục tập luyện…

Chính vì vậy, chủ yếu các em gia đình có điều kiện kinh tế tương đối khá mới có thể theo đuổi môn thể thao này.

Thời gian gần đây, một số câu lạc bộ như: Mini – Tennis, Child Tennis… đã ra đời nhằm mục đích đưa Tennis trở thành một môn thể thao phổ cập, nhân rộng dần mô hình đến các trẻ em ở nhiều tầng lớp và khuyến khích các em say mê bộ môn này có dịp đến làm quen, luyện tập và tham gia chơi, đồng thời phát hiện những tài năng Tennis trong cộng đồng cho thể thao nước nhà. Tại các câu lạc bộ này, các em được hỗ trợ về giáo viên hướng dẫn, sân tập và một phần dụng cụ tập luyện…  Tuy nhiên, các câu lạc bộ này khá thưa thớt, chỉ mới xuất hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, và hoạt động cũng rất cầm chừng. Cho đến giờ, Tennis vẫn là một giấc mơ, một trò xa xỉ đối với rất nhiều em nhỏ thích và đam mê bộ môn thể thao này…

SOO
Bình luận
vtcnews.vn