Khai ấn đền Trần: Ban tổ chức làm sai lệch gây nhiều hệ lụy tâm linh

Thời sựThứ Bảy, 24/02/2018 08:45:00 +07:00

Giáo sư Trần Lâm Biền ủng hộ đề xuất bỏ phát ấn đền Trần vì cho rằng việc này bị phóng đại về quy mô, ý nghĩa đến mức gây hệ lụy về tâm linh.

Những năm gầy đây, cứ đến thời điểm sau Tết lại nổ ra tranh cãi xung quanh việc phát ấn đền Trần ở Nam Định. Sở dĩ có sự tranh cãi đó, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, việc khai ấn đền Trần vốn chỉ là một truyền thống địa phương, nay đã bị “phóng đại” về quy mô, ý nghĩa đến mức gây hệ lụy về tâm linh.

Bình luận về vấn đề này, GS.TS Trần Lâm Biền cho rằng phát ấn để lấy tiền là một hình thức mê tín dị đoan, không mang tính giáo dục, thiếu nhân văn và bộc lộ nhiều mặt trái nên cần loại bỏ.

- Ý nghĩa thực sự của việc khai ấn đền Trần đầu năm mới là gì, thưa ông?

Theo tôi, việc khai ấn đầu năm mới chỉ đơn giản có ý nghĩa là sử dụng cái ấn đó cho mọi công việc. Đền Trần khai ấn có nghĩa là công việc tín ngưỡng trong năm ngoái của đền đóng lại để ăn Tết. Sau Tết, những người có chức sắc trong ngôi đền khai ấn để bắt đầu công việc của một năm mới.

Đối với chiếc ấn ở đền Trần, tôi khẳng định chắc chắn không phải là ấn tín của triều đình, của các vua Trần. Đây chỉ là chiếc ấn của nhà đền để thực hiện nghi lễ của mình. Nó cũng giống ấn đóng bùa treo khắp nhà cần trấn yểm sự cố hoặc các bùa cầu may mang theo người.

Có thời gian, việc đóng ấn ở đền Trần trong ngày khai ấn lại do các quan chức nhà nước từ cấp cao xuống đến cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện với ý nghĩa “khai ấn” là mở đầu cho công việc của nhà nước.

Ban tổ chức lễ hội đền Trần làm sai lệch việc này trong nhiều năm dẫn đến nhiều hệ lụy về tâm linh mà bây giờ đang phải giải quyết.

Ban đầu, ấn đền Trần chỉ là một biểu tượng cầu an cho cộng đồng địa phương, cho các gia đình trong khu vực. Nhưng để tuyên truyền, người ta đã nâng cấp ý nghĩa của ấn và việc khai ấn lên thành việc của triều đình nhà Trần, của lãnh đạo nhà nước đương đại.

Do đó, một thông điệp ngầm về việc ấn đó mang lại quyền lực, sự may mắn về chức quyền cho người có được ấn trở thành điều hiển nhiên. Điều đó lại phù hợp với tâm lý xã hội chạy đua lên các thang bậc khác nhau của chức quyền vốn gắn với bổng lộc.

Các quan chức trong tỉnh, ở các tỉnh bạn và cả các ban, ngành ở trung ương cũng đã từng nô nức về đền Trần đêm khai ấn, chắc hẳn cũng chạy theo dòng thông điệp ngầm sai lầm này.

7_zing 8

Hàng ngàn người thâu đêm chờ đợi để tranh cướp ấn ở đền Trần. (Nguồn ảnh/ Zing.vn) 

- Tức là ngày càng có nhiều người hiểu sai về ý nghĩa thực sự của việc khai ấn đền Trần và cố tình bịa đặt ra câu chuyện sai lệch để lồng vào đó những lợi ích cá nhân?

Đúng vậy! Càng ngày việc phát và xin ấn càng không còn mang đúng ý nghĩa như nó đã từng tồn tại hàng trăm năm qua.

Những người có nhu cầu mãnh liệt với ấn đền Trần về cơ bản gồm những người sắp có chức tước hay đang có chức nhưng mong muốn có vị trí cao hơn nữa hoặc có chức tước nhưng chưa chắc chắn, sợ bị đe dọa, lung lay.

Tức là nhiều người đến đền Trần tranh cướp ấn và sử dụng cái đó như một khoán ước cầu tài, cầu lộc, cầu chức vị thì điều đó là hành động mê tín di đoan hiện đại. Những điều tiêu cực ấy không thể biện bạch được nó là nhu cầu của người dân.

Vốn dĩ cái đền ấy ngay từ ban đầu nó không có nhu cầu này. Nó chỉ được một số người bịa đặt ra, gắn với việc thăng quan tiến chức hòng lừa đảo những người "kém tài ít đức" nhưng có nhiều tham vọng và ham muốn.

Nó còn tồn tại bởi những người làm nhiệm vụ hướng dẫn tín ngưỡng ấy có một động cơ vụ lợi cá nhân đứng đằng sau, quyền lợi đứng đằng sau.

Thần thánh đối với người Việt là thế lực siêu linh. Thần thánh là chân lý, là đại diện cho mọi điều tốt lành và công bằng của cuộc sống.

Thần thánh là thực hiện những điều tốt đẹp với tất cả mọi người chứ không phải cho một cá nhân cụ thể nào cả. Tuy nhiên, cái ý nghĩa tốt đẹp ban đầu lại bị làm mờ đi để phục vụ cho mục đích của một số cá nhân nào đó.

Không cầu viện vào năng lực thực sự của mình, chỉ những kẻ thiếu sự tự tin mới cần cầu xin đến thánh thần. Giả sử, việc tranh cướp, mua bán hay xin ấn có giá trị thì phải chăng thần linh đang từ những vị thần nắm cán cân công lý lại trở thành công cụ phục vụ cho những ý đồ không mấy tốt đẹp của từng cá nhân.

Như vậy, rõ ràng việc trần tục hóa, thô tục hóa các vị thánh thần thì chắc chắn không có thánh thần nào ủng hộ cho những người như vậy. Không có thánh thần nào lại đi cổ xúy cho những nhu cầu đầy tính cá nhân, những tham vọng không mấy tốt đẹp.

Video: Biển người chen lấn trong lễ khai ấn đền Trần năm 2017

- Theo ông, để việc phát ấn đền Trần về đúng với giá trị văn hóa đích thức của nó, không còn gây tranh cãi mỗi dịp đầu năm mới thì những người làm quản lý và tổ chức lễ hội cần phải làm thế nào?

tran-lam-bien-2-giaoduc.net.vn 6

 

Phát ấn để lấy tiền là một hình thức mê tín dị đoan hiện đại nên tôi ủng hộ ý kiến tạm dừng việc phát ấn đền Trần.

GS. TS Trần Lâm Biền

Không riêng gì lễ hội đền Trần, với bất kể một lễ hội nào, muốn ứng xử một cách tốt đẹp, trước hết phải hiểu nó là cái gì đã. Không hiểu nó thì chắc chắn sẽ đi lệch hướng, lệch đường và đối với tâm linh dễ sa vào mê tín dị đoan.

Bậc trí giả nhìn vào lễ hội để thấy truyền thống văn hóa, còn kẻ tiểu nhân nhìn vào di tích và lễ hội chỉ thấy mê tín, dị đoan mà thôi.

Như vậy, để hành nghề mê tin dị đoan, theo mê tín dị đoan thì kẻ đó dẫn đến sai lầm mà không một lực lượng nào giúp đỡ họ cả.

Hành động đem tiền đến mua ấn như một khoán ước với thần linh. Tại sao con người lại có quyền khoán ước với thần linh được. Con người không có quyền khoán ước với thần linh. Thần linh sẽ không mang lại ý đồ, lợi ích cho bất kì một cá nhân nào cả.

Bởi vậy, đối với những sự kiện văn hóa không mang tính giáo dục, thiếu nhân văn lại bộc lộ nhiều mặt trái như vậy theo tôi không nên tồn tại. Phát ấn để lấy tiền đó là một hình thức mê tín dị đoan. Tôi phải dùng cụm từ chính xác để diễn tả đó "mê tín dị đoan hiện đại". Bởi là mê tín dị đoan nên giống nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khác, tôi ủng hộ ý kiến tạm dừng việc phát ấn đền Trần.

Theo tôi, chúng ta vẫn tổ chức lễ hội nhưng không tổ chức phát ấn nữa. Làm như vậy, người dân dần dần cũng sẽ quen và chắc chắn không còn tình trạng tranh cướp ấn phản cảm diễn ra mỗi mùa lễ hội.

Xin cảm ơn ông!

Nhiều ý kiến ủng hộ việc bỏ phát ấn đền Trần

Đầu năm 2017, Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng từng có ý kiến: "Trong thời buổi ngày nay, chúng ta xây dựng Nhà nước, bộ máy công quyền liêm chính thì càng phải dập tắt ngay từ trong gốc ý nghĩ muốn thăng tiến thì chỉ có con đường đi cầu cúng, mua quan bán chức… Tôi ủng hộ tạm dừng lại việc khai ấn, phát ấn đền Trần".

Câu chuyện có nên phát ấn đền Trần hay không cũng được đặt ra khá nghiêm túc tại một cuộc Hội thảo khoa học do Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tổ chức cách đây 7 năm.

Trong buổi Hội thảo khoa học này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng cần xóa bỏ việc phát ấn vì nó đang bị bóp méo, phóng đại gây hệ lụy về tâm linh.

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn