Kết quả 1 năm thí điểm không HĐND quận, huyện, phường

Thời sựChủ Nhật, 22/08/2010 06:45:00 +07:00

(VTC News)- Mới đây, Chính phủ đã tổ chức tổng kết 1 năm thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Kết quả thu được là rất khả quan.

(VTC News) - Nghị quyết số 26/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2008 và có hiệu lực từ 1/4/2009, theo đó, thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng tuyệt nhiên không thấy nói tới việc có bỏ hay giữ HĐND thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thị trấn và xã?

Mới đây, Chính phủ đã tổ chức tổng kết 1 năm thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Kết quả thu được là rất khả quan, giúp hệ thống chính trị tinh gọn được bộ máy, tiết kiệm thời gian và chi phí mà không có sự xáo trộn trong hoạt động,các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều được hoàn thành và vượt mức kế hoạch.

Kể từ loạt bài này VTC News sẽ tiến hành đăng tải nhiều ý kiến của những đại biểu huyện, quận, phường ở những nơi chưa thí điểm không tổ chức HĐND để lắng nghe ý kiến cũng như tâm tư của họ.

Việc bỏ HĐND huyện, quận, phường là để giảm bộ máy cồng kềnh làm việc không hiệu quả, lại tốn kém. Ảnh: chỉ mang tính minh họa.

Tiếp xúc với phóng viên nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ HĐND là nhằm đơn giản hóa các thủ tục, vậy khi bỏ HĐND có cấp nào được thành lập mới hay không? Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều người HĐND vẫn gần gũi với dân hơn, ai cũng biết các đại biểu HĐND là đại diện cho dân, góp tiếng nói tới các cấp, các ngành.

 

Ông Nguyễn Đình Công, phó Chánh văn phòng HĐND, UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Khi bỏ HĐND thì đương nhiên vai trò lãnh đạo, giám sát của Đảng và mặt trận tổ quốc sẽ cao hơn và sẽ sát với thực tiễn hơn. Vậy cấp ủy đảng có thành lập ra một ban mới để giám sát, rồi tín nhiệm với cán bộ của chính quyền cũng như công việc thực thi của chính quyền không? Câu trả lời chắc là hiện chưa có lời giải đáp”.

 

“Khi bỏ HĐND cấp, huyện, quận, phường sẽ tập trung công việc lên HĐND thành phố khi đó HĐND thành phố sẽ được mở rộng và có những mạng lưới xuống các quận, huyện, phường. Cũng giống như ở quận, chúng tôi cũng phải có mạng lưới ở dưới phường để nắm bắt công việc.

 

Việc thí điểm tổ chức bỏ HĐND huyện, quận, phường ở Hà Nội thời điểm này chưa thực hiện nhưng khi chúng tôi đi công tác tại các tỉnh nằm trong kế hoạch thí điểm, chúng tôi cũng đã trao đổi với nhau và họ cũng có nhiều băn khoăn khi bỏ HĐND, vì rằng HĐND là cơ quan giám sát rồi đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, nay không còn nữa vậy ai đại diện cho dân, thế rồi ai là người giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật ở địa phương đối với các cơ quan hành pháp và tư pháp”.

 

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ HĐND là để giảm bộ máy cồng kềnh làm việc không hiệu quả, lại tốn kém. Những cán bộ chuyên trách làm việc tại HĐND các quận, huyện, phường sau khi bỏ HĐND sẽ được bố trí vào các ban của Đảng. Vừa qua chúng ta cũng đã thí điểm 10 tỉnh, thành phố và kết quả thu lại rất tốt sau khi bỏ HĐND, không ảnh hưởng gì đến cơ quan đại diện cho người dân cả. Chúng ta đồng tình với những gì nó tích cực và có lợi cho nhà nước và người dân.

 

Việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường sẽ có một khoảng trống ở địa phương, cơ sở. Do vậy hoạt động của HĐND thành phố phải bao trùm hơn, sâu rộng hơn, phải tăng cường số lượng đại biểu và nâng cao vai trò của UBND, ủy ban mặt trận tổ quốc cùng cấp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đề ra một số biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của UBND các cấp.

 

Hiện nay, Trung ương đã có chủ trương thí điểm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND. Vấn đề nhất thể hóa tức là lồng ghép hai chức danh Bí thư và Chủ tịch nhằm làm cho bộ máy gọn nhẹ, việc điều hành sẽ nhanh chóng kịp thời và không bị chồng chéo, ách tắc.

 

“Nếu bỏ HĐND mà mang lại lợi ích và nó không ảnh hưởng gì đến việc chấp hành, quy định của nhà nước thì mạnh dạn bỏ, còn nếu bỏ HĐND mà để lại lỗ hổng cho các cơ quan khác thì không nên bỏ. Vì HĐND là cơ quan giám sát, là cơ quan đại diện cho ý chí  nguyện vọng của dân, của các địa phương, bây giờ theo chủ trương bỏ vậy ai giám sát, ai đại diện cho dân? Phải chăng mọi công việc đều dồn vào hết HĐND cấp thành phố và tỉnh nhiều hơn. Theo tôi đã bỏ HĐND quận, huyện, phường thì không nên lập ra một tổ chức khác để thay thế.

 

Tôi nói thế này, tôi cũng là thành viên tham gia đề án 30 của Chính phủ, phải nói rằng có tiếp xúc và làm việc mới thấy thủ tục hành chính của ta rườm rà, ngay trong cơ quan nhà nước với nhau thôi mà nhiều khi cũng làm khó nhau chứ chưa nói đến các cơ quan nhà nước với dân. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính là cần thiết và nó vẫn giữ được trật tự xã hội”, phó Chánh văn phòng Nguyễn Đình Công kết lại.

 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn HĐND thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thị trấn, xã vẫn chưa bỏ hay là để tồn tại?


Còn tiếp...

 

Kiên Cường



 

Bình luận
vtcnews.vn