Hủy hợp đồng với Nga, Pháp khó bán vũ khí

Thế giớiThứ Ba, 02/12/2014 01:23:00 +07:00

(VTC News) - Đài tiếng nói nước Nga cho biết việc Pháp từ chối giao tàu Mistral cho Nga có thể ảnh hưởng đến uy tín của nước này khi bán chiến cơ Rafale.

(VTC News) - Đài tiếng nói nước Nga cho biết việc Pháp từ chối giao tàu Mistral cho Nga có thể ảnh hưởng đến uy tín của nước này khi bán chiến cơ Rafale.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian đích thân thuyết phục chính phủ Ấn Độ mua máy bay chiến đấu Rafale.

Ngày 1/12, ông Jean Yves Le Drian đến Delhi, gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar. Nếu thỏa thuận bán cho Ấn Độ 126 chiếc Rafale được ký kết, Paris hy vọng sẽ nhận được ít nhất 20 tỷ USD.
Chiến cơ của Không quân Ấn Độ 
Tuy nhiên, Delhi không vội vã đi đến quyết định cuối cùng, không chỉ vì chi phí khổng lồ của giao dịch. Vụ bê bối với việc Pháp từ chối bàn giao tàu sân bay trực thăng Mistral cho Nga đang làm cho Paris mất uy tín với tư cách là nhà cung cấp vũ khí tin cậy.

Rắc rối trong giao dịch với Mistral cực kỳ bất lợi cho Pháp. Theo ước tính khác nhau, chỉ riêng tiền phạt do sai phạm hợp đồng với Nga đã có thể đạt tới 3-10 tỷ Euro.

Nhưng dường như áp lực của Mỹ còn lớn hơn nhiều so với tất cả thiệt hại về kinh tế và uy tín đất nước, Đài tiếng nói nước Nga viết. Sự phụ thuộc của Pháp vào tình hình chính sách đối ngoại như vậy không thể không khiến cho Ấn Độ quan ngại.

Video chiến cơ Rafale của Pháp trình diễn khả năng nhào lộn

Phó Giám đốc Trung tâm phân tích tình hình mua bán vũ khí thế giới Vladimir Shvarev cho biết: "Việc từ chối chuyển giao tàu Mistral cho Nga chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến hình ảnh của Pháp với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí đáng tin cậy.

Trước hết, điều đó sẽ ảnh hưởng đến các chương trình đang được thảo luận và được thiết kế cho nhiều năm. Đó là những chương trình như xuất khẩu máy bay chiến đấu Rafale. Đây là chương trình lâu dài, bao gồm bán máy bay chiến đấu, bảo trì và cung cấp phụ tùng thay thế. Nếu Ấn Độ sẽ mua Rafale, nước này sẽ phụ thuộc vào Pháp trong nhiều thập kỷ tới".

Rất dễ hình dung rằng nếu Hoa Kỳ muốn gây áp lực đối với Ấn Độ - chẳng hạn, khi có bất đồng nào đó về hợp tác trong WTO - họ có thể ép Paris chấm dứt thực hiện hợp đồng Rafale. Khi đó không quân Ấn Độ sẽ có nguy cơ thiếu đồng bộ máy bay chiến đấu hiện đại, Đài tiếng nói nước Nga phân tích.

Brazil và Trung Quốc đã nếm trải nguy cơ tương tự. Theo các phương tiện truyền thông quốc tế, các nhà ngoại giao của những nước này bắt đầu hoài nghi về triển vọng hợp tác quân sự-kỹ thuật với Pháp.

Cũng cần lưu ý rằng tình hình khó khăn của nước Pháp cũng đang bị các nước láng giềng trong EU tận dụng.

Thụy Điển lưu ý Delhi về tính ưu việt của máy bay chiến đấu Gripen của mình. Bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon gần đây đã nói với Times of India rằng trong trường hợp từ bỏ hợp đồng với Pháp, Vương quốc Anh sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu đa chức năng Eurofighter cho Ấn Độ.

Tùng Đinh (Theo Đài tiếng nói nước Nga)
Bình luận
vtcnews.vn