Hướng tới đào tạo 4.0 - bàn đạp cho Việt Nam 'vượt vũ môn hóa rồng'

Sản phẩmThứ Bảy, 27/10/2018 10:57:00 +07:00

Sáng 27/10, tại Hà Nội, hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức với các ngành công nghệ, kỹ thuật” đã diễn ra nhằm đưa ra các định hướng, xây dựng, phát triển và đổi mới đào tạo, nghiên cứu trong trường đại học, viện nghiên cứu về công nghệ - kỹ thuật phù hợp với xu thế của cuộc CMCN 4.0.

Với mỗi cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) nổ ra, kinh tế thế giới sẽ có một bước thay đổi cực lớn, từ nền sản xuất cũ sang nền sản xuất mới trên cơ sở những công nghệ mới. Chính bước tiến ấy tạo ra sự giàu có, phát triển của một số nước tận dụng được cơ hội, tận dụng công nghệ mới đưa vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra năng suất mới, sự phát triển mới.

Chẳng hạn, Mỹ, Anh là hai quốc gia điển hình nắm bắt được cơ hội từ cuộc CMCN lần thứ 2 để phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,... nhờ tận dụng được những thành quả của CMCN lần thứ 3 đã vươn lên sánh ngang với các cường quốc. Liệu Việt Nam có tận dụng và nắm bắt được cơ hội ở CMCN lần thứ 4, “vượt vũ môn hóa rồng” trong thế kỷ 21?.

huong toi dao tao 4.0  (1)

 Toàn cảnh buổi hội thảo (Ảnh: Phan Minh)

Để tạo nên bước nhảy vọt đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu của thời cuộc. Đổi mới chiến lược đào tạo và phát triển nghiên cứu khoa học mũi nhọn thông qua các nhóm nghiên cứu, thu hút - bồi dưỡng - trọng dụng nhân tài, xây dựng các mô hình đào tạo, nghiên cứu và kinh doanh phù hợp với tư duy khởi nghiệp và sáng tạo là những giải pháp tổng thể cho phép Việt Nam có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cụ thể, mô hình đại học trong CMCN 4.0 cũng đã thay đổi với triết lý đào tạo mới: Thời đại mới, các đại học nghiên cứu chuyển mình sang các đại học đổi mới sáng tạo, gắn kết và chuyển đổi mạnh mẽ các kết quả nghiên cứu với các công nghệ kỹ thuật mới và doanh nghiệp.

Đầu ra, người học phải đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Ngoài kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và công nghệ thông tin, các trường đại học phải cung cấp cho người học theo hướng giáo dục khai phóng và STEM - cung cấp các hành trang cho nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kỹ thuật, và tư duy của phát triển bền vững trang bị tầm nhìn cho người học.

Từ đó, cơ cấu lại các chương trình đào tạo trang bị cho học viên tầm nhìn, kỹ năng thu thập, xử lý và kiểm soát thông tin, có khát vọng đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Đào tạo tài năng, chất lượng cao theo xu hướng cá thể hóa đang là xu thế của CMCN 4.0.

Các diễn giả nhận định: Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, Việt Nam được đánh giá là thích ứng khá nhanh. Tuy nhiên, còn 2 mảng quan trọng nữa của cách mạng 4.0 là tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, nước ta phải đầu tư để phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.

Ngày nay, những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ thường có tính liên ngành, xuyên ngành. Chẳng hạn đề đào tạo nhân lực về tự động hóa, ngoài sử dụng dữ liệu lớn, điện toán đám mây để truyền tải và lưu trữ thông tin, còn phải nghiên cứu và phát triển về tích hợp hệ thống (System Integration), công nghệ tương tác thực tế (Augmented Reality), robot tự hành, và vấn đề sống còn là an ninh, an toàn thông tin (Cyber Security)...

Bên cạnh đào tạo và thích ứng, chuyển giao công nghệ, để tiếp cận với trình độ của thế giới và làm chủ các công nghệ lõi, Việt Nam cần có chiến lược để xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu tiên tiến, các trung tâm xuất sắc trong các lĩnh vực này.

Đây là sứ mệnh mà các Bộ, ngành của Việt Nam như Bộ KHCN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông... cùng các trường đại học, viện nghiên cứu cần có giải pháp mạnh hơn, những đáp ứng cụ thể hơn nữa trong thời gian tới để tập hợp lực lượng trong và ngoài nước và các nguồn lực khác để đổi mới giáo dục, đào tạo đại học.

Đồng thời, nhanh chóng đầu tư cho các nhóm nghiên cứu để gây dựng và phát triển các lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0 phù hợp với Việt Nam. 

huong toi dao tao 4.0  (2)

 “Trường Đại học Việt Nhật với triết lý giáo dục khai phóng, hướng tới sự phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Hiểu trường Trường Đại học Việt Nhật khẳng định (Ảnh: Phan Minh)

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất xây dựng và hình thành các nhóm nghiên cứu mới liên ngành, liên đơn vị trong lĩnh vực vật liệu thông minh, khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo… cũng như giải pháp về hệ thống giao thông thông minh ở Việt Nam, một số xu hướng ngành xây dựng thời đại kỹ thuật số như công nghệ BIM 6D, tính toán thiết kế được đồng thời các tham số như thời gian, chi phí và tối ưu nguồn năng lượng.

Trên hết, muốn những chiến lược và đổi mới thành công, đưa Việt Nam theo kịp và nắm lấy lợi thế mà CMCN 4.0 mang lại, mấu chốt là nhân tài. Việt Nam cần tập hợp, tạo mọi điều kiện phát huy nguồn lực trí thức trẻ đã tiếp cận được với tri thức khoa học tiên tiến trên khắp thế giới để nắm bắt những cơ hội của tương lai. Thu hút và sử dụng nhân tài vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Việt Nam hiện nay.

Hội thảo do Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Đại học Nguyễn Tất Thành và Hội Cơ học Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các diễn giả đến từ những trường đại học, đơn vị nghiên cứu hàng đầu như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Nguyễn Tất Thành, Viện KHCN Giao thông vận tải cũng đại diện các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực tư vấn và công nghệ thông tin.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn