Hơn 500 học sinh Quảng Trị bỏ học

Giáo dụcThứ Bảy, 05/03/2016 02:40:00 +07:00

Các em đều nghỉ học sau học kỳ I, trong đó chủ yếu là do học lực kém không theo kịp chương trình và hoàn cảnh kinh tế khó khăn…

Các em đều nghỉ học sau học kỳ I, trong đó chủ yếu là do học lực kém không theo kịp chương trình và hoàn cảnh kinh tế khó khăn…

Chiều 4/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho hay, sau học kỳ I năm học 2015-2016 có gần 540 học sinh bỏ học, chủ yếu ở cấp 2 và 3.

Trong đó, học sinh nữ là 176 em và học sinh dân tộc ít người là 252 em. Thống kê cũng cho thấy nguyên nhân bỏ học chủ yếu là học lực kém, không theo kịp chương trình với 420 em; có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn là 130 em.


Nhiều học sinh ở vùng cao Quảng Trị bỏ học do không theo kịp chương trình. Ảnh: Hoàng Táo
Nhiều học sinh ở vùng cao Quảng Trị bỏ học do không theo kịp chương trình. Ảnh: Hoàng Táo 

Các trường vùng đặc biệt khó khăn có tỷ lệ học sinh bỏ học cao như THPT A Túc 39 học sinh chiếm 12%, THPT số 2 Đăkrông 19 em, THPT Hướng Phùng 12 em… Ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục lý giải: “Ở vùng xa xôi, học sinh có học lực yếu, nhưng ý chí và nghị lực lấp chỗ yếu không cao dẫn đến không theo kịp chương trình nên tư tưởng chán nản”.


Ngoài ra, thiếu sự quan tâm của gia đình, thờ ơ việc học của con em, có nhà ở tại khu vực xa trường lớp, kinh tế khó khăn… cũng khiến nhiều học sinh không đến trường. Nhiều gia đình và học sinh nhận thức học xong THPT cơ hội tìm việc làm không cao nên không muốn học.

Để giảm tỷ lệ bỏ học, vào mỗi dịp hè, giáo viên tại vùng cao Quảng Trị đều dành thời gian phụ đạo miễn phí cho học sinh có học lực yếu. Một giáo viên dạy tại trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa) cho biết, khảo sát của cá nhân vào đầu năm học có đến 50% học sinh không thuộc bảng cửu chương. “Học lực các em ở trên này thường thấp nên chúng tôi chỉ dạy ở mức trung bình. Các em đến lớp nhưng không tiếp thu được nên chểnh mảng rồi bỏ học”, nam giáo viên này nói.

Vào đầu năm học, Quảng Trị có gần 124.000 học sinh các cấp. Theo chính sách hiện hành, học sinh vùng khó khăn đi học được hỗ trợ 15 kg gạo và 70.000 đồng/em tiền chi phí học tập mỗi tháng, được miễn học phí, tiền xây dựng…

Nguồn: Vnexpress
Bình luận
vtcnews.vn